"Tôi muốn mọi người biết rằng từ ngày đầu tiên, chúng tôi sẽ thực hiện kế hoạch nhằm kiềm chế loại virus này. Chúng tôi không thể cứu bất cứ sinh mạng nào đã mất đi, nhưng có thể cứu rất nhiều người trong những tháng tới", Joe Biden phát biểu tối 6/11, một ngày trước khi ông được xướng tên là Tổng thống thứ 46 của Mỹ.
Biden nêu cách xử lý đại dịch trên phạm vi toàn quốc cứng rắn hơn nhiều so với Tổng thống Donald Trump, cho biết ông sẽ kêu gọi các lãnh đạo địa phương bắt buộc đeo khẩu trang nếu cần thiết, thành lập một ủy ban nhằm tăng cường xét nghiệm, cùng kế hoạch chi tiết trong việc phân phối vaccine Covid-19 cho 330 triệu người ngay khi chúng sẵn sàng.
Tuy nhiên, thử thách mà Biden phải đối mặt trong cuộc chiến với Covid-19 được đánh giá vô cùng nan giải, bởi đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Đại Khủng hoảng thập niên 1930. Hôm 6/11, Mỹ ghi nhận thêm hơn 128.000 ca nhiễm nCoV, mức tăng kỷ lục ngày thứ ba liên tiếp và là ngày thứ 8 liên tiếp số ca nhiễm mới vượt 100.000. Số ca tử vong mỗi ngày ở mức hơn 1.000, với tổng cộng gần 244.000 người chết trong hơn 10 triệu ca nhiễm.
Các số liệu dự kiến còn gia tăng trong vài tuần tới, do thời tiết lạnh hơn vào mùa đông và nhiều người ở trong nhà hơn. Theo dự báo của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe Mỹ thuộc Đại học Washington, đợt dịch tồi tệ nhất có khả năng rơi từ giữa đến cuối tháng một, thời điểm Biden dự kiến tuyên thệ nhậm chức.
Tình hình Covid-19 ở Mỹ từ nay tới lúc đó khó có thể được cải thiện, trừ khi Trump thực hiện các biện pháp chống virus tích cực hơn trong hai tháng cuối nhiệm kỳ, viễn cảnh dường như khó xảy ra. Trump đang lên kế hoạch tổ chức nhiều cuộc mít tinh đông người, trong nỗ lực gây sức ép với tòa án khi kiện tụng về kết quả bầu cử.
Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows hôm 25/10 cũng cho biết chính quyền Trump "sẽ không kiểm soát đại dịch", mà tập trung vào phát triển "vaccine, phương pháp điều trị và những lĩnh vực giảm thiểu khác".
Trong bài phát biểu hôm 6/11, Biden đề cập đến việc đoàn kết đất nước và phục hồi niềm tin của công chúng vào thông điệp từ chính phủ liên bang. Ông có kế hoạch tiến hành nỗ lực này ngay lập tức, với việc thúc giục cả các thống đốc Cộng hòa và Dân chủ truyền đạt cho người dân tầm quan trọng của giãn cách xã hội, đồng thời thuyết phục họ ban hành quy định bắt buộc đeo khẩu trang, theo các nguồn tin giấu tên.
Tuy nhiên, theo bình luận viên Yasmeen Abutaleb và Laurie McGinley của Washington Post, kết quả sít sao của cuộc bầu cử cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong quan điểm của người dân về cách xử lý đại dịch, gây thêm cản trở cho nỗ lực áp dụng chính sách của Biden.
Một số chuyên gia y tế, bao gồm vài cố vấn cho chiến dịch của Biden, đánh giá điều quan trọng đối với Tổng thống đắc cử là có chiến lược truyền thông hiệu quả không chỉ hướng đến những người ủng hộ ông, mà còn tác động được tới những cư dân và quan chức đứng về phía Trump. Theo họ, chiến lược ở đây là phải xây dựng sự đồng thuận, thay vì dựa vào các biện pháp phòng dịch bắt buộc trên toàn quốc.
"Biden cần hiểu rõ sự chia rẽ ở đất nước này. Ông ấy nên dành ba tháng tới để cố gắng tìm ra cách thuyết phục phía bên kia chiến tuyến, bao gồm những người không đồng tình với ông ấy", Walid Gellad, phó giáo sư y khoa tại Đại học Pittsburgh, cho hay.
