Trong cuộc hội đàm ở Phủ Thủ tướng Nhật Bản hôm nay, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Fumio Kishida bày tỏ hài lòng về sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện, thực chất trên tất cả lĩnh vực của quan hệ hai nước với sự tin cậy chính trị cao, gắn kết chặt chẽ trên lĩnh vực kinh tế, nguồn nhân lực, hợp tác địa phương, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mong Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nới lỏng các thủ tục nhập cảnh, sớm cấp thị thực điện tử, thị thực nhiều lần cho công dân Việt Nam vào Nhật Bản với mục đích cá nhân và tiến tới miễn thị thực cho công dân Việt Nam.
Hai lãnh đạo nhất trí tăng cường giao lưu, tiếp xúc cấp cao hàng năm bằng nhiều hình thức linh hoạt, tiếp tục triển khai những cơ chế đối thoại hợp tác đã có và thúc đẩy thiết lập các cơ chế hợp tác mới, tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng trên cơ sở Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản.
Về hợp tác kinh tế, hai lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường liên kết kinh tế giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác để đảm bảo an ninh kinh tế và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Thủ tướng Kishida khẳng định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng với mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045.
Nhấn mạnh doanh nghiệp Nhật Bản coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng trong hợp tác bảo đảm chuỗi cung ứng và điểm đến đầu tư triển vọng nhất trong các nước ASEAN, Thủ tướng Kishida đề nghị hai bên phối hợp nâng cao hiệu quả, tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hợp tác sử dụng ODA và FDI của Nhật Bản tại Việt Nam.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị Nhật Bản tích cực xem xét cung cấp cho Việt Nam các khoản vay ODA thế hệ mới tập trung vào những dự án phát triển hạ tầng chiến lược quy mô lớn của Việt Nam, thúc đẩy doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư quy mô lớn vào Việt Nam và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ, tăng cường hợp tác nông nghiệp chất lượng cao, tạo điều kiện thuận lợi để thủy sản và hoa quả của Việt Nam vào Nhật Bản, trong đó sớm mở cửa thị trường cho bưởi da xanh và tiếp theo là chanh leo của Việt Nam.
Hai bên khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ trên các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và thế giới, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, tổ chức quốc tế và khu vực như Liên Hợp Quốc, APEC, ASEAN, OECD, RCEP, CPTPP.
Sau hội đàm, hai lãnh đạo cùng ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ lên "Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới".
Hai lãnh đạo cũng chứng kiến ký kết các văn bản hợp tác giữa bộ, ngành hai nước về những khía cạnh như chuyển đổi năng lượng, bảo quản, phục hồi di sản văn hóa, y tế, khoa học, cung cấp trang thiết bị cho Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển. Trong số này có thỏa thuận thực hiện giữa Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam với Cơ quan vũ trụ Nhật Bản (JAXA) về hỗ trợ vận hành Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và khai thác hiệu quả vệ tinh LOTUSat-1giai đoạn 2024-2029.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân đang trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của nhà nước Nhật Bản ngày 27-30/11.
Việt Nam - Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/9/1973 và xác lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2009. Vào năm 2014, hai nước xác lập quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á.
Nhật Bản là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và đã hai lần mời Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng. Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản có sự tin cậy chính trị cao, liên kết khu vực ngày càng chặt chẽ, chia sẻ quan điểm chung trong nhiều vấn đề hợp tác khu vực, quốc tế.
Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về cung cấp viện trợ ODA, thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ 4 về thương mại. Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản 24,2 tỷ USD và nhập khẩu 23,4 tỷ USD.
Vũ Anh