Giống như phần còn lại của thế giới, Malaysia, quốc gia ở Đông Nam Á, đã hứng chịu hậu quả nặng nề từ Covid-19. Quốc gia gần 32 triệu dân báo cáo gần 1,15 triệu ca nhiễm và hơn 9.400 ca tử vong kể từ khi đại dịch tấn công vào năm ngoái, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers. Vào đầu tháng 6, số ca nhiễm nCoV tăng lên hơn 7.000 mỗi ngày và tới tháng 7, con số này vượt 10.000 người.
Nền kinh tế Malaysia cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch. Vào tháng 5/2020, tỷ lệ thất nghiệp ở Malaysia tăng 5,3% sau lần đóng cửa đầu tiên vì Covid-19 vào tháng 3/2020. Với nền kinh tế tăng trưởng trở lại trong nửa cuối năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp vào tháng 1/2021 giảm xuống 4,9%.
Tuy nhiên, những kết quả này nhanh chóng bị đảo ngược khi chính phủ một lần nữa phải siết các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt vì Covid-19 ngày 1/6 - 28/6. Ước tính Malaysia có thể mất tới hai triệu việc làm trong năm 2021.
Đối mặt với tác động lớn từ đại dịch, chính phủ Malaysia đã tung ra tám gói cứu trợ và kích thích kinh tế với trị giá lên tới 530 tỷ ringgit (khoảng gần 125,6 tỷ USD). Trong giai đoạn đầu dịch, quốc gia này đã cam kết chi khoảng 68 tỷ USD với ba gói kích thích kinh tế vào ngày 27/2, 27/3 và 6/4 năm ngoái, giúp giảm thiểu những khó khăn mà các doanh nghiệp và người dân phải đối mặt.
Các gói này cũng bao gồm nhiều giải pháp thuế khác nhau, như các công ty có thể yêu cầu khấu trừ thuế đối với chi phí phát sinh để trang bị đồ bảo hộ cá nhân cho nhân viên.
Ngày 5/6/2020, chính phủ Malaysia có bước đi lớn khi công bố Kế hoạch Phục hồi Kinh tế Quốc gia (PENJANA), giai đoạn thứ 4 trong lộ trình 6 giai đoạn chống nền kinh tế sụp đổ vì Covid-19. Kế hoạch gồm 40 sáng kiến với trị giá khoảng 35 tỷ ringgit (gần 8,3 tỷ USD), trong đó 10 tỷ ringgit dưới hình thức hỗ trợ tài chính trực tiếp. PENJANA cũng gồm một số ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đa quốc gia hoạt động tại Malaysia cũng như các nhà đầu tư tiềm năng, như miễn thuế thu nhập đầy đủ và trợ cấp thuế đầu tư.
Gói cứu trợ mới nhất của chính phủ Malaysia được Thủ tướng Muhyiddin Yassin công bố hôm 28/6 trị giá 36 tỷ USD, nhằm giúp người dân vượt qua đợt phong tỏa kéo dài trên toàn quốc. Thông báo sau khi gia hạn lệnh phong tỏa vì Covid-19, ông Muhyiddin cho biết kế hoạch gồm 10 tỷ hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người dân. Thủ tướng Malaysia nói thêm những người nộp đơn xin giãn nợ 6 tháng sẽ được tự động phê duyệt, bất kể tình trạng thu nhập hiện tại.
Thông báo đánh dấu gói cứu trợ và kích thích kinh tế thứ tư được chính phủ Malaysia công bố trong năm nay. Mohd Afzanizam Abdul Rashid, nhà kinh kế trưởng của Ngân hàng Bank Islam Malaysia Bhd, nói kế hoạch cho thấy "chính phủ sẵn sàng nỗ lực hơn để cung cấp hỗ trợ tài chính cho tất cả người dân Malaysia".
Tình hình dịch diễn biến nghiêm trọng và các biện pháp hạn chế được siết chặt trong hai tháng qua là đòn giáng cho nền kinh tế, mà chính phủ dự kiến phục hồi mạnh mẽ trong quý cuối cùng của năm. Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 6 giảm dự báo tăng trưởng năm 2021 của Malaysia xuống 4,5%, từ mức 6%.
"Nhiều người đang phải đối mặt với các vấn đề tài chính. Điều tôi có thể hứa hôm nay là ngay cả khi nguồn tài chính hạn hẹp, chính phủ sẽ tiếp tục cam kết ưu tiên phúc lợi cho người dân", Thủ tướng Muhyiddin nói.
Với gói cứu trợ mới, Malaysia giảm thuế dịch vụ cho các nhà kinh doanh khách sạn và giảm giá điện cho khu vực kinh tế bị ảnh hưởng. Chính phủ cũng bổ sung thêm quỹ để hỗ trợ doanh nghiệp và mở rộng trợ cấp tiền lương.
Trong cuộc họp đánh giá về triển khai gói cứu trợ tại quốc hội hôm 29/7, Bộ trưởng Tài chính Tengku Datuk Seri Zafrul Abdul Aziz cho biết tất cả các gói cứu trợ đều nhằm bảo vệ cuộc sống thông qua ba trọng tâm chính, gồm củng cố hệ thống y tế công cộng và chương trình tiêm chủng quốc gia, bảo vệ người dân và đảm bảo hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn.
"Điều quan trọng nhất bây giờ là tăng cường nỗ lực tiêm chủng cho ít nhất 80% dân số trưởng thành trên toàn quốc", ông nói.
Bộ trưởng Tengku Zafrul cho biết chương trình tiêm chủng là chìa khóa thành công của đất nước trong cuộc chiến với Covid-19. Để tối ưu hóa năng lực của hệ thống y tế công cộng, Bộ Y tế Malaysia đã được cung cấp khoản phân bổ hơn 3,7 tỷ ringgit dành riêng cho ứng phó Covid-19.
Ông thêm rằng chính phủ đã công bố một khoản hỗ trợ tiền mặt lớn nhất trong lịch sử đất nước lên tới 18 tỷ USD, mang lại lợi ích cho 11 triệu dân. Ngoài ra, Malaysia phân bổ hơn 200 triệu ringgit cho chương trình hỗ trợ Giỏ thực phẩm và đã nhận được nhiều yêu cầu tiếp tục chương trình này.
Quốc gia Đông Nam Á cũng đưa ra nhiều biện pháp nhằm giúp đỡ các nhóm đối tượng như thanh niên, sinh viên, phụ nữ, mẹ đơn thân, những người tìm việc hay thực tập sinh, theo ông Tengku Zafrul.
Chính phủ Malaysia nhận định 8 gói cứu trợ và kích thích kinh tế cho thấy nước này luôn nỗ lực để người dân và nền kinh tế tiếp tục tồn tại trong giai đoạn đại dịch đầy thách thức.
Thanh Tâm (Theo Bloomberg, MOF Malaysia)