Nhưng trước đó, quả cầu trắng khổng lồ, có kích thước bằng ba chiếc xe buýt, đã ra vào không phận Mỹ trong ba ngày.
Khí cầu được Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) phát hiện vào ngày 28/1 trên bầu trời Alaska. Khi nó bay về phía Canada, NORAD tiếp tục theo dõi và đánh giá đường đi cũng như hoạt động của khí cầu, song các quan chức quân sự Mỹ khi đó không cho rằng vật thể này đáng lo ngại. Họ thường chứng kiến khí cầu do thám của Trung Quốc bay qua không phận Mỹ.
Tuy nhiên, sau khi bay qua Alaska tới Canada, khí cầu trở lại không phận Mỹ vào ngày 31/1.
Ngày 31/1, khi Tổng thống Biden từ thủ đô Washington tới thành phố New York tham dự sự kiện về cơ sở hạ tầng và gây quỹ, tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã báo cáo ông về khí cầu Trung Quốc đang bay trên bầu trời Montana.
Tướng Milley lúc này bày tỏ lo ngại, bởi khí cầu lơ lửng phía trên một căn cứ không quân được dùng làm hầm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lớn nhất của Mỹ.
Đối với một số quan chức chính quyền Biden, thời điểm khí cầu xuất hiện cũng đáng chú ý. Quả bóng màu trắng lơ lửng trên bầu trời Mỹ vào tuần mà Ngoại trưởng Antony Blinken dự kiến thăm Trung Quốc, chuyến công du được coi là nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ được ông Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên kế hoạch trong cuộc gặp ở Bali, Indonesia vào cuối năm ngoái.
Trong cuộc họp với Tổng thống ngày 31/1, tướng Milley nói rằng khí cầu dường như có lộ trình bay rõ ràng ở lãnh thổ Mỹ, khác với những khí cầu do thám từng thấy của Trung Quốc. Ông Biden muốn bắn hạ nó, yêu cầu tướng Milley và các quan chức quân sự khác vạch ra các phương án và tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
Tổng thống Mỹ cũng yêu cầu đội ngũ an ninh quốc gia thực hiện các bước cần thiết để ngăn khí cầu thu thập thông tin tình báo, bằng cách đảm bảo không có hoạt động quân sự nhạy cảm hoặc liên lạc không mã hóa nào được tiến hành trong khu vực lân cận.
Tổng thống Biden ngày 1/2 nghe các quan chức quân sự báo cáo phương án và yêu cầu họ bắn hạ khí cầu ngay khi nhận thấy đó là lựa chọn khả thi.
"Bắn hạ nó đi", ông Biden nói với các cố vấn quân sự.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và tướng Milley nói với ông Biden rằng bắn hạ khí cầu khi nó đang di chuyển trên không phận Mỹ có thể khiến các mảnh vỡ rơi xuống mặt đất, gây nguy hiểm cho người dân và tài sản bên dưới.
"Họ nói với tôi rằng hãy đợi đến khi nó ở vị trí an toàn nhất", ông Biden kể với phóng viên ngày 4/2.
Tuy nhiên, ông Biden cũng có thêm yêu cầu quan trọng: ông muốn quân đội bắn hạ khí cầu theo cách có thể đảm bảo khả năng khôi phục tối đa, nhằm giúp cộng đồng tình báo Mỹ đánh giá các thành phần và hiểu rõ tính năng của nó. Các quan chức Mỹ cho biết lựa chọn bắn khí cầu rơi xuống biển cũng làm tăng cơ hội phục hồi các thiết bị mà nó mang theo.
Dù Bắc Kinh ngày 3/2 khẳng định khí cầu chỉ sử dụng cho mục đích khí tượng và bay lạc vào không phận Mỹ, chính phủ Mỹ vẫn tin rằng nó được sử dụng để do thám. Quan chức Mỹ nói cả khí cầu được phát hiện ở Mỹ và một khí cầu khác ở khu vực Mỹ Latinh đều không liên quan tới các hoạt động khí tượng hoặc nghiên cứu dân sự.
Họ phát hiện bên dưới khí cầu có gắn thiết bị thu thập thông tin và một tấm pin năng lượng mặt trời. Đồng thời, khí cầu còn có những động cơ nhỏ và cánh quạt, khiến giới chức Mỹ tin Bắc Kinh có thể phần nào điều khiển lộ trình bay của nó. Quan chức Mỹ nói rằng đây là một phần trong phi đội khí cầu do thám mà Trung Quốc sử dụng trên khắp 5 lục địa trong vài năm qua.
Trong khi quân đội cân nhắc các phương án, giới chức Mỹ cũng nỗ lực thảo luận với Trung Quốc để đánh giá liệu chuyến thăm của ông Blinken có thể tiến hành như kế hoạch hay không.
