"Tất cả thành viên đối lập đã đồng ý nộp bản cáo trạng theo hiến pháp chống lại Tổng thống Sebastian Pinera", nghị sĩ đảng Xã hội đối lập Chile Jaime Naranjo phát biểu tại quốc hội hôm 5/9.
Theo hiến pháp Chile, các nghị sĩ có quyền đệ cáo trạng nhằm xác định trách nhiệm của một quan chức cấp cao với hành vi nào đó. Nếu thành công, bản cáo trạng này có thể khiến Tổng thống Pinera bị cách chức, chỉ 6 tuần trước khi diễn ra vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Chile.
Bản cáo trạng được nộp lên Hạ viện Chile, nơi phe đối lập cần hơn một nửa trong tổng số 155 phiếu để được thông qua. Sau đó, nó sẽ được chuyển tới Thượng viện, nơi cán cân quyền lực giữa hai đảng đồng đều hơn, và cần nhận được sự nhất trí của 2/3 trong số 43 thượng nghị sĩ để thông qua.
Hồ sơ Pandora công bố tài liệu cáo buộc Tổng thống Pinera thông qua công ty của các con có liên quan tới thương vụ bán công ty khai thác mỏ Dominga cho doanh nhân và cũng là bạn thân Carlos Delano với giá 152 triệu USD năm 2010.
Pinera phủ nhận các cáo buộc và mọi xung đột lợi ích có thể xảy ra liên quan tới thương vụ, lưu ý rằng toàn bộ tài sản của ông đều được trao cho một bên ủy thác ẩn danh từ nhiệm kỳ đầu vào năm 2010-2014 và tòa án đã tuyên bố ông không có bất cứ hành vi sai trái nào sau cuộc điều tra năm 2017.
Phe đối lập sẽ trình bày cáo buộc chống lại Tổng thống Chile vào tuần tới và hy vọng nó sẽ được bỏ phiếu tại Hạ viện trước ngày 21/11.
Với 2,94 terabyte dữ liệu, Hồ sơ Pandora được xem là đợt rò rỉ dữ liệu về công ty offshore (mô hình công ty ngoại biên, đăng ký và hoạt động ở nước ngoài) có quy mô lớn nhất lịch sử, tạo ra "cơn sóng thần" phơi bày nhiều tài sản bí mật ở nước ngoài của các nguyên thủ cùng giới siêu giàu tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngọc Ánh (Theo AFP)