Nguyễn Khắc Bình, sinh năm 1985, được đưa vào Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 do các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai điều trị, ngày 12/8. Bình suy hô hấp, phải thở máy hỗ trợ HFNC, tình trạng suy hô hấp tiến triển nặng nhanh chóng.
Buổi tối, khi các bác sĩ trực đang đi kiểm tra buồng bệnh nhân, phát hiện Bình bị mất ý thức, dần hôn mê. Các bác sĩ lập tức bóp bóng hỗ trợ, song lượng oxy chỉ cải thiện hơn một chút. Trước diễn biến nặng lên và bệnh nhân còn quá trẻ, các bác sĩ quyết định bằng mọi cách cứu sống bệnh nhân, đặt ống nội khí quản, cho thở máy.
Bệnh nhân diễn biến qua rất nhiều giai đoạn thăng trầm, có những lúc lượng oxy trong máu tụt rất sâu, toan hô hấp nặng, có lúc bị sốc nhiễm khuẩn... Sau gần một tháng chống chọi, tình trạng tổn thương phổi của Bình giảm dần, cắt được vận mạch, kháng sinh.
Khi giảm dùng các thuốc an thần, tỉnh lại, Bình viết những mảnh giấy nhỏ gửi bác sĩ xin "không điều trị nữa" do quá nghèo. Các bác sĩ giải thích, với chính sách hiện tại thì bệnh nhân Covid-19 không phải đóng bất kỳ chi phí nào, lúc đó Bình mới an tâm điều trị.
Ngày 4/9, Bình được rút ống nội khí quản, chỉ cần hỗ trợ thở bằng oxy kính. Ngày 18/9, các bác sĩ hội chẩn và đánh giá còn tình trạng xơ phổi, cần thời gian để phục hồi chức năng hô hấp. Ngày 22/9, sức khỏe đã ổn định, cơ lực đang phục hồi dần, Bình được chuyển về bệnh viện tuyến dưới để tiếp tục tập phục hồi chức năng.
Chứng kiến quá trình điều trị Bình từ lúc phải đặt ống nội khí quản, thạc sĩ Hoàng Minh Hoàn, Điều dưỡng trưởng Trung tâm Hồi sức tích cực, chia sẻ: "Có những lúc bệnh nhân nản chí, các anh chị em điều dưỡng, y bác sĩ đã cố gắng động viên để Bình ngồi lên, tập phục hồi chức năng. Bình mới cưới vợ, chưa có con, phải cố gắng để cho Bình được trở về với gia đình".
Anh Bình là một trong nhiều bệnh nhân Covid-19 bị ảnh hưởng tâm thần trong quá trình điều trị. Theo khảo sát của Bệnh viện Hồi sức Covid-19, khoảng 53% bệnh nhân tại đây bị rối loạn lo âu, gần 17% stress và 20% trầm cảm. Những bệnh nhân từng thở HFNC, thở oxy qua mặt nạ, thở máy, tỷ lệ trầm cảm và rối loạn lo âu lên tới gần 67%.
Các chuyên gia nhận thấy F0 thường bị rối loạn lo âu, hoảng loạn, trầm cảm, sợ tử vong, căng thẳng, mất ngủ trầm trọng, đau đầu kéo dài... Nhiều bệnh nhân muốn từ bỏ điều trị, tự tháo oxy trợ thở, không thiết ăn uống, chỉ yêu cầu được trở về nhà.
Những trường hợp này cần được chăm sóc tâm lý, có người kế bên, đồng hành, lắng nghe, trò chuyện, hoặc dùng một số kỹ thuật tâm lý để giúp họ nối kết, chấp nhận được thực tế từ đó vượt qua trở ngại.
Tại ICU Bạch Mai, có rất nhiều bệnh nhân với thể trạng nặng như Bình được hồi phục và cứu chữa kịp thời. Ngoài điều trị, các y bác sĩ còn có nhiệm vụ như "nhà tâm lý" hỗ trợ vực dậy tinh thần cho bệnh nhân. Các bệnh nhân tại đây được các bác sĩ giúp tập thể dục, tập thở cùng, xoa bóp vai gáy, có người được tổ chức sinh nhật bất ngờ ngay tại giường bệnh...
Điều dưỡng Hoàn chia sẻ "vui mừng khi bệnh nhân mình chăm sóc, điều trị đã hồi phục một cách ngoạn mục". Mấy ngày trước khi chuyển viện xuống tuyến dưới, Bình lại viết thư gửi bác sĩ "khi nào em xuất viện sẽ mời bác sĩ đi nhậu nhé!".
Trung tâm đang điều trị cho hơn 300 bệnh nhân Covid-19 nặng. Bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm đánh giá công tác điều trị bệnh nhân có những tiến triển tốt, số ca tử vong giảm rõ rệt.