Những lá đơn của đoàn y bác sĩ đang chi viện TP HCM, vài ngày sau được gửi đến Sở Y tế Quảng Ninh và ban Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.
"Mọi quyết định đều mang tính thời điểm. Và trong thời điểm này, tôi nghĩ là đúng đắn. Tôi không hối hận, dù rất nhớ con và thương chồng", bác sĩ Hạnh chia sẻ.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Huyền cũng đắn đo trước khi đặt bút viết đơn xin ở lại chi viện TP HCM. Lần đầu đi chống dịch lại là chuyến công tác dài nhất kể từ khi theo nghề, Huyền lo lắng. Rồi, nữ điều dưỡng nhớ những người bệnh cô độc, nằm thở trong khu cấp cứu. Cô hoàn thành lá đơn của mình trong 5 phút, mà chưa kịp thông báo cho gia đình về quyết định này.
Bác sĩ Hạnh và điều dưỡng Huyền thuộc đoàn 23 nhân viên y tế Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh, chi viện TP HCM từ hôm 13/7. Họ có nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 12. Ngày 13/9, bác sĩ Hạnh nhận được thông báo từ Quảng Ninh về việc thay đổi nhân lực tham gia chống dịch. Cụ thể, đoàn được chia làm hai đợt thay quân, đợt một là 11 người, đợt hai 12 người, sẽ rút cách nhau một tuần để đảm bảo sự liên tục và không gián đoạn điều trị.
Nhận được tin rút quân, 15 người quyết định ở lại để tiếp tục hỗ trợ TP HCM đến ngày sạch Covid-19 mới trở về.
Bệnh viện dã chiến số 12, điều trị khoảng 1.300 bệnh nhân Covid-19. Hơn 70 nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại đây, trong đó Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí có số thành viên chi viện đông nhất. Những ngày cao điểm, bệnh viện tiếp nhận hơn 300 bệnh nhân và cấp cứu cho hơn 20 ca nặng.
Nhiều năm trong nghề, song bác sĩ Hạnh cho biết chưa bao giờ trải qua những ngày căng thẳng, bệnh nhân nối theo nhau thành đoàn dài chờ nhập viện, như thời gian qua. Để chăm sóc người bệnh, đội ngũ y tế chia thành từng kíp, làm việc 8 tiếng mỗi ngày, không lúc nào ngơi việc. Hàng ngày, bác sĩ đi buồng thăm bệnh nhân, còn điều dưỡng đo mạch, nhiệt độ, SpO2, phát thuốc... Trong giờ trực, nhân viên y tế liên tục theo dõi sát diễn tiến người bệnh, trực điện thoại 24/24 để có mặt ngay khi cần.
"Mỗi lần về phòng nghỉ, ai cũng toàn thân ướt đẫm, chân phồng rộp, mặt hằn vết khẩu trang, thèm được ngủ", bác sĩ nói.
Song, khi có lịch rút quân, bác sĩ Hạnh lại suy nghĩ. Cuối cùng, nữ trưởng đoàn quyết định xin ở lại tiền tuyến để tiếp tục chống dịch. Cô bất ngờ khi 14 đồng nghiệp tán thành, đồng lòng viết đơn. 8 người còn lại trở về Quảng Ninh do có lý do gia đình.
"Công việc vất vả nhưng chúng tôi đã có hai tháng thành thạo, giờ kíp khác đến và làm quen lại từ đầu thì rất mất thời gian. Chưa kể, tôi cũng là F0 và hậu phương của tôi cũng rất vững vàng", bác sĩ nói.
Lý do khác là vì bệnh nhân. Thời gian đầu, người bệnh đông, triệu chứng nặng, nhiều ca không có bệnh nền, diễn tiến nhanh. Chưa kể, điều kiện vật chất tại bệnh viện dã chiến khi đó còn nhiều khó khăn, kíp điều trị không có gì ngoài thuốc hạ sốt, vitamin, oxy không đủ đáp ứng.
Điều dưỡng Huyền nhớ lại một ca cấp cứu, bệnh nhân ngoài 50 tuổi, bất chợt khó thở, SpO2 còn 75% và không có bệnh nền kèm theo, tiên lượng xấu. Đêm đó, kíp trực như thức trắng để canh hơi thở cho người bệnh, vừa liên hệ tuyến trên chuyển viện.
"Khi đó, bệnh nhân có nhờ điện thoại nhắn tin người nhà, ghi 'chắc em không qua được' rồi cầm chặt tay tôi. Khoảnh khắc đó, tôi hiểu bệnh nhân cô đơn và cần mình nhiều thế nào", Huyền kể.
Một bệnh nhân khác, ngoài 50 tuổi đi cách ly được ba ngày thì nhận tin bố mẹ tử vong vì Covid-19. Người bệnh bị sốc, hoảng loạn, cần điều trị tâm lý. Nhiều bệnh nhân đi cách ly cả gia đình nhưng khi về chỉ còn một đến hai người, nhiều em bé mồ côi, nhiều gia đình phải ly tán trong đại dịch.
"Hầu hết bác sĩ đều muốn nhìn người bệnh khỏi bệnh, xuất viện. Chưa kể, khi đã thân quen, mọi người đều xem nhau là gia đình nên càng có động lực cho chúng tôi ở lại để chứng kiến cảnh họ về nhà", điều dưỡng Huyền tâm sự.
Hiện tình hình dịch ở TP HCM bắt đầu lắng xuống. Theo thống kê của Sở Y tế ngày 28/9, số bệnh nhân nặng phải thở máy tiếp tục giảm, số F0 nhập viện là 2.674 ca, thấp hơn số xuất viện là 3.134. Ngoài ra, 100% người trên 50 tuổi tại thành phố đã tiêm xong mũi một, và 48,5% đã tiêm đủ hai mũi. Thành phố đã thu hẹp nhiều cơ sở điều trị, thu dung người bệnh.
Công việc của bác sĩ Hạnh, điều dưỡng Huyền cũng bớt khó khăn. Cởi bộ đồ bảo hộ kín mít, mọi người tận dụng bình nước, bãi đất trống để trồng rau, trồng hành, trồng hoa. Một số khác tự chế biến các món ăn khác nhau để bữa ăn thêm ngon miệng hay thái rau củ ra phơi, muối dưa...
"Vất vả nhưng cũng là vinh dự. Hy vọng nơi đây sớm sạch Covid-19 và tôi được trở lại đi du lịch khắp thành phố, chứ không trùm kín bảo hộ đi điều trị bệnh nhân nữa", điều dưỡng Huyền nói.
Theo bác sĩ Hạnh, lá đơn xin ở lại tuyến đầu của họ đã được Sở Y tế Quảng Ninh chấp thuận. Đoàn sẽ tiếp tục ở lại làm nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại khu A, B, C thuộc Bệnh viện dã chiến số 12 cho đến khi có thông báo mới. Chuyến đi công tác của họ hiện "chưa định ngày về". Tất cả hẹn nhau "hết dịch mới hồi hương".
Thùy An