Lượng hồ sơ khổng lồ với khoảng 11,9 triệu tài liệu dưới nhiều hình thức, từ văn bản giấy trắng mực đen đến dữ liệu số, được Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) thu thập từ 14 hãng dịch vụ tài chính offshore (mô hình công ty ngoại biên, đăng ký và hoạt động ở nước ngoài) trên thế giới.
Với 2,94 terabyte dữ liệu, Hồ sơ Pandora được xem là đợt rò rỉ dữ liệu về công ty offshore có quy mô lớn nhất lịch sử, tạo ra "cơn sóng thần" chấn động phơi bày tài sản bí mật ở nước ngoài của giới siêu giàu tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hồ sơ điểm mặt hơn 330 chính trị gia và 130 tỷ phú có tên trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes, cùng nhiều người nổi tiếng, thành viên hoàng tộc và lãnh đạo tôn giáo. Hồ sơ cũng vạch mặt nhiều tội phạm lừa đảo, trùm ma túy tìm cách tẩu tán tài sản đến những thiên đường thuế ở nước ngoài.
Tài liệu từ 14 hãng dịch vụ offshore cho thấy họ đã hỗ trợ các cá nhân và tập đoàn giàu có mở công ty ma, quỹ tín thác và thực thể tài chính khác ở những vùng lãnh thổ đánh thuế thấp hoặc miễn thuế, hay còn gọi là "thiên đường thuế". Các công ty offshore này cho phép chủ tài sản giấu danh tính thực và né tránh sự giám sát của cơ quan chức năng.
Phần lớn dữ liệu trong hồ sơ của ICIJ được tạo ra trong giai đoạn 1996-2020, bao gồm nhiều vấn đề: thành lập công ty ma và quỹ tài chính, dùng các công cụ tài chính này để mua bất động sản, du thuyền, chuyên cơ và bảo hiểm nhân thọ, đầu tư và giao dịch giữa các tài khoản ngân hàng ẩn danh, quản lý tài sản và thừa kế, trốn thuế thông qua những cấu trúc tài chính phức tạp. Một số tài liệu còn liên quan hoạt động tội phạm tài chính như rửa tiền.
Những tài liệu rò rỉ này được gửi đến trụ sở ICIJ tại Washington, Mỹ. Từ đó, ICIJ đã liên hệ và chia sẻ với 150 hãng truyền thông và tờ báo họ tin tưởng ở 117 nước, trong đó có Guardian, Washington Post, Le Monde và BBC.
Các hãng truyền thông đã huy động hơn 600 nhà báo nghiên cứu, phân tích kho tài liệu khổng lồ này suốt 18 tháng và quyết định đồng loạt công bố thông tin cho độc giả khắp thế giới vào ngày 3/10.
Thông qua Hồ sơ Pandora, liên minh báo chí quốc tế tìm cách phơi bày mặt tối của thế giới tài chính thế giới, hé mở cánh cửa về guồng quay bí mật trong ngành dịch vụ tài chính offshore đang cho phép giới siêu giàu các nước giấu tài sản và trốn tránh trách nhiệm đóng góp cho xã hội.
"Hệ thống tài chính offshore là vấn đề mọi cá nhân tuân thủ pháp luật trên thế giới cần quan tâm", Sherine Ebadi, cựu quan chức Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và từng lãnh đạo điều tra nhiều vụ án tài chính, nhận định.
Bản thân công ty offshore và việc hưởng lợi từ chúng không trái pháp luật. Một số người có lý do chính đáng khi sử dụng hình thức tài chính này, như lo ngại cho an ninh bản thân.
Tuy nhiên, tính bảo mật ở những "thiên đường thuế" như Panama, Dubai, Monaco, Thụy Sĩ và quần đảo Cayman tạo điều kiện cho những cá nhân giàu có hoặc thu lời bất chính muốn cất giấu tài sản ngoài vòng pháp luật. Giới siêu giàu và các tập đoàn cũng tận dụng công ty offshore để trốn thuế, khiến chính phủ các nước thất thu hàng tỷ USD.
