"Ca nặng, lấy gấp băng ca", tiếng bác sĩ trực cất lên. Bệnh nhân ngoài 60 tuổi, nặng khoảng 80 kg, thiếu oxy, cần xử trí ngay tại chỗ. Một điều dưỡng chạy đi lấy bình oxy, người khác gấp gáp tìm mặt nạ thở. Song song, bác sĩ đo SpO2, nhịp thở, kiểm tra sinh hiệu rồi khẩn cấp lấy đường truyền tĩnh mạch, xét nghiệm máu, truyền thuốc. Kế bên, một điều dưỡng khác lấy mẫu làm test nhanh và RT - PCR để xét nghiệm Covid-19 cho người bệnh.
Kíp 4 người tập trung cấp cứu, mục tiêu duy trì sự sống cho bệnh nhân trong thời gian tối đa 10 phút, "một giây khi đó còn quý hơn vàng", bác sĩ Lê Nguyễn Hoàng, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Quận 11, nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 tầng 2, kể lại ca cấp cứu này diễn ra cuối tuần qua.
Sau đó, người bệnh này được chuyển vào vùng trắng - vùng dành cho bệnh nhân mới để theo dõi tích cực. Ông trở thành một trong khoảng 70 bệnh nhân nặng đang điều trị tại Khoa cấp cứu bệnh viện. Băng ca vừa đẩy đi, tiếng còi xe cứu thương lại vang lên trước sảnh. Thêm một sinh mệnh khác cần chạy đua trước ranh giới sinh tử.
Từ đợt dịch thứ 4, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận 11, TP HCM điều trị khoảng 800 bệnh nhân Covid-19. Tất cả đều là trường hợp nặng, suy hô hấp, phải dùng oxy liều cao, sử dụng thuốc điều trị không đặc hiệu, thuốc kháng viêm, kháng đông, thuốc kháng virus remdesivir... Hàng ngày, đội ngũ y tế chia thành kíp, mỗi kíp gồm 6 bác sĩ và 8 điều dưỡng, làm việc trong 8 tiếng. Tổng nhân lực cho khoa là 25 bác sĩ và 34 điều dưỡng. Trong đó, có khoảng 12 người không may mắc Covid-19 khi làm việc.
Ngoài khoa Cấp cứu, bệnh viện có hai khoa Hồi sức, hai khoa Nội, một khoa nội sau Covid (bệnh nhân xét nghiệm RT - PCR âm hoặc CT >30 nhưng vẫn còn triệu chứng hô hấp). Bệnh viện còn chịu trách nhiệm chuyên môn cho bệnh viện dã chiến Covid số 9 và hai khu cách ly Covid ngay trong quận.
Theo quy trình, khi nhập viện, bệnh nhân được phân vào 4 khu: khu trắng là F0 mới; khu xanh - tương đối ổn; khu vàng - nặng; và khu đỏ là nguy kịch. Trong đó, những người bệnh nặng đòi hỏi phải thở máy xâm lấn, lọc máu... và nguy cơ tử vong cao.
Trong buồng bệnh nặng, F0 nằm mê man, có người rung cả thân mình để thở, những tràng ho vang lên liên tục xen lẫn tiếng máy móc. Bác sĩ Hoàng, mặc đồ bảo hộ cấp 4, đến từng giường để kiểm tra sinh hiệu mỗi người. Với anh, đây là những ngày "ghế bố quý như một chiếc giường bệnh", khi hết giường, hết băng ca, bệnh viện phải tận dụng cả ghế bố nằm, ghế bố ngồi, xe lăn, ghế tựa... "miễn là có chỗ cho bệnh nhân ngồi xuống rồi lấy oxy để họ được thở".
Khó khăn lớn nhất là thiếu oxy. Ngày cao điểm, bệnh viện quận 11 sử dụng trên 300 bình oxy cỡ lớn. Có lúc, bác sĩ chấp nhận "san" cho mỗi người một chút để thở do quá tải. Lúc này, việc điều phối bệnh nhân thêm phần khó.
Ngoài ra, thiếu thốn trang thiết bị và nhân lực khiến nhiều bệnh nhân có chỉ định thở máy, điều trị chuyên sâu nhưng không thể chuyển tầng ba, "phải neo lại điều trị". Nhiều trường hợp nguy cơ tử vong, bác sĩ phải giải thích trước với người nhà, kể cả khi bệnh nhân vẫn còn tỉnh.
