Ngày 11/7, như mọi ca trực trước khi nghỉ hưu, bác sĩ Tùng đi đến từng giường thăm khám, trò chuyện với bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo. Trong bộ đồ bảo hộ màu xanh, bà cầm ống nghe tim phổi, di chuyển khắp các phòng bệnh.
Chia sẻ với VnExpress, nữ bác sĩ cho biết bà sinh ra, trưởng thành tại TP HCM, gần 30 năm gắn bó với Bệnh viện Chợ Rẫy, làm việc qua 4 đời giám đốc viện. Vì thế, khi thành phố bị "ốm" bởi Covid-19, bà "cảm thấy rất đau lòng".
Khi hàng trăm y bác sĩ thuộc lực lượng tình nguyện của Bệnh viện Chợ Rẫy phải tỏa ra chi viện cho các bệnh viện điều trị Covid-19 trên địa bàn, bà hiểu rằng nhân sự khoa Thận Nhân tạo rất thiếu. Nữ bác sĩ về hưu chủ động liên hệ với bệnh viện, tình nguyện trở lại chăm sóc, điều trị bệnh nhân.
Vậy là từ ngày 5/7 đến nay, bác sĩ Tùng hàng ngày chăm sóc bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Hai người con của bác sĩ Tùng cũng đang theo học y khoa, ủng hộ và động viên mẹ trở lại công việc.
"Tôi biết vai trò của mình rất nhỏ, nhưng vẫn muốn đóng góp một chút sức lực, để chăm sóc cho bệnh nhân, để đồng nghiệp của tôi ở ngoài kia yên tâm chống dịch", bác sĩ Tùng nói.
Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị những bệnh nhân suy thận phải lọc máu. Bệnh nhân chạy thận thường lớn tuổi, sức đề kháng kém và mắc nhiều nhiều bệnh lý nền kèm theo. Đây là một trong những nhóm người rất dễ gặp biến chứng nặng nếu không may mắc Covid-19. Do đó, ngoài việc thăm khám, theo dõi sức khỏe, bác sĩ Tùng dành nhiều thời gian động viên, hướng dẫn và nhắc nhở các bệnh nhân chạy thận bảo vệ mình trước những nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Bác sĩ Tùng tâm sự Chợ Rẫy thực sự là ngôi nhà thứ hai của bà. Sau gần hai năm nghỉ hưu rồi quay trở lại làm việc, gặp đồng nghiệp, gặp bệnh nhân, bà thấy như gặp lại người thân. Tinh thần làm việc luôn thoải mái, dễ chịu.
"Tôi mong muốn bệnh nhân khỏe, đồng nghiệp an toàn và dịch bệnh qua nhanh, không để lại những hậu quả quá nặng nề", bác sĩ Tùng bày tỏ.
Thư Anh