Sau khi hai nước gần như ngừng tất cả cuộc thảo luận vì chuyến thăm Đài Loan hồi năm ngoái của Nancy Pelosi, người khi đó giữ chức chủ tịch Hạ viện Mỹ, Trung Quốc cuối cùng đã đồng ý trở lại bàn đàm phán. Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã cố gắng thiết lập nền tảng cho chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken. Đây được xem là nỗ lực lớn để duy trì sự ổn định trong quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới.
Song sự xuất hiện của khí cầu đe dọa nỗ lực này. Tối 1/2, quan chức hàng đầu của Trung Quốc tại Washington được triệu tập tới Bộ Ngoại giao Mỹ, nơi ông Blinken và Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đưa ra thông điệp rõ ràng về việc phát hiện khí cầu.
Bản thân ông Biden cũng thông báo cho các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu rằng ông không còn tin đây là thời điểm thích hợp để Ngoại trưởng Blinken thăm Bắc Kinh, một phần vì sự cố khí cầu sẽ phủ bóng các cuộc đàm phán.
Cuối cùng, Mỹ quyết định hoãn chuyến thăm, vài giờ trước khi ông Blinken lên máy bay tới Trung Quốc theo lịch trình.
"Trong bối cảnh hiện tại, tôi nghĩ sự việc sẽ thu hẹp đáng kể chương trình nghị sự mà chúng tôi có thể thảo luận nếu ông Blinken đến Trung Quốc", một quan chức Bộ Ngoại giao nói.
Tổng thống Biden liên tục được cập nhật tình hình về khí cầu. Đội ngũ an ninh quốc gia cũng báo cáo với ông về nội dung các cuộc trao đổi với quan chức Trung Quốc. Trong khi đó, đội ngũ cố vấn quân sự trình bày với ông về các phương án xử lý khí cầu.
Một quan chức cho biết ngay cả khi khí cầu không tiềm ẩn bất kỳ mối đe dọa trực tiếp nào đối với người dân Mỹ, quan điểm được ủng hộ rộng rãi trong chính quyền ông Biden là cần phải bắn hạ ngay khi nó di chuyển khỏi đất liền. Trong lúc chờ đợi, Mỹ nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng về khí cầu và thiết bị mà nó mang theo.
"Chúng tôi đã biết được những thông tin kỹ thuật về khí cầu và khả năng do thám của nó. Tôi cho rằng nhiều thông tin khác sẽ được phát hiện khi khôi phục thành công các mảnh vỡ của khí cầu", quan chức Mỹ nói.
Các cơ quan chính phủ đã làm việc suốt tuần để xác định địa điểm và thời điểm thích hợp bắn hạ khí cầu. Đầu tuần này, Cục Hàng không Liên bang (FAA) yêu cầu chuẩn bị các phương án đóng cửa không phận.
Một kế hoạch bắn hạ khí cầu được trình bày với ông Biden vào tối 3/2 khi ông đang ở Wilmington, trước khi được phê duyệt vào ngày 4/2. Sáng hôm đó, quan chức FAA được thông báo qua điện thoại về việc chuẩn bị hành động.
Bộ trưởng Quốc phòng Austin phát lệnh khai hỏa ngay sau buổi trưa 4/2. Khoảng 13h30 ngày 4/2 (1h30 ngày 5/2 giờ Hà Nội), FAA thiết lập khu vực cấm bay lớn nhất trong lịch sử Mỹ, gấp hơn 5 lần diện tích khu vực hạn chế ở thủ đô Washington và gần gấp đôi bang Massachusetts. Ba sân bay lớn gồm Wilmington ở Bắc Carolina, Myrtle Beach và Charleston ở Nam Carolina được yêu cầu hạn chế bay tạm thời.
Tổng thống Biden vừa cất cánh từ Syracuse, New York khi các tiêm kích F-22, xuất phát từ căn cứ không quân Langley ở Virginia, phóng tên lửa vào khí cầu. Khi những mảnh vỡ rơi xuống Đại Tây Dương, ông Biden đã trao đổi với đội ngũ an ninh quốc gia qua điện thoại từ Không lực Một.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ "không hài lòng và mạnh mẽ phản đối" quyết định bắn hạ khí cầu của Mỹ. Họ cho biết đã yêu cầu Mỹ xử lý vấn đề một cách bình tĩnh, chuyên nghiệp và kiềm chế nhưng Mỹ "phản ứng thái quá và vi phạm thông lệ quốc tế". Bắc Kinh để ngỏ khả năng "đưa ra thêm các phản ứng cần thiết".
Sau khi ông Biden hạ cánh, một phóng viên hỏi Tổng thống Mỹ về thông điệp mà ông gửi đến Trung Quốc. Ông Biden im lặng và lên ôtô rời đi.
Thanh Tâm (Theo CNN)