Nhiều nước ở châu Âu đã được coi là hình mẫu chống dịch sau làn sóng Covid-19 thứ nhất hồi đầu năm. Đại dịch dường như được kiểm soát vào mùa hè, đủ để giới chức các nước cho phép người dân đi lại thoải mái hơn trên châu lục, với các biện pháp hạn chế gần như được dỡ bỏ hoàn toàn.
Nhưng những thành tựu đó rất mong manh: Các cụm dịch khó lường và việc vội vàng nới lỏng hạn chế đã khiến dịch bùng phát trở lại khắp lục địa.
Theo các nhà nghiên cứu từ Thụy Sĩ và Tây Ban Nha, làn sóng lây nhiễm hiện tại ở châu Âu chủ yếu bắt nguồn từ ổ dịch liên quan đến những lao động nông nghiệp sống trong điều kiện nghèo nàn, chật chội ở các vùng Catalonia và Aragon của Tây Ban Nha. Dịch sau đó lan đến các thành phố lân cận và trên khắp Tây Ban Nha, sau đó là quê nhà của khách du lịch châu Âu.
"Ban đầu biến thể virus được 'xuất khẩu' từ Tây Ban Nha, sau đó nó lan truyền trên diện rộng từ nước này sang nước khác", Inaki Comas, từ Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha, cho biết.
Comas là đồng tác giả của một nghiên cứu đang được bình duyệt về biến thể nCoV được gọi là 20A.EU1. Biến thể lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 6 và tháng 7, chỉ vài tuần sau khi châu Âu kết thúc đợt phong tỏa đầu tiên. Vào cuối tháng 10, nó chiếm tỷ lệ cao trên các mẫu virus được thu thập khắp châu Âu: gần 80% ở Tây Ban Nha, 90% ở Anh, 60% ở Ireland, 30-40% ở Thụy Sĩ và Hà Lan. Tỷ lệ 20A.EU1 trong các ca nhiễm ở Pháp, Italy và các nơi khác cũng cao đáng kể.
Trước khi các quốc gia trên khắp châu Âu vội vã áp đặt trở lại các lệnh hạn chế để đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai, hàng triệu người đã bay quanh lục địa này để thư giãn, nghỉ ngơi sau những ngày bị "cấm cửa" trong nhà. "Mỗi biến thể virus là một dấu hiệu cho thấy chúng ta đã xử lý đại dịch tốt hay không. Và biến thể này cho thấy chúng ta đã xử lý tệ trong mùa hè vừa qua", Comas nói.
Đi lại quốc tế đã được các chuyên gia y tế thừa nhận là yếu tố làm lây lan virus, góp phần biến đợt bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, thành đại dịch toàn cầu. Hầu hết thế giới ngừng cho phép đi lại qua biên giới vì mục đích không thiết yếu vào mùa xuân. Một số quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore, những nước kiểm soát Covid-19 thành công hơn phương Tây, đã hạn chế chặt chẽ việc đi lại quốc tế, yêu cầu khách đến xét nghiệm virus và cách ly để phòng ngừa.
New Zealand và Australia đã ngăn chặn lây nhiễm phần lớn bằng cách đóng biên. Na Uy và Phần Lan, những quốc gia có tỷ lệ tử vong trên đầu người thấp nhất châu Âu, cũng thực hiện cách tiếp cận tương tự, xét nghiệm khách đến và cho họ cách ly tại các khách sạn chuyên dụng. Liên minh châu Âu duy trì lệnh cấm đi lại với người từ bên ngoài khu vực.
Nhưng khi châu Âu mở cửa lại nền kinh tế vào mùa hè, hầu hết quốc gia quyết định mở biên với các nước trong khu vực vì tình hình dịch đã được cải thiện nhờ các biện pháp phong tỏa và cần cứu sống ngành du lịch.
Giới chức Tây Ban Nha rất nóng lòng hồi sinh ngành du lịch. Manuel Muniz, quan chức tại Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha, cho biết các tiêu chí về y tế công cộng đã được cân nhắc. "Nếu không có dấu hiệu rõ ràng rằng đường cong dịch tễ học đã được làm phẳng và việc mở biên là an toàn thì tôi tin rằng quyết định này đã không được thực hiện", ông nói.
