Cảm giác lo lắng khi không may trở thành F0 nhanh chóng xua tan, bởi xung quanh anh có nhiều bệnh nhân đang rất nặng, nhu cầu cần tập vật lý trị liệu rất lớn và đang cần hỗ trợ.
"Mình nhiễm virus nhưng không có triệu chứng, lại ham việc, ham vận động, nếu chỉ nằm cách ly thì phí quá", anh Hiền nghĩ, khi ấy là đầu tháng 9, sau khoảng hai tuần anh từ Bệnh viện Chợ Rẫy đến chi viện Bệnh viện hồi sức Covid-19.
Anh Hiền bày tỏ mong muốn tiếp tục làm việc, hướng dẫn các bệnh nhân tập thở, tập vận động và được cấp trên chấp thuận. Lực lượng vật lý trị liệu từ Chợ Rẫy cử sang chi viện chỉ có ba người, cùng một số sinh viên tình nguyện, anh lại là trưởng nhóm nên quyết định duy trì công việc để "bớt vất vả cho đồng nghiệp".
Không cho phép bản thân nghỉ ngơi, anh đến các giường bệnh dìu đỡ bệnh nhân, vỗ lưng, xoa bóp bên ngoài phổi, nhẹ nhàng giúp F0 tập cử động các khớp tay chân. Khi chưa nhiễm Covid-19, anh cận kề hỗ trợ hô hấp cho F0 thở máy, tập thở cho bệnh nhân phải thở oxy dòng cao, thở oxy bình thường... Khi là F0, công việc của anh vẫn vậy, thậm chí anh còn tự tin hơn, bám sát từng người, vừa lo tập thở vừa an ủi, vỗ về.
"Lúc này động viên bệnh nhân dễ dàng hơn, người bệnh tin tưởng hơn vì đang cùng cảnh ngộ với nhau", anh Hiền nói.
Anh Hiền và các đồng nghiệp Khoa Phục hồi chức năng tham gia hỗ trợ các bác sĩ điều trị bệnh nhân bằng vật lý trị liệu, ngăn ngừa tình trạng chuyển nặng, phải thở máy. Việc tập thở, giúp F0 đi qua thời khắc nặng nhọc được ví như "chắp cánh cho sự hồi sinh nhịp thở".
"Nếu bệnh nhân không phải thở máy, khả năng hồi phục và quay trở lại cuộc sống bình thường cũng sẽ cao hơn", anh Hiền cho hay.
Theo chuyên gia, bệnh Covid-19 tác động trực tiếp đến lá phổi. Khi người bệnh than khó thở, nhân viên y tế phải cảm nhận được ngay đang ở mức độ nào để có phương pháp tập ngồi lên, nằm xuống hoặc hít mạnh, thở sâu..., giúp ngăn chặn tình trạng chuyển xấu. Tập vật lý trị liệu ngăn chặn hiệu quả phổi biến chứng, tránh lá phổi đông cứng, mục đích cao nhất là giúp bệnh nhân tự thở được, đưa họ từ nằm im đến tự vận động.
Có những trường hợp sau tập vật lý trị liệu đã ngăn được thở máy, đưa ra thở oxy ít ngày thì có thể xuất viện. "Công việc này còn giúp ích cho tinh thần bệnh nhân, tiếp thêm cho họ sự lạc quan khi thấy bản thân có thể tự vận động được", anh Hiền chia sẻ.
Anh Hiền cũng là người đã hỗ trợ tập thở cho "bệnh nhân 91" (phi công người Anh từng mắc Covid-19 nặng tại Việt Nam năm ngoái) ngay từ những ngày đầu ông này được chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM về Bệnh viện Chợ Rẫy.
Kinh nghiệm làm vật lý trị liệu giúp anh nhận thấy khi bệnh nhân đã phải thở máy, phổi đông đặc thì rất xơ cứng, cơ liên sườn cũng cứng theo. "Nhiệm vụ của người tập vật lý trị liệu là làm mềm phổi, xoa bóp bên ngoài làm cho các cơ quanh phổi, vai mềm ra. Sau đó dùng kỹ thuật nén ép để gia tăng nhanh sự lưu thông của phổi, giúp ngăn ngừa phải thở máy, cứu lại những lá phổi", anh Hiền nói.
Hiện, anh Hiền đã có kết quả âm tính trở lại sau khoảng 10 ngày dương tính. Nhiều bệnh nhân chuyển nhẹ, xuất viện, có thể đi đứng, tự thở khí trời, gửi lại những lời chào ấm áp là món quà tinh thần cổ vũ anh Hiền cùng các đồng nghiệp khác.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, cho biết đến nay cả hai bệnh viện ghi nhận hàng chục nhân viên mắc Covid-19 khi đang làm việc, trong đó có cử nhân Trương Văn Hiền. Hầu hết mọi người đều tiêm đủ hai mũi vaccine, không triệu chứng hoặc nhẹ nên đều đề xuất tiếp tục công việc, không muốn nghỉ ngơi.
Khối lượng công việc quá lớn, bình thường mọi người đều phải làm gấp 2-3 lần công suất nên khi có một người nhiễm bệnh, những người còn lại sẽ phải gánh vác nhiều hơn. "Do đó, việc mọi người tình nguyện tiếp tục công việc khi trở thành F0 là vô cùng đáng quý", bác sĩ Thức chia sẻ.