Thứ bảy, 20/4/2024
Chủ nhật, 25/12/2022, 08:19 (GMT+7)

Những món ăn cho chuyến food tour Hải Phòng

Đến Hải Phòng, du khách có thể đi từ sáng sớm tới tối đêm để thưởng thức nhiều loại đồ ăn và thức uống đa dạng.

Vài năm gần đây, food tour gắn với du lịch Hải Phòng và được nâng lên thành chiến dịch quảng bá. Sở Du lịch Hải Phòng đã phát hành bản đồ food tour Hải Phòng với các món ăn và địa chỉ để du khách và người dân dễ dàng tìm thông tin để thưởng thức. Trên ảnh là chợ Cát Bi, một trong những điểm đến trên bản đồ food tour Hải Phòng.

Duy Tùng (28 tuổi), sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, là người đam mê ẩm thực đất cảng. Tùng thường xuyên trải nghiệm và khám phá những địa điểm ăn uống có tiếng ở thành phố để giới thiệu với người ở nơi xa.

"Đến Hải Phòng, dù ở con ngõ nhỏ hay khu chợ cóc ven đường du khách cũng có thể tìm thấy những nơi ăn uống. Người Hải Phòng ngoài những bữa chính thì họ còn có thói quen ăn vặt, ăn bữa xế, bữa phụ", Tùng cho biết.

Theo lời khuyên của Tùng, để khởi đầu food tour, vào buổi sáng có thể chọn một bữa lót dạ đúng kiểu người Hải Phòng bằng bát bánh đa cua. Bánh đa cua bán ở khắp thành phố, đầu mỗi con ngõ hay trong các nhà hàng như quán Bảo Yến - 29/31 Nguyễn Bỉnh Khiêm - Lạch Tray, quán số 48 Lạch Tray, ngõ 195 Cầu Đất.

Theo Tùng, bánh đa cua ở đầu mỗi con ngõ mang đặc trưng Hải Phòng nhất, do chính những người Hải Phòng bán cho người dân với với sợi bánh đỏ dẻo được nấu bằng nước dùng gạch cua đồng ngọt, ăn kèm với tôm, thịt, chả lá lốt, tóp mỡ. Các nhà hàng thì thường phục vụ khách du lịch nhiều hơn. "Nhưng kể cả là khách du lịch, hãy thử các quán ngay đầu mỗi con ngõ nhỏ, bạn sẽ cảm nhận được hương vị truyền thống, giá rẻ, chỉ khoảng 25.000 đến 30.000 đồng", Tùng nói.

Nếu không thích ăn đồ nước, bạn có thể chọn món bánh mì que với nhân pate béo bùi được rưới chí chương (một loại tương ớt Hải Phòng) cay nồng, vừa ăn vừa xuýt xoa rồi uống một ngụm cà phê cốt dừa để dịu vị
cay.

Một số địa chỉ thưởng thức: bánh mỳ cay bà già 57A Lê Lợi, quán 37 Đinh Tiên Hoàng. Tuy nhiên du khách cần xếp hàng và mua trước 8h do những quán này khá có tiếng trong giới sành ăn và chỉ bán số lượng bánh mì giới hạn mỗi ngày. "Nếu ở nơi khác đến, muốn mua nhiều bánh mì que về làm quà, bạn phải đặt trước từ 1 đến 2 tiếng vì bánh làm đến đâu bán tới đó, không quết pate sẵn", Tùng lưu ý.

Những món ăn được bán vào buổi chiều thường là món ăn nhẹ, để mọi người có thể ăn tiếp bữa tối. Bạn có thể chọn đĩa bánh bèo nóng với nhân thịt băm nhỏ trộn tiêu, hành ăn kèm nước mắm pha chua ngọt.

Những món này du khách có thể tới chợ Cát Bi, chợ Đồng Quốc Bình, chợ Lương Văn Can. Đây là những khu chợ nổi tiếng của thành phố với đủ các loại ẩm thực đa dạng, giá cả hợp lý và chỗ ăn uống được xếp thành khu vực riêng biệt, giúp du khách có thể thưởng thức được nhiều món mà không phải di chuyển nhiều. Ngoài ra, lang thang trên phố, bạn có thể thưởng thức các món ăn vặt này.