Thay vì tiến hành xét nghiệm tại sân bay hoặc cách ly bắt buộc, giới chức châu Âu dựa vào hệ thống y tế địa phương để ngăn chặn dịch bùng phát. Nhưng các hệ thống xét nghiệm, truy vết tiếp xúc và cách ly của địa phương vẫn chưa hoàn thiện. Một số vùng của Tây Ban Nha, bao gồm Aragon, thiếu người truy vết tiếp xúc.
Việc cho phép đi lại trong nội bộ châu Âu vào mùa hè đã khiến virus nhanh chóng lây lan. Trên bờ biển của Croatia, các hòn đảo của Hy Lạp và Italy, du khách đã mang những ca nhiễm đầu tiên đến những nơi trước đó chưa ghi nhận ca Covid-19. Virus lây lan qua các quán bar, bữa tiệc và theo chân du khách về các thành phố ở khắp châu Âu.
"Mọi người đáng lẽ phải nhận thức rõ ràng rằng việc cho phép đi lại đưa virus đến những nơi vốn vắng bóng nCoV", Rowland Kao, giáo sư dịch tễ học và khoa học dữ liệu tại Đại học Edinburgh, cho biết.
Du lịch vào mùa hè không phải là yếu tố duy nhất đứng sau làn sóng thứ hai của châu Âu. Các hệ thống xét nghiệm, truy vết tiếp xúc và cách ly của lục địa này thường kém hiệu quả hơn Đông Á. Người dân cũng chán ngấy các quy định giãn cách xã hội và không còn tuân thủ chúng.
Làn sóng bắt nguồn từ Tây Ban Nha đã bộc lộ một mắt xích yếu khác trong hàng phòng ngự của châu Âu: nhiều hoạt động kinh tế của khu vực phụ thuộc vào lao động nhập cư, thường được trả lương thấp và sống trong các khu nhà chật chội, điều kiện kém. Các nhà nghiên cứu đã xác định đợt bùng phát lớn đầu tiên của biến thể 20A.EU1 là ở vùng nông thôn của Aragon và Catalonia hồi tháng 6, nơi khoảng 40.000 lao động nhập cư đổ về thu hoạch hoa quả vào mùa hè, trong đó chủ yếu là người đến từ châu Phi hoặc Đông Âu.
"Giả thuyết hợp lý nhất là biến thể virus này đã lặng lẽ lây lan ở Tây Ban Nha mà không bị phát hiện, cho đến khi biến thành đợt bùng phát lớn đầu tiên trong cộng đồng lao động thời vụ ở vùng đông bắc đất nước vào cuối tháng 6", Comas nói. "Việc chúng ta không bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương này không chỉ gây hại cho họ mà còn khiến những người khác dễ bị tổn thương hơn".
Các nhà nghiên cứu không biết liệu 20A.EU1 có dễ lây lan hơn các biến thể khác của nCoV hay không và liệu biến thể đó có ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của triệu chứng hay không. Tuy nhiên, Comas khẳng định biến thể không ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine.
Serigne Mamadou, 41 tuổi, đến từ Senegal, một quốc gia Tây Phi, đã làm công việc thu hoạch trái cây ở Tây Ban Nha 10 năm qua. Anh đã phải ngủ ngoài đường trong nhiều ngày vào tháng 6 cùng với những lao động nhập cư khác. Do lo sợ về Covid-19, ít chủ nhà cho lao động nhập cư thuê chỗ ở. "Những người may mắn hơn phải sống trong những căn hộ chật chội", anh nói, "nhưng phần lớn chúng tôi buộc phải ở trong những ngôi nhà bỏ hoang, chuồng trại hoặc trên đường phố, vì không ai muốn cho chúng tôi thuê phòng".
Mamadou cho biết một số đồng nghiệp đã nhiễm nCoV do điều kiện sống tồi tàn và thiếu biện pháp phòng ngừa tại nơi làm việc. "Làm thế nào bạn có thể tự bảo vệ mình nếu bạn ăn uống rất ít, không thể tắm rửa thường xuyên và phải trải bìa các tông ra ngủ ngoài trời?", anh nói. Mamadou đã đăng video về tình cảnh của mình lên mạng xã hội, khiến ngôi sao bóng đá người Senegal Keita Balde chi tiền để giúp Mamadou và 80 lao động khác được ngủ tại khách sạn trong phần còn lại của mùa hè.