Một yếu tố khác khiến kế hoạch chống dịch của Biden dường như cần phụ thuộc phần lớn vào việc thuyết phục người dân thay đổi hành vi, là vaccine Covid-19 dự kiến tới giữa hoặc cuối năm 2021 mới có thể được đưa vào sử dụng rộng rãi. Nhiệm vụ đó giờ đây thêm mờ mịt, bởi hàng triệu người Mỹ vẫn chưa chấp nhận kết quả bầu cử, sau khi Trump cáo buộc có "gian lận phiếu bầu" nhưng không đưa ra bằng chứng.
Triển vọng thực hiện kế hoạch chống Covid-19 của Biden còn phụ thuộc vào kết quả bầu cử quốc hội, bởi phần lớn ngân sách để thực hiện các biện pháp chống dịch cần được quốc hội thông qua. Hai bên đều đang nắm 48 ghế tại Thượng viện, kết quả bầu thượng nghị sĩ ở Georgia, bang từng được cho là "thành trì" của đảng Cộng hòa, sẽ quyết định phe nào nắm quyền kiểm soát cơ quan này.
Hai sáng kiến kiểm soát đại dịch của Biden, bao gồm tăng cường đáng kể năng lực xét nghiệm của đất nước và nỗ lực truy vết tiếp xúc, đều cần số tiền lớn từ quốc hội. Tuy nhiên, khả năng quốc hội thông qua được bất cứ gói chi tiêu y tế và cứu trợ kinh tế mới nào trong năm sau vô cùng bất định.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell, người có lẽ vẫn giữ ghế nếu đảng Cộng hòa tiếp tục giành quyền kiểm soát Thượng viện, cho biết ông muốn thông qua một số biện pháp hỗ trợ Covid-19 mới, bao gồm cấp tiền cho những doanh nghiệp nhỏ, trường học và bệnh viện, có thể thêm trợ cấp dành cho các chính quyền địa phương. Theo McConnell, công tác xét nghiệm, điều trị, phát triển và phân phối vaccine cũng cần đầu tư thêm.
Tuy nhiên, chưa rõ liệu phe Dân chủ có ủng hộ kế hoạch của McConnell hay không. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã bắt đầu hướng đến năm sau, với hy vọng đảng Dân chủ nắm được Thượng viện. Kết hợp cùng ghế tổng thống của Biden, bà được cho là mong muốn thông qua một gói ngân sách lớn hơn nhiều so với kế hoạch của McConnell.
Các đồng minh của Biden chỉ ra rằng Tổng thống đắc cử từng thể hiện khả năng đàm phán tốt với McConnell khi ông còn làm "phó tướng" của Barack Obama. Tuy nhiên, cục diện chính trị được cho là đã thay đổi nhiều kể từ khi Trump vào Nhà Trắng.
Bên cạnh đó, với việc Trump không ngừng gieo nghi ngờ về kết quả bầu cử, đội ngũ của Biden còn phải chuẩn bị cho tình huống ông chủ Nhà Trắng sẽ ngăn nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử tiếp cận với các nguồn lực phục vụ cuộc chiến chống Covid-19 của chính phủ theo quy định của pháp luật.
Không ít người đã đặt ra giả thuyết rằng chính quyền Trump có thể "xé tan toàn bộ tài liệu về Chiến dịch Thần tốc, nỗ lực phát triển vaccine Covid-19 trong thời gian ngắn nhất", trước khi ông rời khỏi Nhà Trắng và chuyển giao quyền lực cho Biden.
Chiến dịch của Biden đã bắt đầu thảo luận về những ứng viên tiềm năng đảm nhiệm vị trí trong các cơ quan khoa học và y tế, dù họ nhấn mạnh chưa có quyết định nào được đưa ra. Ron Klain, cố vấn cấp cao trong chiến dịch của Biden, từng làm "thủ lĩnh" nhóm phản ứng với đại dịch Ebola dưới thời Obama, được cho là sẽ dẫn dắt công tác chống Covid-19. Jake Sullivan, cố vấn chính sách hàng đầu của Biden, cũng được đánh giá sẽ phụ trách vấn đề y tế.
Tuy nhiên, Angela Rasmussen, nhà virus học tại Trường Y tế Cộng đồng Mailman thuộc Đại học Columbia, cho rằng với một loạt chướng ngại vật trước mắt, Biden "sẽ gặp vô cùng nhiều thách thức để hiện thực hóa một số kế hoạch ứng phó đại dịch tham vọng mà ông vạch sẵn".
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)