Theo Ebadi, những tài khoản, công ty và quỹ offshore đang trở thành công cụ đắc lực cho tội phạm ma túy, tấn công mạng, mua bán vũ khí và những hoạt động trái pháp luật khác.
"Những hệ thống này không chỉ dung dưỡng hành vi gian lận thuế để người giàu trốn tránh đóng góp bình đẳng cho xã hội. Chúng còn làm suy yếu nền tảng xã hội", cựu quan chức FBI nhận định.
Hồ sơ Pandora nêu tên nhiều chính trị gia quyền lực và có sức ảnh hưởng lớn tại các nước trong danh sách khách hàng quốc tế của 14 hãng dịch vụ tài chính offshore. Nổi bật trong số đó là Quốc vương Jordan Abdullah II, người được cho là đang bí mật sở hữu nhiều bất động sản trị giá khoảng 100 triệu USD ở Malibu, Washington và London.
Hồ sơ Pandora còn có khả năng khiến chính trường châu Âu rung chuyển, khi liên quan đến một loạt quan chức cấp cao.
Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis rơi vào tình thế bất lợi trước thềm tổng tuyển cử toàn quốc, khi Hồ sơ Pandora cho thấy ông dùng công ty offshore để mua bất động sản trị giá 22 triệu USD ở Pháp. Trong khi đó, hãng luật có liên hệ với Tổng thống Cộng hòa Cyprus Nicos Anastasiades cũng bị cáo buộc hỗ trợ một tỷ phú Nga giấu tài sản.
Hồ sơ Pandora đồng thời cho thấy Mỹ là một trong những thiên đường trốn thuế "hút khách" hàng đầu thế giới, bất chấp cam kết từ Tổng thống Joe Biden về tăng cường minh bạch tài chính quốc tế. Bang Nam Dakota của Mỹ là nơi ẩn náu cho hàng tỷ USD có liên hệ với nhiều cá nhân từng bị cáo buộc phạm tội tài chính.
"Cơn sóng thần" không dừng ở phương Tây. Dữ liệu về các dịch vụ tài chính offshore còn hé lộ sự tham gia của các chính khách và giới giàu có châu Á, châu Phi, Mỹ Latin trong thế giới ngầm tài chính.
Moonis Elahi, một bộ trưởng quan trọng trong chính phủ Pakistan, được phát hiện từng liên hệ dịch vụ offshore để hỗ trợ đầu tư khoảng 33,7 triệu USD vào Singapore. Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, người tự nhận là "kẻ thù của nạn tham nhũng", đang đối mặt câu hỏi vì sao ông và gia đình giấu hơn 30 triệu USD trong các tài sản ngoại biên, gồm bất động sản tại London.
Theo Gerald Ryle, giám đốc ICIJ, thông tin về sự liên quan của loạt chính trị gia các nước trong hệ thống tài chính offshore cho thấy thách thức lớn trong kiểm soát nền kinh tế ngầm này. Những cá nhân nhiều quyền lực sẽ trở thành lực cản cải cách minh bạch tài chính toàn cầu.
Ryle lưu ý Hồ sơ Pandora có khả năng tạo tác động lớn hơn những cuộc rò rỉ dữ liệu trong thập kỷ qua, vì được công bố giữa đại dịch Covid-19, khi bất bình đẳng xã hội được phơi bày rõ hơn bao giờ hết và nhiều chính phủ phải vay mượn để giải cứu nền kinh tế đất nước.
Nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào năm 2020 ước tính khoảng 11.300 tỷ USD trên toàn thế giới đang được cất giữ bằng công cụ tài chính offshore. "Đây là số tiền thất thu khỏi ngân khố khắp thế giới và đáng ra có thể được dùng để hồi phục hậu Covid-19. Chúng ta chịu thiệt vì một số người muốn hưởng lợi thêm", Ryle nhận định.
Trung Nhân (Theo Guardian/Washington Post)