Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dành nhiều thời gian trong tuần qua để liên tục công kích đối thủ Joe Biden về những cáo buộc liên quan đến con trai Hunter của ông và một công ty dầu khí Ukraine, khi New York Post ngày 14/10 công bố email thu từ chiếc laptop được cho là của Hunter.
Truyền thông Mỹ cũng quan tâm đến những cáo buộc đó, nhưng Biden chỉ phải đối mặt với một câu hỏi về vấn đề này hai ngày sau khi bão tin tức nổi lên và ông nhanh chóng gạt nó đi. Ngày hôm sau, Biden không nói chuyện với các phóng viên. Cuối cùng, vào ngày 18/10, ông chỉ trả lời một câu hỏi về hương vị món sữa lắc ông đã gọi khi đi vận động ở Bắc Carolina
"Câu hỏi quan trọng nhất trong ngày dành cho Joe Biden: có phải ông đi trốn gần hết tuần vì ông chỉ sẵn sàng trả lời các câu hỏi về sữa lắc không?", phóng viên Jonathan Martin của New York Times viết trên Twitter.
Ngày 20/10, Biden dừng tham gia các hoạt động vận động, hai ngày trước cuộc tranh luận cuối cùng với Trump.
Các chuyên gia cho rằng Biden chỉ phải đối mặt với những câu hỏi lịch sự và hiếm khi bị chỉ trích từ truyền thông, trong khi Trump thường xuyên bị các phóng viên chất vấn bằng những vấn đề gai góc. Tuy nhiên, một số người nói rằng sự khác biệt này là hợp lý, do phong cách hùng hổ của ông Trump trong giao tiếp với giới truyền thông Mỹ.
Trump thường cáo buộc truyền thông "nhẹ tay" với đối thủ của mình. Trong nhiều tháng, truyền thông khó tiếp cận cựu phó tổng thống 77 tuổi này hơn nhiều bất kỳ chiến dịch nào trước đây. Chỉ khoảng 20 tổ chức truyền thông quốc gia và quốc tế được theo chân ông trong chiến dịch tranh cử.
Về mặt lý thuyết, nguyên nhân của sự hạn chế này là Covid-19, nhưng không phải ai cũng nghĩ như vậy.
"Lẽ ra các phóng viên đưa tin về chiến dịch phải thất vọng vì họ không nhận được nhiều thông tin và không thực sự được tiếp cận ứng viên hàng ngày", Richard Benedetto, cựu phóng viên chuyên trách Nhà Trắng của USA Today, nói.
Tuy nhiên, ít hãng truyền thông phàn nàn về điều này. "Nếu mọi phóng viên đưa tin về Biden đều nói ứng viên đảng Dân chủ đang cố tình lảng tránh họ, việc này sẽ trở thành vấn đề nổi cộm và mọi người sẽ chú ý đến nó. Nhưng nếu không phóng viên nào phàn nàn như vậy thì sẽ chẳng ai biết", Benedetto nói. "Giả sử tôi là một ứng viên, tôi nhận ra mình có thể thường xuyên lảng tránh câu hỏi của phóng viên mà chẳng bị làm sao thì tại sao tôi không tiếp tục làm điều đó?".
Ngày 15/10, khi Trump và Biden tham gia các cuộc hỏi đáp riêng biệt với cử tri, sự khác biệt khá rõ ràng: Tổng thống bị người dẫn chương trình Savannah Guthrie của đài NBC đặt nhiều câu hỏi hóc búa, trong khi các nhà quan sát cảm thấy Biden được "dễ thở" hơn nhiều khi đối mặt phóng viên George Stephanopoulos từ ABC, cựu phụ tá hàng đầu của tổng thống Bill Clinton.
"Cuộc hỏi đáp với Biden nhẹ nhàng hơn nhiều so với Trump. Rõ ràng là vậy", Benedetto nói.
Tương tự, vào giữa tháng 9, Trump bị Stephanopoulos chất vấn trong một sự kiện của ABC mà Politico mô tả là "màn tra hỏi gay gắt". Trong khi đó, Politico mô tả cuộc hỏi đáp của Biden trên CNN như "một cuộc hội ngộ thân tình của những người bạn cũ".
Grant Reeher, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Syracuse, nói rằng vấn đề không phải là "truyền thông đối xử nhẹ tay với Biden như thế nào mà là truyền thông đối xử gay gắt với Tổng thống Trump thế nào".
Cách báo chí đưa tin về Biden "thường gây cảm giác rằng truyền thông đang 'chống lưng' cho ông ấy", Reeher nói.
Thực tế, ban biên tập hầu hết các tờ báo hàng đầu của Mỹ bao gồm New York Times và Washington Post đã công khai ủng hộ Biden. USA Today cũng làm điều tương tự và đây là lần đầu tiên họ công khai ủng hộ một ứng viên tổng thống.
Dean Baquet, tổng biên tập New York Times, thừa nhận rằng báo của ông "rất tích cực lọc thông tin để lấy sự thật" khi đưa tin về Trump, trong khi vẫn giữ "đạo đức báo chí."
Một số chuyên gia cho rằng việc báo chí có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trump là điều hợp lý. "So sánh cách đưa tin về Trump với Biden là quá khập khiễng", Gabriel Kahn, giáo sư tại Trường Báo chí và Truyền thông Annenberg thuộc Đại học Nam California, nói.
"Khi bạn có một ứng viên coi báo chí tự do là kẻ thù và kích động bạo lực chống lại các phóng viên, từ chối trả lời bất kỳ câu hỏi thẳng thắn nào và liên tục nói dối về hồ sơ của mình, thì việc cố gắng so sánh cách đưa tin về một ứng viên này với ứng viên kia trong tình huống này là không hợp lý".
Dan Froomkin, biên tập viên của trang web độc lập Press Watch, đồng ý với ý kiến này. Ông viết hồi tháng 5 rằng sẽ là "sai lầm báo chí" khi đưa tin về những vấn đề của Biden "theo cách khiến chúng hiện lên 'nặng đô' như các vấn đề của Trump".
Tuy nhiên, Froomkin thừa nhận: "Trong một mùa bầu cử bình thường, những vấn đề mà Biden đang đối mặt lẽ ra phải được truyền thông đưa tin nhiều hơn tình hình hiện giờ".
Ông viết rằng Biden cần phải tránh cảm giác an toàn sai lầm rằng ông "miễn nhiễm với sự soi xét của báo chí". "Các tổng thống cần phải chịu trách nhiệm về những việc làm của mình và khi Trump rời Nhà Trắng, tổng thống kế nhiệm cần khôi phục trách nhiệm giải trình và tính minh bạch của chính phủ Mỹ. Điều đó sẽ không xảy ra nếu báo chí nhẹ tay với người đứng đầu Nhà Trắng", Froomkin nói.
Phương Vũ (Theo AFP)