Thứ sáu, 3/1/2025
Thứ tư, 27/9/2023, 11:39 (GMT+7)

Những hiệu bánh Trung thu lâu đời từ Bắc chí Nam

12 tiệm bánh Trung thu cổ truyền trên khắp Việt Nam có tuổi đời từ hơn 20 năm đến 70 năm, được nhiều người lựa chọn thưởng thức, làm quà trong dịp Tết Trung thu.

Tiệm bánh Trung thu Đức Bình ở phường Minh Xuân, TP Tuyên Quang thuộc sở hữu của ông Bùi Văn Thành và bà Nguyễn Kim Dung, cơ ngơi có từ những năm 1930. Dịp rằm tháng tám, tiệm chỉ sản xuất hai loại bánh truyền thống là bánh nướng và bánh dẻo, nhân thập cẩm và đậu xanh. Hầu hết công đoạn được thực hiện thủ công. Phần tốn thời gian và đòi hỏi sự tỉ mỉ hơn cả là làm nhân thập cẩm. Các nguyên liệu cần có gồm mỡ lợn, xá xíu, hạt bí, hạt dưa, hạt vừng, lá chanh. Tất cả được trộn đều cùng nước đường đun sôi để tạo độ kết dính sau đó nặn tròn và bọc vỏ rồi nướng đến khi vỏ bánh ngả vàng. Mỗi chiếc bánh có giá từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng tùy trọng lượng. Ảnh: Bánh trung thu Đức Bình gia truyền.

Trước năm 1930, ông Hoàng Quỹ, quê gốc Hà Đông, Hà Nội đưa gia đình đến định cư tại thị xã Phú Thọ và mở cửa hàng bánh mứt kẹo Quảng Hưng Long. Sau này, các con ông tách ra mở cơ sở riêng. Ông Tạ Quyết (con rể ông Quỹ) mở cơ sở sản xuất bánh kẹo mang tên ông và duy trì đến hiện tại. Cơ sở nằm ở số 73 đường Nguyễn Khuyến, phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ, là một trong những cửa hàng bánh Trung thu nổi tiếng của tỉnh Phú Thọ.

Sản phẩm gồm bánh nướng và dẻo thập cẩm gà quay, trứng mặn, lạp xưởng, giăm bông, đậu đỏ, lá nếp, khoai môn, trà xanh, sầu riêng. Ngoài ra, cửa hàng còn có bánh dẻo chay hương bưởi, bánh chả, kẹo lạc. Cơ sở bánh Tạ Quyết sản xuất quanh năm. Ảnh: Thông tin du lịch tỉnh Phú Thọ.

Bảo Phương là thương hiệu bánh trung thu gần 70 năm ở Hà Nội. Tiệm do ông Phạm Vi Bảo mở năm 1954 trên phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ. Hiện tại, con cháu ông Bảo đã mở thêm cơ sở thứ hai. Tuy nhiên, hình ảnh người đứng xếp hàng mua bánh chỉ có ở 183 Thụy Khuê, cơ sở đầu tiên.

Bánh trung thu Bảo Phương có các loại nhân thập cẩm, đậu xanh, lạp xưởng, dăm bông, trứng muối, hạt dưa, cốm. Một chiếc bánh giá 45.000 - 80.000 đồng tùy loại. Ảnh: Bánh trung thu Bảo Phương cơ sở I.

Nằm trên con phố trung tâm TP Hải Phòng, hiệu bánh trung thu Đông Phương có tuổi đời hơn 70 năm. Hình ảnh người xếp hàng trải dài từ số nhà 172 Cầu Đất chờ mua bánh đã trở nên quen thuộc với người dân Hải Phòng mỗi dịp Tết Trung thu.

Bánh trung thu Đông Phương là sự kết hợp của công nghệ, máy móc hiện đại và công thức làm bánh cổ truyền. Theo đánh giá của nhiều khách hàng, bánh Đông Phương vỏ mỏng, nhân thập cẩm vừa miệng, không quá ngọt, thơm mùi lá chanh và giữ được hương vị của các nguyên liệu khác.

Ngoài những nguyên liệu thông thường như lạp xưởng, xá xíu, gà quay, cơ sở còn kết hợp nhiều nguyên liệu đắt đỏ trong nhân bánh như bào ngư, yến sào, vi cá. Bánh có nhiều kích cỡ, loại lớn nhất nặng 3 kg. Giá bán tùy kích cỡ và chủng loại bánh, dao động từ 60.000 đồng đến 2,3 triệu đồng. Ảnh: Hiệu bánh Đông Phương.

Cơ sở Quang Hưng ở 117 đường Nguyễn Trãi, TP Nam Định, có truyền thống gần 50 năm làm các loại bánh nướng, bánh dẻo. Bánh trung thu Quang Hưng có vị mặn của xá xíu, vị ngọt của mứt bí, vị ngậy của mỡ ướp đường, mùi thơm của vừng, lá chanh và một số gia vị khác.

Theo chị Lưu Thị Ngọc, chủ cơ sở, gần trung thu, cơ sở bán khoảng 4.000 chiếc một ngày. Gần 50 công nhân có tay nghề phải làm việc hết công suất. Giá bán một chiếc bánh trung thu Quang Hưng dao động từ 40.000 - 100.000 đồng. Ảnh: Bánh gia truyền Quang Hưng.

