Năm 2014, cha mẹ anh qua đời, để lại ngôi nhà có tuổi đời hơn 60 năm, nằm trên trục đường chính của thành phố, nhưng phần lớn lớp gạch bên ngoài đã rơi ra, có thể sập nếu có động đất. Nó đã trở thành nỗi lo của Kawashima vì anh đã có nhà trong thành phố nên không biết phải giải quyết nó như thế nào.
Nỗi lo của Kawashima cũng là vấn đề làm đau đầu chính phủ Nhật Bản suốt 20 năm. Vùng nông thôn với hàng triệu ngôi nhà bỏ hoang khi dân số giảm mạnh, tạo thành khung cảnh hoang vắng, nhiều người gọi là "nhà ma".
Cuộc khảo sát về Nhà ở và Đất đai do Cục Thống kê Nhật Bản thực hiện năm 2018 cho thấy từ năm 1973, tổng số nhà của nước này đã nhiều hơn số hộ gia đình và tỷ lệ bỏ trống là 5,5%. Đến năm 2018, con số này tăng lên 13,6%, có nghĩa 54 triệu hộ gia đình nhưng có tới 62,41 triệu ngôi nhà.
Theo dự báo của Viện nghiên cứu Nomura, công ty tư vấn và nghiên cứu kinh tế lớn nhất Nhật Bản, nếu xu hướng này tiếp tục, đến năm 2038, hơn 30% nhà ở của nước này sẽ bị bỏ hoang, và đến năm 2040, diện tích trống sẽ tương đương Hokkaido, đảo lớn thứ hai của Nhật.
Từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc, sự bùng nổ nhà ở và kinh tế Nhật Bản đã duy trì một nhịp điệu thống nhất.
Bốn mươi năm sau chiến tranh, nền kinh tế Nhật phát triển vượt bậc, chính phủ cũng đưa ra một số chính sách ưu đãi cắt giảm thuế đối với đất ở. Thanh niên thời đó sau khi tìm được việc làm đã lao vào làm việc như những chiến binh, cùng mức lương tăng đều. Nhiều người ra ngoại thành mua thêm nhà đất tích lũy, bởi cho rằng "đất luôn phải lên giá".
Những năm 90 thế kỷ trước, giá bất động sản rơi vào tình trạng trì trệ cùng với sự sụp đổ của nền kinh tế bong bóng.
Bất động sản ngoại ô trở nên suy tàn. Những đứa trẻ chuyển đến thành phố và ở lại đây làm việc khi lớn lên. Theo báo cáo của Atlantic Monthly (Mỹ), trong nhiều thập kỷ, người Nhật đã di chuyển từ nông thôn đến thành phố. Các thị trấn nhỏ trên bờ vực sụp đổ. Năm 1950, chỉ có 53% dân số sống ở thành thị, đến năm 2014 con số này lên tới 93%. Bất động sản nông thôn liên tục mất giá và không ai đoái hoài đến.
Năm 2009, dân số Nhật Bản đạt đỉnh 128,5 triệu người, sau đó giảm với tốc độ 200.000 người mỗi năm. Đất đai ở nông thôn rẻ mạt và thế hệ trẻ, người được thừa kế những ngôi nhà dù rất to, cũng không muốn chi số tiền lớn để bảo trì. Từ đó ngày càng xuất hiện nhiều ngôi "nhà ma" không có người ở.
Những căn nhà bị bỏ hoang dần trở thành mối nguy tiềm ẩn cho cộng đồng địa phương.
Cỏ dại mọc bừa bãi là thiên đường của sâu bệnh. Lá cây vương vãi trên đường có thể gây phiền phức cho hàng xóm. Các tòa nhà đổ nát là nơi cư trú của mối, gián, rồi nhà xuống cấp bị đổ, sập một phần. Đây cũng là nơi có thể gây ra tội ác như xâm nhập trái phép, đổ rác hay đốt phá.
Chính sách đăng ký bất động sản hiện hành và thuế bất động sản của Nhật Bản đã khiến số lượng "nhà ma" ngày càng nhiều.
Nếu chính quyền địa phương muốn phá bỏ, bắt buộc phải liên hệ với người thừa kế còn sống của ngôi nhà. Bước này cực kỳ mất thời gian, vì người thừa kế có khả năng sống ở khu vực khác, thậm chí ở nước ngoài. Đồng thời, thủ tục đăng ký thừa kế cũng rất phức tạp.
