2h, đang cho bé Hoàng Tử uống sữa thì dưới nôi Xì Trum khóc toáng, "mẹ" Kim Tiền (22 tuổi) hai tay ẵm hai bé, ầu ơ dỗ dành. Những đứa trẻ ở 5 nôi bên cạnh cựa mình, ọ oẹ. Cứ thế, ca trực 12 tiếng xuyên đêm của nữ tình nguyện viên xoay mòng với thay tã, cho các bé bú, vỗ về...
Khi TP HCM vào những ngày khốc liệt nhất của đại dịch, ngày 25/8, Trung tâm H.O.P.E thuộc Bệnh viện Hùng Vương được thành lập, đặt tại Trường Mầm Non Họa Mi 2 (quận 5) từ ý tưởng của Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn. Đây là nơi chăm sóc những trẻ phải chào đời bất đắc dĩ để mẹ cách ly điều trị Covid-19 và không có người thân đón về nhà.
"Tôi thấy thương sản phụ và các bé quá, mong góp một phần giúp các con được chăm sóc chu đáo hơn, và mẹ của chúng cũng yên tâm chống chọi với bệnh", Tiền lý giải tình nguyện vào H.O.P.E làm việc.
Trước dịch, Tiền là nhân viên văn phòng. Ngoài giờ làm khá nhàn, cô thích nấu nướng, trồng cây. Cô giấu cha mẹ ở quê, đăng ký làm tình nguyện viên tại trung tâm, vì không muốn ông bà lo lắng. Hai tuần bước vào H.O.P.E, cô trở thành "bà mẹ bỉm sữa" tất bật xoay sở với 7 đứa con từ sáng sớm cho tới nửa đêm.
Tiền là một trong số 52 tình nguyện viên tại trung tâm; bao gồm 26 giáo viên mầm non của trường Họa Mi 2, các sinh viên, đoàn viên, thanh niên. Họ được Bệnh viện Hùng Vương tập huấn cách chăm trẻ sơ sinh, cách xử lý các tình huống sặc sữa, quan sát các biểu hiện trẻ đói, khó chịu, kiểm tra cách trẻ thở...
Hiện các cô sẽ luân phiên, cứ một ngày làm ca sáng (7h-17h) thì hôm sau làm ca tối (19h-7h) và được nghỉ một ngày. Để tránh nhầm lẫn, các cô đeo vòng chân ghi chú rõ tên mẹ, mã số mẹ, mã số bé, ngày sinh, cân nặng, lượng sữa. Ngoài ra trên mỗi nôi cũng có bảng tên ghi rõ ràng thông tin từng bé.
Đến nay, Tiền đã thành thục các công đoạn chăm trẻ. Dẫu vậy, trực đêm vẫn là thời điểm vất vả nhất đối với cô gái. 3 tiếng một lần, cô pha 7 bình sữa, lần lượt cho từng bé bú, cứ thế hết đêm.
Chị Võ Trần Thanh Phương, giáo viên, là tình nguyện viên ở đây từ những ngày đầu. Kết hôn đã 7 năm nhưng chưa có con, ao ước được làm mẹ luôn thao thức trong chị. Khi hay tin trung tâm tuyển bảo mẫu, chị hỏi ý kiến chồng, đươc anh ủng hộ nên sắp xếp công việc để chuyển vào chăm sóc các bé.
"Các con sinh ra trong thời điểm này thiệt thòi đủ thứ, nhất là tình thương, nên chúng tôi hết lòng chăm bẵm từ bữa ăn đến giấc ngủ. Các cô cưng nựng gọi mấy bé là gái cưng, trai yêu, lớp trưởng, lớp phó, công chúa, hoàng tử...", chị Phương nói.
Có bé sinh thiếu tháng, 34 tuần, nặng 2,3 kg, da nhăn nheo, tím tái, lọt thỏm trong bộ quần áo sơ sinh rộng, bàn tay nhỏ xíu. Nhờ những cữ sữa, bé hồng hào, phổng phao lên. Mỗi ngày được tắm, thay quần áo, cho bé ăn... chị Phương cảm thấy sợi dây yêu thương gắn bó cứ lớn dần lên, nên dù những hôm không có ca trực, chị vẫn chạy qua phụ chăm bé.
"Mỗi lúc được bồng, nghe tiếng dỗ dành, bé lại ngước nhìn rồi chúi đầu vào người mình để tìm hơi ấm. Thương lắm. Hôm đầu tuần bé được ba mẹ đến đón về, tôi buồn vì mới vừa thân quen nay lại xa con. Nhưng trong sâu thẳm, tôi hạnh phúc vì bé được về với gia đình", chị Phương nói. Đây cũng là cảm xúc chung của các bảo mẫu tại trung tâm. Có cô không cầm được nước mắt khi chia tay các bé.
PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết thời gian qua nhiều sản phụ mắc Covid-19 phải cách ly tập trung, các bé sơ sinh chào đời mà không có người thân chăm sóc. Hiện, 230 bé đang được chăm sóc tại bệnh viện, hơn 100 bé đã đủ điều kiện xuất viện thì chuyển qua trung tâm H.O.P.E cho các cô chăm sóc, đồng thời hàng ngày sẽ có các nữ hộ sinh của viện đến hỗ trợ.
Bác sĩ Tuyết chia sẻ: "Tình nguyện viên đến từ nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, có người đã có kinh nghiệm chăm trẻ, có người chưa, nhưng tất cả đều có điểm chung là tình yêu thương đối với trẻ, tạm gác lại cuộc sống bình yên bên gia đình, hy sinh cái riêng để chăm sóc, bù đắp cho các bé thiệt thòi".
Từ tháng 4 đến nay, Bệnh viện Hùng Vương tiếp nhận hơn 1.200 thai phụ, gần 700 trẻ sinh ra từ mẹ mắc Covid-19. Có nhiều bé sinh rất non tháng do buộc phải chấm dứt thai kỳ sớm để cứu mẹ trở nặng. Có bé tử vong từ trong bụng mẹ do tác động của Covid-19. May mắn, tỷ lệ trẻ mắc Covid-19 trong nhóm mẹ F0 này rất thấp, chỉ 5 trên 500 trẻ, chiếm 1%.
Lê Cầm