Gọi bác sĩ xong, anh Kỳ vội đặt bát cháo lên bàn, tiến sát tới đỡ bà ngồi dậy cho dễ thở hơn. Anh luồn một tay sau gáy, một tay nhẹ nhàng đỡ dưới lưng, giúp bà dựa vào thành giường. Tập thở được một chút, bà Trà ngồi không vững, nghiêng người, Kỳ vội ghé vai cho bà tựa. Bác sĩ vừa mang thuốc cấp cứu đến, bà Trà được tiêm thuốc và theo dõi trực tiếp, còn anh Kỳ chuyển sang chăm sóc ba bệnh nhân neo đơn khác trong phòng.
Bà Trà, 67 tuổi, mắc Covid-19 chuyển nặng, đang điều trị cấp cứu, hôm 18/8. Anh Nguyễn Hồng Kỳ, 34 tuổi, ngụ quận Tân Bình, không quen biết bà cũng như những bệnh nhân ở đây. Anh từng là một người bệnh, đã khỏi, song không ra viện mà tình nguyện ở lại phụ giúp chăm sóc bệnh nhân nặng như một điều dưỡng thực thụ.
Anh Kỳ và vợ mắc Covid-19, điều trị hơn một tháng tại Bệnh viện dã chiến số 4. Nhìn cảnh các y bác sĩ phờ phạc, mắt quầng thâm vì thiếu ngủ, luôn tận tình thăm khám, phục vụ bệnh nhân bất kể ngày đêm, anh Kỳ nung nấu ý định "phải làm thứ gì đó" để trả ơn.
Khi đã khỏe mạnh, anh đăng ký làm tình nguyện viên, ở lại bệnh viện với tâm nguyện "làm mọi việc được giao", san sẻ bớt gánh nặng với nhân viên y tế. Ban đầu anh làm hậu cần vòng ngoài như công tác hành chính, vận chuyển cơm nước... Về sau, trò chuyện với bác sĩ Kiều Quốc Thanh (phụ trách phòng cấp cứu), biết có nhiều F0 lớn tuổi trở nặng phải thở oxy, không tự sinh hoạt được nhưng không có người thân, các bác sĩ, điều dưỡng làm không xuể, anh Kỳ xung phong nhận nhiệm vụ này.
Trong bộ đồ bảo hộ cấp 4 (phòng hộ cao nhất), anh Kỳ được bác sĩ Thanh đưa đến từng giường, giới thiệu từng bệnh nhân, hướng dẫn những việc cần làm. Các bệnh nhân hầu hết nằm thở oxy, cử động yếu ớt.
"Tôi thương họ như thương cha mẹ mình vậy. Tôi thấy hình bóng người mẹ quá cố của tôi ở đây", anh Kỳ chia sẻ.
Cứ 7h mỗi ngày, anh Kỳ có mặt ở phòng cấp cứu để đánh răng, đút đồ ăn, lau người, thay bỉm, thay ga trải giường, đấm lưng, hướng dẫn tập thở, thỉnh thoảng gội đầu, cắt móng tay, móng chân... cho các bệnh nhân. Xong việc, anh dọn vệ sinh, khử khuẩn phòng cấp cứu, khoảng 9-10h xong ca đầu. Buổi trưa và chiều tối, các công việc này được lặp lại.
Tranh thủ vừa làm việc, anh vừa động viên, tâm sự, kể những câu chuyện cười "mua vui" cho mọi người. Anh Kỳ lý giải, người ốm, nhất là người lớn tuổi neo đơn rất dễ tủi thân và suy nghĩ tiêu cực. Bản thân anh những ngày đầu mắc Covid bị sốt cao liên tục, ho nhiều, mỏi mệt, mất khứu giác, vị giác... nên cũng từng nghĩ đến tình huống xấu là cái chết, đêm không dám ngủ. Nghĩ đến vợ và hai con còn nhỏ, anh tự nhủ mình "nhất định phải sống" nên đã gạt hết những sợ hãi ra khỏi đầu, chịu khó uống thuốc, bổ sung vitamin mỗi ngày. Vượt qua được dịch bệnh bằng sự lạc quan nên anh muốn lan tỏa tinh thần này đến các F0.
Đa phần bệnh nhân là phụ nữ lớn tuổi, anh không cảm thấy khó khăn hay ngại ngùng vì đã có kinh nghiệm chăm sóc mẹ những ngày bà nằm hồi sức tích cực. Hơn nữa, ngay từ đầu anh xác định, "đi tình nguyện mà ngại thì ở nhà". Chỉ sau vài ngày, anh thành thạo mọi việc như một điều dưỡng chuyên nghiệp.
Hiện, một mình anh có thể chăm sóc 10 người trong số hơn 30 F0 nặng điều trị tại phòng cấp cứu. Bệnh viện dã chiến số 4 tiếp nhận khoảng 4.500 bệnh nhân Covid-19, gồm cả người lớn và trẻ em không triệu chứng, triệu chứng nhẹ, hoạt động từ đầu tháng 7. Đến nay đã có hàng nghìn F0 được xuất viện.
Cựu F0 Hồng Kỳ là một trong số 10 người khỏi Covid-19 chủ động xin ở lại hỗ trợ bệnh viện này. Các tình nguyện viên sinh hoạt chung với nhân viên y tế, được hướng dẫn kỹ các nguyên tắc bảo hộ, đảm bảo an toàn phòng chống lây nhiễm cho bản thân và những người khác khi làm việc. Những lúc rảnh rỗi, anh Kỳ còn trổ tài đầu bếp, nấu những món ăn ngon đổi vị cho các y bác sĩ.
"Sự tự nhiên, hòa đồng, tếu táo, vui vẻ của anh ấy truyền năng lượng tích cực đến tất cả chúng tôi. Tâm lý lo lắng của người bệnh được cải thiện, họ kiên cường chiến đấu hơn. Gánh nặng của nhân viên y tế cũng được san sẻ phần nào", bác sĩ Thanh chia sẻ về người "đồng nghiệp" đặc biệt.
Đến nay, anh Kỳ đã ở lại viện hơn một tuần, dự định khi nào bệnh viện hết F0 mới về. Nhớ nhà, anh thường xuyên gọi điện cho vợ và các con. Anh dự kiến, khi dịch được dập, thành phố khỏe mạnh trở lại, anh sẽ làm đám giỗ mẹ, về Hà Nội thăm mộ ba và mở lại quán phá lấu đang tạm thời đóng cửa.
"Tôi mong mọi người hãy lạc quan, đừng nhìn mãi vào những điều tiêu cực. Nhân viên y tế đã làm hết sức rồi, họ cũng mong hết dịch để về với gia đình, vậy nên mỗi người chúng ta hãy cùng nhau cố gắng một chút", anh Kỳ nói.
Thư Anh