Cơ sở Đức Nghiêm tại số 448 đường Trần Phú, quận Ba Đình, TP Thanh Hóa có truyền thống gần 40 năm làm các loại bánh nướng, bánh dẻo, đến nay đã qua hai thế hệ. Bánh Trung thu tại đây là loại truyền thống, vỏ bánh vàng, mỏng, nhân mỡ trắng trong, thấm đường kính. Tiệm cũng sản xuất bánh dẻo làm từ bột gạo nếp, có độ ngọt vừa phải, nhân hạt sen, mứt bí, thơm hương lá chanh. Các loại bánh tại đây được nói là không sử dụng chất bảo quản, chỉ dùng được trong 7-10 ngày. Bánh có mức giá từ 50.000 đồng. Trên ảnh là công đoạn chế biến nhanh bánh. Ảnh: Đức Nghiêm Cake.

Một trong những cơ sở làm bánh Trung thu truyền thống ở TP Huế là hiệu bánh Phúc Hưng, số 259 đường Trần Huy Liệu. "Bánh Trung thu Phúc Hưng có truyền thống hơn 20 năm. Gần đến rằm tháng 8, mỗi ngày, cơ sở sản xuất hơn 1.000 chiếc bánh", chị Hồ Thị Huyền Sương, chủ cơ sở cho biết.

Nhân bánh Trung thu Phúc Hưng không quá cầu kỳ, thường là các nguyên liệu quen thuộc như đậu xanh, khoai môn, hạt sen, lạp xưởng, dăm bông, gà quay. Cơ sở Phúc Hưng giữ nét truyền thống bằng cách sử dụng khuôn gỗ để tạo hình. Giá bán dao động 37.000 - 50.000 đồng loại thường, bánh đặc biệt có hai loại giá 140.000 đồng (500 g) và 220.000 đồng (một kg). Ảnh: Bánh Trung thu Phúc Hưng.

Ngoài bánh mì, giò, chả, cứ vào tháng 8 âm lịch, tiệm Như Lan phục vụ thêm bánh Trung thu. Những chiếc bánh trung thu truyền thống của cửa hàng trên đường Hàm Nghi, quận 1, gắn bó với nhiều người dân TP HCM hơn 50 năm qua. Ngoài loại bánh truyền thống, tiệm sản xuất một số loại bánh nhân yến vi cá, thập cẩm gà quay, sầu riêng. Giá bán từ 75.000 đến 265.000 đồng một chiếc tùy loại. Trước dịp Trung thu một tháng, tiệm bắt đầu bày bán các loại bánh. Càng sát ngày rằm, lượng người đến mua bánh càng đông, vào khung giờ cao điểm 16-18h khách phải xếp hàng chờ đến lượt. Ảnh: Quỳnh Trần.

Hơn 70 năm tồn tại, bánh Trung thu Đồng Khánh ở xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An nay là thương hiệu quen thuộc, dễ dàng tìm mua. Ngoài các loại bánh nướng truyền thống, cơ sở còn có bánh dẻo, bánh chay, bánh có tạo hình độc đáo dành cho thiếu nhi, bánh dành cho thực khách ăn kiêng. Ảnh: Bánh trung thu Đồng Khánh Bông Lúa Vàng.

Tại TP Vĩnh Long, cơ sở sản xuất bánh truyền thống Vĩnh Xương ở đường Lý Thường Kiệt, đã gắn bó với người dân nơi đây hơn một thế kỷ. Những ngày đầu mở cửa, tiệm chỉ phục vụ bánh Trung thu, giờ đây bán thêm nhiều loại bánh khác như bánh pía, bánh hạnh nhân. Loại bánh làm nên tên tuổi của tiệm là bánh Trung thu gà quay jambon. Bánh có 4 cỡ trọng lượng gồm 150 g, 200 g, 225 g và 600 g. Nguyên liệu là đường, bột, mỡ, hạt sen, mè, hạt đào, lạp xưởng, thịt gà, trứng vịt muối. Ảnh: Tiệm bánh Vĩnh Xương.

Văn Hòa Lạc là thương hiệu bánh "cha truyền con nối", có thâm niên gần 50 năm, ở 299 Võ Thị Sáu, khu phố Long Tân, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bánh ở đây là bánh da rộp, tương tự bánh pía, được làm thủ công. Lò bánh vẫn duy trì các công đoạn sản xuất, công thức và hương vị không thay đổi suốt ba đời làm nghề. Để đảm bảo luôn có bánh tươi, cơ sở Văn Hòa Lạc cứ một ngày làm một ngày nghỉ để bánh có thời gian khô và hương vị đạt chuẩn.

Ngoài các loại bánh trung thu da rộp nhân thập cẩm, gà quay, khoai môn, tiệm còn có các loại bánh phục vụ khách ăn chay. Đặc biệt nhất có thể kể đến là loại bánh thập cẩm nặng gần 1,2 kg với 14 trái trứng muối. Ngoài ra, tiệm còn có các loại bánh 1-3 trứng, 6 trứng, 10 trứng hay 12 trứng. Bánh từ ba trứng trở xuống sẽ bán theo hộp 4 cái. Bánh 6 trứng trở lên sẽ bán lẻ. Mức giá từ 80.000 đồng một cái. Bánh được nói là không có chất bảo quản, thời gian sử dụng trong 10 ngày. Ảnh: Mộc Review.

Quỳnh Mai - Bích Phương - Vân Khanh

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net