Ngay cả khi việc đăng ký thừa kế hoàn thành, rắc rối vẫn chưa hết. Đối với chủ nhà, những "nhà ma" chỉ còn lại đồ đạc cũ kỹ. Người ta thường không muốn tốn thời gian và sức lực để dọn dẹp chứ chưa nói đến việc bỏ tiền để cải tạo một căn nhà chẳng thể cho thuê hay bán được. Hơn nữa thuế đất trống lại bị "đánh" cao gấp 6 lần so với đất xây dựng nhà ở. Không ai sẵn sàng bỏ ra một triệu yên phí phá dỡ để chịu thuế gấp sáu lần.
Để ngăn chặn tình trạng gia tăng "nhà ma", Nhật Bản đã tiến hành cải cách chính sách. Năm 2014, "Luật về các biện pháp xử lý nhà hoang" được ban hành. Theo luật này, những ngôi nhà trống có nguy cơ sập đổ hoặc gây ra các vấn đề vệ sinh không còn bị đánh thuế cao. Luật cũng cho phép chính quyền địa phương hướng dẫn chủ sở hữu, cải tạo và sử dụng nhà linh hoạt. Tháng 4 năm nay, luật thừa kế nhà ở cũng được đơn giản hóa.
Tuy nhiên, chính sách này không thu hút được sự chú ý của mọi người. Theo "Khảo sát quốc gia về chủ sở hữu nhà" do công ty bất động sản Kachitasu thực hiện vào tháng 8 năm nay, 76,8% chủ sở hữu cho biết họ không biết việc đăng ký thừa kế bắt buộc và 66,7% nói chưa bao giờ thảo luận vấn đề này với thành viên trong gia đình.
Tuy vậy Covid-19 đã khiến một số "nhà ma" sống lại.
Theo báo cáo của tạp chí kinh tế Toyo Keizai, kể từ khi Covid-19 bùng nổ đầu năm 2020, số người làm việc ở nhà tăng lên nhanh chóng, không gian gia đình bị dồn nén và trẻ em gây ra "vấn đề tiếng ồn" với hàng xóm. Sự suy giảm về năng lực kinh tế làm tăng gánh nặng vay nợ nếu mua nhà thành phố. Mọi người bắt đầu tính đến chuyện chuyển về ngoại ô, nông thôn sống trong ngôi nhà do cha mẹ để lại.
On-Co, một công ty bất động sản ở miền đông Nhật Bản, đã mở dịch vụ mới, giúp người có nhu cầu tìm kiếm và cải tạo "nhà ma".
"Điều đầu tiên chúng tôi làm là tìm hiểu khách hàng muốn gì, sau đó sẽ tư vấn và cải tạo nhà giúp gia chủ." Mizutani Takeshi, chủ tịch công ty nói.
Để ngăn ngôi nhà đầy ắp kỷ niệm bị bỏ hoang, Shoji Kawashima đã tìm đến một công ty xây dựng thiết kế địa phương, với mong muốn cho thuê lại sau khi sửa chữa. Công ty này đã biến căn "nhà ma" của Shoji Kawashima thành một nhà hàng nhỏ có ba phòng chính, một phòng trưng bày, phòng đọc sách và phòng được trang bị bếp và sân vườn, nơi mọi người có thể nghỉ ngơi và thưởng thức đồ ăn.
Nhìn những đứa trẻ dạo chơi trong vườn, Kawashima như nhìn thấy quá khứ của mình: "Thật may mắn khi chúng tôi gìn giữ được những kỷ niệm và tình yêu quê hương bằng việc bảo vệ những công trình kiến trúc".
Ito Kenichi, người sở hữu một "nhà ma" khác ở thành phố Kamakura cũng hành động tương tự Kawashima.
Tháng 3 năm nay, Ito nghỉ việc tại công ty. Sau đó, anh đã biến "nhà ma" của mình thành một văn phòng chung, để mọi người có thể làm việc trong thời điểm dịch bệnh, đồng thời thường xuyên tổ chức các workshop khác nhau, như làm vỏ điện thoại di động bằng vỏ anh đào hay tiệc dâu tây...
"Do dịch bệnh, tôi suy nghĩ lại về giá trị giao tiếp. Vì vậy, tôi đã mở cửa ngôi nhà để mọi người có thể tụ tập trò chuyện hàng ngày", anh nói.
Vy Trang (Theo qq)