Joe Biden cùng những người ủng hộ cũng như một số quốc gia có lẽ sẽ ăn mừng khi một nhiệm kỳ tổng thống khó đoán và hỗn loạn nhất trong lịch sử Mỹ hiện đại kết thúc, nhưng cũng có những lãnh đạo không có chung cảm giác đó, theo bình luận viên Marc Champion của Bloomberg.
Với người đứng đầu một số nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Triều Tiên hay Israel, vốn được hưởng những thành quả tích cực trong 4 năm nhiệm kỳ của Trump, việc ông phải rời Nhà Trắng sẽ đẩy họ vào tình thế đối mặt với nhiều thách thức ngay lập tức.
Không quốc gia nào có mối quan hệ với Mỹ thay đổi dưới thời Trump đáng kể như Triều Tiên. Từ những lời đe dọa và lăng mạ lẫn nhau, mối quan hệ Washington - Bình Nhưỡng đã phát triển theo hướng không ai nghĩ tới. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Trump đã ba lần họp thượng đỉnh và trao đổi hàng chục bức thư, cho thấy mối quan hệ "tuyệt vời đầy bí ẩn" giữa họ.
Tuy nhiên, quan hệ cá nhân tốt đẹp Trump - Kim, vốn được coi là bước ngoặt trong cách tiếp cận của Mỹ với Triều Tiên, vẫn không thể thuyết phục được Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa. Trong cuộc duyệt binh hôm 10/10, Triều Tiên phô diễn một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) lớn chưa từng thấy, dường như có khả năng mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân, khiến mối đe dọa với Mỹ tăng lên nhiều lần.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden từng tuyên bố nếu đắc cử, ông sẽ không gặp lãnh đạo Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng không đáp ứng những điều kiện tiên quyết liên quan tới phi hạt nhân hóa.
Tuyên bố cứng rắn của ông khiến khả năng nước Mỹ dưới thời Biden nhanh chóng dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Triều Tiên ít có cơ hội xảy ra, giới chuyên gia nhận định. Trong bối cảnh kinh tế Triều Tiên đang rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất hai thập kỷ do Covid-19, đây thực sự là một tin xấu.
Kịch bản Trump thất cử cũng sẽ là một tin rất không vui với Arab Saudi, quốc gia được Trump chọn làm điểm công du đầu tiên sau khi nhậm chức đầu năm 2017. Chân dung ông chủ Nhà Trắng khi đó còn được chiếu nổi bật lên mặt tiền của khách sạn nơi phái đoàn Mỹ lưu trú.
Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman đã thu được hàng loạt lợi ích quan trọng kể từ khi Trump lên nắm quyền, mà trên hết là việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran, "kình địch" của Arab Saudi ở Trung Đông.
Tổng thống Trump cũng thể hiện sự ủng hộ cá nhân đối với Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman và phủ quyết các lệnh trừng phạt của quốc hội khi ông này bị cáo buộc đứng sau vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi, người thường xuyên chỉ trích Riyadh.
Tuy nhiên, Arab Saudi cũng có những nỗi thất vọng đối với chính quyền Mỹ, đặc biệt là việc Tổng thống Trump hồi năm 2019 không tung đòn đáp trả sau khi các cơ sở dầu khí ở phía đông Arab Saudi bị tấn công và Washington quy cho Tehran đứng sau sự việc.
Các lãnh đạo Arab Saudi cho biết họ tự tin có thể thích nghi với tình hình mới nếu Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ. Dù vậy, việc Trump ra đi nhiều khả năng sẽ khiến mối quan tâm truyền thống của Mỹ về vấn đề nhân quyền với Arab Saudi được nhen nhóm trở lại và mở ra cánh cửa hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng là một trong những lãnh đạo thế giới được Trump ưu ái nhất. Trump không ủng hộ việc áp đặt lệnh trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nước này mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, dù Ankara là một thành viên NATO.
Mối quan hệ cá nhân giữa họ đã giúp Erdogan thuyết phục Trump rút binh sĩ Mỹ khỏi những vùng đất do người Kurd kiểm soát ở phía bắc Syria để Thổ Nhĩ Kỳ có thể điều quân tới các khu vực này.
Trump đưa ra quyết định trên mà không tham vấn với Lầu Năm Góc hay các đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria, bao gồm Anh, Pháp và cả dân quân người Kurd, lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.
Với những lệnh trừng phạt đang sẵn sàng giáng xuống và việc Biden từng kêu gọi Mỹ ủng hộ các đảng đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan có lẽ sẽ là người mất nhiều nhất nếu Trump rời Nhà Trắng.