Sủi dìn là là món ăn hợp với thời tiết lạnh. Đây là loại bánh được làm với vỏ bằng bột gạo nếp, bên trong là nhân đậu xanh hoặc vừng đen nấu cùng nước gừng nóng, rắc thêm một vài sợi dừa nạo. Các quán nổi tiếng có Cô Út 163 Cầu Đất, quán 49 Đinh Tiên Hoàng, 34 Kỳ Đồng. "Những quán bán sủi dìn này là quán vỉa hè nhưng lúc nào cũng chật kín khách, đặc biệt ngày trời lạnh", Duy Tùng nói.

Buổi tối có rất nhiều món ngon, trong đó nổi bật nhất là các món từ ốc. Đây là sự lựa chọn cho những du khách thích lai rai. Ốc Hải Phòng có rất nhiều chủng loại như ốc điếu, ốc cà na, ốc len, ốc móng tay… được chế biến gần giống kiểu Sài Gòn nhưng bớt ngọt để phù hợp khẩu vị của người Bắc.

Một số quán ốc nổi tiếng như: ốc Tuyết tại ngõ cạnh số 27 phố Lê Lợi, ốc Online 52 Dân Lập, ốc Hương - 274 Hàng Kênh. "Những hàng ốc này luôn là địa chỉ yêu thích của nhóm mình vào cuối tuần do có đủ loại ốc tươi được chế biến thành nhiều món với cách nêm nếm đậm đà, thêm gia vị mạnh tay đúng như tính cách của người Hải Phòng", Tùng nhận xét.

Ngoài ra còn rất nhiều món có thể dùng được bất cứ khi nào trong ngày như trà cúc. Trà cúc hơi đắng nơi đầu lưỡi nhưng lại ngọt khi xuống cổ họng do được pha với cam thảo và quất tươi. Những quán trà cúc tập trung nhiều trên các phố Phan Bội Châu, Minh Khai.

Giá bể được xào cùng với giấm, mắm, bột nghệ và bột củ dong sền sệt. Giá bể có hình ovan dẹt với 2 vỏ mỏng, phần thịt ở giữa gần giống ngao, trai, vẹm.

"Thưởng thức loài này đòi hỏi tính kiên nhẫn. Bạn muốn ăn phần thịt giá bể cần tách vỏ từng con, ăn kèm với một miếng chân giá, món này chỉ để ăn chơi, không dùng để ăn no", Tùng cho hay.

Cà phê cốt dừa được làm từ bột cà phê trộn nhuyễn với nước cốt dừa và thêm sữa đặc, sau đó đánh đều tạo thành hỗn hợp sệt. Tùy sở thích của khách hàng mà cho thêm nhiều loại topping như sương sáo, hạt trân châu, dừa tươi nạo sợi, dừa khô.

Theo Duy Tùng, loại đồ uống này có vị đắng nhẹ của cà phê kết hợp với vị ngọt thanh của nước cốt dừa và vị thơm của sữa đặc, không bị đắng khó uống và không bị quá ngọt và ngấy. Tại Hải Phòng, nổi tiếng nhất là Cà phê cốt dừa Cô Hạnh ở 148 Lương Khánh Thiện và nhiều chi nhánh trên khắp thành phố, ngoài ra còn có quán cô Hằng.

Nem chua Bà cụ chắc thịt, giòn, thường một bát cắt hai cái nem và nước mắm giấm. Điểm đặc biệt của món ăn còn là rổ rau ăn kèm lớn. Món ăn được bán ở đoạn ngã tư Tôn Thất Thuyết và Phan Bội Châu, có thể mua mang về.

Bánh đúc tàu là món ăn có nguồn gốc Trung Quốc, nay là món ăn vặt phổ biến ở Hải Phòng. Phần bánh đúc trắng được cắt thành từng miếng nhỏ, cho thêm topping như đu đủ hoặc su hào, tôm, thịt ba chỉ...

Nói thêm về ẩm thực Hải Phòng, Tùng cho biết: "Ẩm thực Hải Phòng đa dạng hiếm nơi nào có được. Hải Phòng là một thành phố lvừa có những món ăn mang đậm chất dân tộc, lại giáp biển nên có nguồn hải sản dồi dào để chế biến đồ ăn. Nhờ cảng Hải Phòng mà người dân có cơ hội tiếp cận nhiều món ăn lạ từ nơi khác và qua quá trình biến tấu, đổi mới hương vị cho phù hợp đã trở thành đặc sản của Hải Phòng như hiện nay".

Sang Sang
Ảnh: Duy Tùng

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net