Gemma Casal, nhà hoạt động tại tổ chức phi chính phủ địa phương Fruit With Social Justice, cho biết: "Vấn đề này năm nào cũng có, nhưng mùa hè năm nay đặc biệt hỗn loạn".
Oriol Yuguero, bác sĩ tại phòng cấp cứu bệnh viện Arnau de Vilanova ở thành phố Lleida, Catalonia, cảm thấy tình cảnh đen tối hồi mùa xuân đã quay lại trong ca trực đêm 25-26/6. Hai tháng trước đó, bệnh viện chỉ tiếp vài bệnh nhân Covid-19. Nhưng chỉ trong một đêm, ông thấy hơn 10 người có triệu chứng nhập viện.
Họ hầu hết còn trẻ. Một số là lao động nông nghiệp thời vụ. Yuguero cho biết nhiều lao động không muốn đến bệnh viện hoặc cách ly, "bởi với họ, nhiễm virus có nghĩa là phải ngừng làm việc và không kiếm được tiền".
Theo Bộ Y tế Tây Ban Nha, kể từ cuối tháng 6, 195 ổ dịch đã được phát hiện trong cộng đồng lao động tại các công ty rau quả, mỗi ổ dịch có trung bình 39 người. Tại quận xung quanh Lleida, giới chức y tế đã xét nghiệm hơn 4.000 lao động nông nghiệp tại 25 doanh nghiệp trong tháng 7 và tháng 8, trong đó 35% cho kết quả dương tính.
Virus nhanh chóng lây lan tại địa phương. Jose Ramon Pano, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Lâm sàng Đại học Zaragoza ở Aragon đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ ca nhiễm vào giữa tháng 7. Bệnh viện đột ngột chịu áp lực lớn sau chỉ phải tiếp nhận vài ca bệnh mới vào tháng 6. "Nhiều người trong chúng tôi đã bối rối và ngạc nhiên trước cường độ của đợt sóng ập đến vào giữa mùa hè", ông nói, "khi chúng tôi ít ngờ tới nhất".
Zaragoza, cách nơi dịch bùng phát trở lại đầu tiên gần 100 km, cũng ghi nhận ca nhiễm tăng vọt tại các khu phố đông người thuộc tầng lớp lao động, trong đó có lao động thời vụ.
Những người Tây Ban Nha trẻ tuổi đã tạo điều kiện cho giai đoạn lây lan tiếp theo khi họ nối lại các hoạt động vui chơi. Khi giờ mở cửa quán bar bị giới hạn, họ tụ tập trên đường phố hoặc nhà riêng. Marta Jimenez, sinh viên đại học 23 tuổi đến từ Barcelona, đã nhiễm nCoV vào tháng 7 sau khi dự tiệc tại nhà riêng của một người bạn. "Khi nghĩ lại, tôi thấy chúng tôi thật vô trách nhiệm", cô nói, "nhưng chúng tôi đã 'bó chân' ở nhà hơn hai tháng và cần được thư giãn".
Giữa tháng 8, tỷ lệ nhiễm Covid-19 mới trên 100.000 dân ở Tây Ban Nha đã tăng lên 115 ca, vượt xa mức 36 của Pháp, 29 của Anh, 15 của Đức và 8 của Italy.
Theo cơ quan thống kê quốc gia của Tây Ban Nha, từ tháng 6 đến tháng 8, Tây Ban Nha chào đón 5,1 triệu du khách ngoại quốc, trong đó có 643.000 người từ Anh. Anh đã cho phép đi lại không hạn chế đến và đi từ Tây Ban Nha cho đến ngày 25/7, khi tình trạng lây nhiễm gia tăng khiến chính phủ nước này áp lệnh cách ly hai tuần đối với những người trở về từ Tây Ban Nha. Tuy nhiên, biến thể mới vẫn lan rộng ở các thành phố vùng tây bắc nước Anh, miền nam xứ Wales và London.