Với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Trump dường như là một đối thủ "khó chơi", khi ông thể hiện quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh hơn rất nhiều tổng thống Mỹ khác. Ông tung các đòn áp thuế với hàng hóa Trung Quốc, làm nóng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và có những động thái nhằm ngăn nước này tiếp cận với các công nghệ quan trọng của Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều quan chức Trung Quốc nói rằng nếu cân nhắc thiệt hơn về lợi ích và so sánh với Biden, họ vẫn muốn Trump ở lại Nhà Trắng.
Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Trump đã làm lung lay hệ thống liên minh hậu Thế chiến II mà Trung Quốc coi là rào cản đối với tham vọng địa chính trị của họ. Ông cũng làm suy yếu vị thế quốc tế của Mỹ bằng cách loại bỏ nhiều chính sách cũ để theo đổi phương châm "Nước Mỹ trên hết", tạo cơ hội cho Trung Quốc lấp vào chỗ trống lãnh đạo ở hàng loạt lĩnh vực khác nhau, từ thương mại đến biến đổi khí hậu.
Mối quan ngại của Bắc Kinh là nếu Biden đắc cử, ông sẽ tìm cách xây dựng một mặt trận quốc tế phối hợp chặt chẽ hơn nhằm đối phó với Trung Quốc, trong khi vẫn duy trì áp lực về thương mại và công nghệ.
Dù vậy, Bắc Kinh vẫn có khả năng hưởng lợi từ một mối quan hệ ít cảm tính hơn với Washington nếu Trump thất cử. "Mọi người có thực sự muốn nhìn thấy Trung Quốc và Mỹ bước vào Chiến tranh Lạnh không?", Zhu Feng, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh, Trung Quốc, đặt câu hỏi.
Cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 đã khiến Washington tiến hành một cuộc điều tra toàn diện, nhưng rốt cuộc việc Trump tái đắc cử vẫn mang lại lợi ích cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Từ khi lên nắm quyền, Trump thường xuyên hoài nghi về giá trị của NATO, thậm chí cả vị thế của các đồng minh như Đức, làm suy yếu một liên minh xuyên Đại Tây Dương lâu nay luôn đối đầu với Nga.
Có rất nhiều lý do để giới quan sát tin rằng xu thế này sẽ tiếp diễn nếu Trump tái đắc cử. Tuy nhiên, Tổng thống Nga đến nay vẫn chỉ đảm bảo được rất ít lợi ích mà ông mong muốn, từ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đến tiến bộ về kiểm soát vũ khí.
Giới chức Nga nhận thấy viễn cảnh quan hệ Mỹ - Nga tan băng rất ít có khả năng xảy ra và triển vọng này càng thấp hơn nếu Biden lên làm tổng thống.
Với Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, Trump là một "tri kỷ chính trị". Khi các cuộc thăm dò dư luận Mỹ nghiêng về phía Biden, Bolsonaro đang ngày càng lo lắng cho tương lai mối quan hệ giữa ông với Nhà Trắng, theo một quan chức chính quyền Brazil am hiểu vấn đề.
Từ khi lên nắm quyền hồi năm 2019, Bolsonaro đã thay đổi truyền thống theo đuổi một chính sách đối ngoại trung dung đã tồn tại hàng thập kỷ của Brazil để ngả dần sang Mỹ và các đồng minh. Đổi lại, Trump dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò tươi từ Brazil, ủng hộ nước này gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển, đồng thời ký những thỏa thuận hợp tác quốc phòng, khám phá không gian.
Ngoại trưởng Brazil Ernesto Araujo nhấn mạnh nước này sẽ không gặp bất kỳ vấn đề gì với chính quyền Biden, nhưng những chính sách về môi trường của Tổng thống Bolsonaro sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Biden từng cảnh báo rằng Brazil sẽ đối diện với những hậu quả kinh tế nặng nề nếu không ngăn chặn nạn phá rừng Amazon.
Trump đã không ít lần phá vỡ những tiền lệ của Mỹ nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự theo chủ nghĩa dân tộc mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu theo đuổi, công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan và chuyển đại sứ quán Mỹ về Jerusalem. Kế hoạch sáp nhập các phần của Bờ Tây đã bị Israel gác lại, nhưng hoàn toàn có thể được hồi sinh nếu Trump tái đắc cử.
Thành quả thực sự quan trọng đến vào tháng 9, khi Trump làm trung gian cho những thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel với Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain. Tuy nhiên, cái giá đi kèm với đó là việc sự ủng hộ lưỡng đảng đối với Israel trong quốc hội Mỹ đang xói mòn.
Nhiều quan chức Israel lo ngại đất nước họ sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn dưới chính quyền Biden cũng như khả năng Mỹ quay lại thỏa thuận hạt nhân Iran.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)