"Covid-19 diễn biến rất nhanh, vài tiếng có thể chuyển nặng, bệnh nhân có thể hôn mê, ngưng tim ngưng thở rồi tử vong, rất đau lòng", bác sĩ nói. Như người đàn ông ngoài 65 tuổi, mắc bệnh tim mạch, khi ấy bệnh viện thiếu trang thiết bị, một tuần sau ông mới được thở HFNC do có một bệnh nhân khác chuyển khoa. Nhờ đó, tình trạng ông tiến triển, thở tốt hơn. Tuy nhiên, hai ngày sau, bệnh nhân đột ngột ngưng tim ngưng thở và tử vong sau bữa ăn trưa, "có thể do một biến cố tim mạch, không kịp cấp cứu".
Thậm chí, "trong một ca trực có hai đến ba người tử vong, có người đang bình thường vài tiếng sau trở nặng và mất", điều dưỡng Trần Quốc Khanh (Trưởng kíp điều dưỡng, Bệnh viện Quận 11) cho biết thêm.
Trước Covid-19, Bệnh viện Quận 11 chỉ ghi nhận khoảng ba trường hợp tử vong mỗi tháng, có khi cả quý chỉ có 5-6 người. Khi dịch bùng phát, có khi 8-9 người không qua khỏi trong một ngày, đến nay đã hơn 200 trường hợp.
Chưa kể, mỗi ca chỉ có 6 bác sĩ, 8 điều dưỡng xoay quần với 70 người bệnh, vừa tiếp nhận đồng thời điều trị bệnh nhân mới và theo dõi bệnh nhân đang lưu tại khoa. "Chỉ chừng ấy bác sĩ liên tục căng não điều trị nên tâm lý mệt mỏi, ám ảnh là điều khó tránh khỏi, nhất là khi người bệnh tử vong", bác sĩ Hoàng tâm sự.
Lần đầu tham gia chống dịch, điều dưỡng Khanh học cách bình tĩnh để "xử lý tình huống bằng trái tim nóng - cái đầu lạnh". Mỗi ngày, anh và mọi người thay nhau vận chuyển bình oxy, khoảng 40-50 bình để bệnh nhân thở, lê dài 10-15m. Chưa kể những ngày tháng 8, chiều nào cũng mưa, các y bác sĩ mặc quần áo bảo hộ ướt nhẹp dính chặt vào người. Ngoài ra, anh đưa thuốc, thay tã, cho ăn, chăm sóc bệnh nhân gần như toàn bộ vì không có người nhà.
Buồng bệnh có nhiều trường hợp nặng, người già, người có bệnh lý nền, tỷ lệ tử vong cao. Từ ngày dịch bùng phát, công việc "luôn tay luôn chân", mọi người gần như mặc bảo hộ suốt 8 tiếng đồng hồ ca làm việc mới nghỉ. Giữa những khó khăn, các bác sĩ, điều dưỡng... động viên nhau "lấy sự bình phục của người bệnh làm động lực"."Đây là lúc bệnh nhân cần chúng tôi nhất, nên tất cả luôn túc trực để xử trí nếu có bất thường", anh Khanh nói.
Theo bác sĩ Hoàng, không ai xem đây là công việc làm công ăn lương mà là trách nhiệm với mạng sống của cộng đồng. Tất cả dặn nhau chăm sóc bệnh nhân như người nhà, mong tất cả sớm xuất viện, được về nhà.
Từ đầu dịch, bệnh viện và đội ngũ y bác sĩ đã chuẩn bị sẵn tâm thế, giường, khu riêng, bình oxy... Khi có những ca đầu tiên, ai cũng dặn nhau bảo hộ, chú ý quan sát để không lây nhiễm. Sau đó, số ca tăng lên 10, 20... mọi người vẫn động viên nhau là "trong tầm kiểm soát".
Khoa cấp cứu, trước đó đã sẵn sàng 50 giường ICU nhưng số ca mỗi ngày tiếp nhận có lúc tăng gấp đôi. Nhiều bác sĩ chuyên khoa tai, mũi, họng, mắt... trái chuyên ngành hồi sức tích cực cũng lao vào cuộc chiến, chạy đua giành lại hơi thở cho F0.
"Gần đây, nghe tin có người thân của đồng nghiệp mất vì Covid-19, tôi càng ý thức được nhiệm vụ trong cuộc chiến này và tự nhủ làm hết khả năng để dập dịch", bác sĩ Hoàng nói. Với anh và đồng nghiệp, tin tức về số ca nhiễm mỗi ngày không còn quá quan trọng. Thay vào đó, họ tìm kiếm thông tin về số ca nặng chữa khỏi mỗi ngày, số ca xuất viện, số người được tiêm vaccine.
Đêm dần khuya, xe cứu thương vẫn liên tục đưa các ca bệnh mới vào viện. Kíp trực lại hối hả chạy đua với "tử thần" để cứu người nguy kịch.
Thùy An