Hồi tháng 8, Joan Pons Laplana, y tá ở Sheffield, đã cùng con gái đi du lịch đến hòn đảo Minorca của Tây Ban Nha để kỷ niệm 50 năm ngày cưới của cha mẹ mình. Trên chuyến bay trở về, nhân viên để hành khách ngồi cạnh nhau dù máy bay trống gần nửa số ghế. Một tuần sau, con gái 9 tuổi của anh bị ho nhẹ và dương tính với nCoV.
Laplana và con gái đã cách ly tại nhà hai tuần. Anh cố gắng liên hệ với các cơ quan truy vết tiếp xúc Anh để cảnh báo rằng con gái anh có thể đã nhiễm nCoV trên chuyến bay từ Tây Ban Nha và những hành khách khác cũng có nguy cơ. Nhưng anh không thể liên lạc được với bất kỳ ai.
Khi được hỏi về vấn đề, một phát ngôn viên chương trình xét nghiệm và truy vết tiếp xúc của chính phủ Anh cho biết họ đã đưa ra các biện pháp để làm cho hệ thống hiệu quả hơn.
Gabriela Hemmerdinger, sinh viên âm nhạc 25 tuổi ở Leeds, bắc Anh, đã tự cách ly khi bạn cùng phòng người Tây Ban Nha trở về sau chuyến thăm họ hàng và bà của cô này ở Madrid nhiễm nCoV. Người bạn cùng phòng có triệu chứng đau đầu, mất khứu giác và xét nghiệm cho kết quả dương tính với Covid-19. Hemmerdinger cũng cảm thấy ốm yếu, mệt mỏi và làm xét nghiệm tại nhà nhưng không được thông báo kết quả.
Cuối tháng 8, ca nhiễm tăng mạnh ở Anh, khi nhiều người, bao gồm các du khách hồi hương, thưởng thức đồ uống mùa hè trong các quán rượu hoặc ăn tối trong các nhà hàng chỉ áp dụng giãn cách xã hội một cách lỏng lẻo. Chính phủ Anh đã thực hiện chương trình cung cấp các bữa ăn giảm giá để khuyến khích người dân đến nhà hàng nhằm giúp họ vượt khó khăn tài chính. Bộ Tài chính Anh, cơ quan tiên phong trong kế hoạch, đã không đáp ứng yêu cầu bình luận.
Bolton, thị trấn ở tây bắc nước Anh, là một trong những nơi đầu tiên bị ảnh hưởng nặng nề. Đầu tháng 9, Bolton ghi nhận 120 ca nhiễm trên 100.000 người - tỷ lệ cao nhất cả nước. Giới chức y tế xác định đợt bùng phát bắt nguồn một phần từ nhóm vài người đàn ông đã đến Ibiza, Tây Ban Nha vào tháng 8. Khi trở về nhà, những người này không cách ly mà tiếp tục tiệc tùng và kéo nhau đến một loạt quán rượu. "Những nhóm rất đông đi cùng nhau", Nicholas Peel, ủy viên hội đồng thị trấn, kể.
Ở xứ Wales, giới chức lo ngại về virus từ Tây Ban Nha đến mức lãnh đạo y tế Vaughan Gething đã đưa ra cảnh báo trên truyền hình. Ông cho biết vào tháng 8, một nhóm ba người từ Tây Ban Nha trở về xứ Wales đã không cách ly, khiến một người lây virus cho 4 người khác tại bữa tiệc. Một người khác còn lây cho người ngồi chung ô tô. Sau đó, 13 người cũng nhiễm nCoV. Diễn biến dịch phức tạp đã khiến các thị trấn miền nam xứ Wales phải phong tỏa.
Adele Warren, ủy viên hội đồng thị trấn ở Bolton, cho biết nhiều địa phương ở Anh đã áp đặt hạn chế nhưng sự không đồng nhất giữa các nơi đã khiến việc thực thi quy định rất khó khăn. Người dân né được hạn chế bằng cách đến những khu vực gần đó không bị phong tỏa. "Mọi người chỉ cần đi thêm một quãng là đến được quán rượu".
Nhiều địa phương của Anh đã hết kit xét nghiệm do nhu cầu tăng vọt. Các bệnh viện lại bắt đầu tràn ngập bệnh nhân Covid-19.
Phương Vũ (Theo WSJ)