Thứ năm, 23/5/2024
Thứ hai, 27/11/2023, 21:13 (GMT+7)

Những nấc thang trong 50 năm quan hệ Việt - Nhật

Quan hệ Việt - Nhật có lịch sử lâu đời, trải qua nhiều bước tiến và đã nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ.

Ngày 21/9/1973, Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao trong lễ ký kết tại Paris, Pháp. Năm 2023 đánh dấu 50 năm sự kiện quan trọng này, nhưng thực tế, lịch sử mối quan hệ Việt - Nhật có bề dày hơn con số nửa thế kỷ nhiều lần.

Thế kỷ 17, nhiều thương thuyền của Nhật Bản đã cập cảng Hội An và tại đây, họ tổ chức giao lưu, buôn bán, lập ra khu phố của người Nhật. Trong số này có thương nhân Araki Sotaro, người kết hôn và đưa công chúa Ngọc Hoa, con gái của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, về sống tại Nagasaki, Nhật Bản.

Đầu thế kỷ 20, vào tháng 1/1905, nhà cách mạng Phan Bội Châu tổ chức phong trào Đông Du, đưa khoảng 200 thanh niên yêu nước Việt Nam sang Nhật Bản học tập, nhận được nhiều hỗ trợ vào những thời điểm khó khăn nhất.

Năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt trở thành thủ tướng đầu tiên của Việt Nam thăm Nhật Bản.

Từ khi thiết lập quan hệ, hai nước đã liên tục bồi đắp, củng cố mối hợp tác. Nhật Bản hiện là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh, văn hóa, giáo dục, lao động, du lịch...

Năm 1994, Thủ tướng Murayama Tomiichi trở thành thủ tướng Nhật Bản đầu tiên thăm chính thức Việt Nam.

Các Thủ tướng Nhật Bản đã thăm Việt Nam tổng cộng 12 lần, Chủ tịch Hạ viện thăm hai lần, Chủ tịch Thượng viện thăm hai lần.

Năm 1995, Tổng bí thư Đỗ Mười là tổng bí thư đầu tiên của Việt Nam thăm Nhật Bản. Nhật Bản cũng là nước G7 đầu tiên đón tiếp Tổng bí thư Việt Nam thăm chính thức.

Tổng cộng từ năm 1973, Tổng bí thư Việt Nam đã thăm Nhật Bản 4 lần, Chủ tịch nước thăm 4 lần, Thủ tướng thăm 21 lần và Chủ tịch Quốc hội thăm 4 lần.

Nhật Bản đã nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam vào năm 1992 và nay trở thành nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ hai, nhà đầu tư số ba, đối tác du lịch thứ ba, thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.

Năm 2009, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh thăm chính thức Nhật Bản. Tổng bí thư và Thủ tướng Nhật Bản Aso Taro đã ký tuyên bố chung về "Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á". Nhật Bản là nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam.

Nhật Bản cũng là đối tác ký nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương nhất với Việt Nam, gồm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999. 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản đạt trên 32,9 tỷ USD.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước Nhật Bản vào tháng 3/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Shinzo Abe đã ký tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản về thiết lập "Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á".

Lũy kế đến tháng 9/2023, FDI của Nhật Bản vào Việt Nam đạt 71,3 tỷ USD với 5.198 dự án còn hiệu lực, xếp thứ 3 trong số 143 các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. 9 tháng đầu năm, tổng vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam đạt khoảng 2,9 tỷ USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản tháng 9/2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ra tuyên bố về tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Hai bên khẳng định Việt Nam và Nhật Bản là đối tác quan trọng của nhau, có nhiều lợi ích cơ bản tương đồng, sự phát triển của nước này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nước kia.

Về hợp tác giáo dục, Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới đưa tiếng Nhật vào giảng dạy ở bậc trung học cơ sở từ năm 2003, tiểu học từ năm 2019. Nhật Bản là một trong những nước viện trợ lớn nhất cho ngành giáo dục - đào tạo của Việt Nam thông qua các chương trình ODA.

Số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản hiện đạt hơn 51.000 người. Nhật Bản đã hỗ trợ nâng cấp 4 trường đại học của Việt Nam đạt đại học chất lượng cao, đang hợp tác xây dựng Trường đại học Việt - Nhật nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ, quản lý và dịch vụ.

Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko thăm Việt Nam hồi tháng 3/2017 trước khi thoái vị. Chuyến thăm lịch sử lần đầu này được đánh giá là có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.

Trong chuyến thăm này, Nhật hoàng và Hoàng hậu đã thăm cố đô Huế, thưởng thức Nhã nhạc cung đình Huế và thăm Khu lưu niệm Nhà yêu nước Phan Bội Châu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Nhật Bản tháng 11/2021. Hai bên đã ra tuyên bố chung về hướng tới việc mở ra một giai đoạn mới của mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á.

Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản hiện đạt khoảng 520.000 người, đứng thứ hai sau Trung Quốc. Người Việt Nam hiện sinh sống, làm việc và học tập trên khắp 47 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Nhật Bản, trong đó chủ yếu tập trung tại tỉnh Aichi, Tokyo, Osaka, Saitama, Chiba, Kyushu và Fukuoka.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio bức thư pháp "Chân thành - Tình cảm - Tin cậy", nhân chuyến thăm của lãnh đạo Nhật Bản tới Việt Nam tháng 4/2022.

Đây cũng được xác định là phương châm mới trong quan hệ song phương mà hai nước hướng tới vun đắp.

Hồi tháng 9, Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương Kiko đã đến thăm Việt Nam. Đây là chuyến thăm chính thức nước ngoài đầu tiên của Hoàng Thái tử và Công nương sau dịch Covid-19, cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của thành viên hoàng gia Nhật Bản sau 6 năm, diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Nhật.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân thăm chính thức Nhật Bản ngày 27-30/11. Chủ tịch nước và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida hôm nay ra tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ lên "Đối tác chiến lược toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới".

Việt - Nhật nhất trí về những lĩnh vực hợp tác sẽ được tăng cường trong thời gian tới, gồm đối thoại và tiếp xúc đa cấp, đa tầng; an ninh - quốc phòng; liên kết kinh tế; phát triển nguồn nhân lực, văn hóa, du lịch, giao lưu địa phương và giao lưu nhân dân; những lĩnh vực mới như năng lượng, môi trường, khoa học công nghệ, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; các vấn đề khu vực, quốc tế và một số lĩnh vực khác.

Chủ tịch nước đánh giá nâng cấp quan hệ là "sự kiện quan trọng, mở ra chương mới" trong quan hệ Việt - Nhật. Thủ tướng Kishida khẳng định nguồn nhân lực Việt Nam là "sự hiện diện không thể thiếu" trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản.

Ảnh: TTXVN, VGP, VOV, Reuters