Bang Sabah là nơi khởi phát làn sóng đại dịch thứ ba ở Malaysia, kéo dài từ tháng 9 năm ngoái tới nay. Dù từng chứng kiến nhiều ca tử vong và nhập viện, nhiều người dân ở bang này vẫn lo sợ phải tiêm vaccine Covid-19, nghị sĩ Jannie Lasimbang cho biết.
"Người cao tuổi hơn đặc biệt sợ đăng ký tiêm chủng. Tôi nghĩ giới trẻ không quá lo lắng như vậy. Người già thường nói rằng họ có rất nhiều bệnh nền, như các vấn đề về tim, nên cảm thấy ngại tiêm vaccine", nữ nghị sĩ giải thích.
Bên cạnh đó, kết nối Internet kém cũng khiến người dân tại Sabah khó đăng ký lịch tiêm chủng qua hệ thống trực tuyến của chính phủ. Việc đăng ký thủ công được tiến hành thông qua các lãnh đạo cộng đồng, nhưng một số người chưa được đào tạo để xử lý quy trình này.
Cách Sabah 2.000 km, tại bang Selangor nằm trên bán đảo Malaysia, nữ nghị sĩ Lim Yi Wei lại đối mặt một vấn đề khác. Cư dân tại khu Kampung Tunku thuộc thành phố Petaling Jaya, nơi cô đại diện, bao gồm cả những gia đình thu nhập thấp, rất muốn được tiêm chủng nhưng lại tỏ ra kén chọn vaccine Covid-19.
"Rất nhiều người thích vaccine Sinovac một cách kỳ lạ", Lim cho hay, nói thêm rằng một số cư dân đánh giá vaccine của hãng dược phẩm Mỹ Pfizer không xứng đáng với danh tiếng "tiêu chuẩn vàng".
Chiến dịch tiêm chủng Covid-19 tại Malaysia bắt đầu tăng tốc, nhờ vấn đề nguồn cung vaccine được giải quyết phần nào và thêm nhiều trung tâm tiêm chủng được thiết lập. Theo Ủy ban Đảm bảo Tiếp cận vaccine Covid-19, khoảng 14,5% dân số nước này đã được tiêm ít nhất một liều, 5,5% tiêm đủ hai liều. Số liều được tiêm hàng ngày đang dao động ở mức hơn 250.000. Chính phủ đặt mục tiêu nâng con số này lên 400.000 vào tháng 8.
Tuy nhiên, giới chuyên gia, cùng những lãnh đạo địa phương như Lim và Lasimbang, cho rằng một loạt yếu tố có thể cản trở mục tiêu tiêm chủng cho 60% trong 32 triệu dân trước cuối tháng 9 của chính phủ Malaysia. Tâm lý lo ngại quá mức về tác dụng phụ và sự kén chọn vaccine chỉ là hai trong những vấn đề mà giới chức phải đối mặt.
Khor Swee Kheng, bác sĩ Malaysia chuyên về chính sách y tế, đánh giá quy mô thực sự của vấn đề e ngại vaccine sẽ trở nên rõ ràng khi nguồn cung tăng lên. Một số nhà quan sát lập luận số lượng lớn bất thường những người vắng mặt tại điểm hẹn tiêm chủng là dấu hiệu của tình trạng này. Tờ Utusan Malaysia hôm 27/5 đưa tin khoảng 52.000 người đã không đến tiêm theo hẹn.
Tuy nhiên, Khor nhận định việc lỡ hẹn tiêm chủng "không phải dấu hiệu đáng tin cậy về thái độ ngần ngại vaccine, bởi có thể do những thay đổi hoặc sai sót về hành chính, hoặc tâm lý chủ quan". "Những người thực sự nghi ngờ vaccine sẽ không đăng ký ngay từ đầu", ông nêu ý kiến.
Theo Harris Zainul, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, vấn đề quan trọng là phải phổ biến cho người dân cơ sở khoa học của tiêm chủng, đặc biệt về tính an toàn. Tương tự "tin giả" liên quan đến vaccine khắp thế giới, những thông tin sai lệch đang được lan truyền tại Malaysia, như vaccine không được thử nghiệm theo quy trình thích hợp, vaccine sử dụng công nghệ mRNA nguy hiểm hơn, hay giới chức y tế không biết trước ảnh hưởng lâu dài của vaccine.
Chính phủ Malaysia từng nhiều lần nhấn mạnh rằng những vaccine đã được cấp phép đều được chuyên gia đánh giá kỹ lưỡng. "Công bằng mà nói, chính phủ đã hoạt động khá tích cực để phổ biến thông tin tốt về tầm quan trọng của tiêm chủng, cùng mức độ an toàn của vaccine", Zainul nhận định, nhưng nói thêm rằng khả năng tiếp cận thông tin vẫn là vấn đề và cần dịch tài liệu sang nhiều ngôn ngữ hơn.
Zainul cho biết truyền thông đại chúng là một phần của quá trình này. Hầu hết kênh thông tin trong nước đều ủng hộ tiêm chủng Covid-19, nhưng vẫn có "một số ít các tờ báo xuất bản những tiêu đề gây hiểu lầm về vaccine, có thể dẫn đến tâm lý ngần ngại", chuyên gia nói.
Lim, nghị sĩ tại Selangor, cho biết sự ngần ngại xuất phát từ thông tin sai lệch phổ biến đối với những người có trình độ học vấn cao hơn. Những người này băn khoăn về hiệu quả của vaccine so với những biện pháp được cho là có thể thay thế, như thuốc chống ký sinh trùng Ivermectin. Nghiên cứu về tác dụng điều trị Covid-19 của loại thuốc này đang được nghiên cứu, nhưng các nhà khoa học đã chỉ ra đây không phải giải pháp thay thế vaccine, vốn nhằm hạn chế lây truyền virus và khả năng người nhiễm trở nặng.
Một số nhà quan sát cho biết vấn đề kén chọn vaccine cũng bắt nguồn từ những cuộc thảo luận sai lệch tương tự trên mạng. Theo quan điểm của nhóm ủng hộ vaccine do công ty Sinovac của Trung Quốc sản xuất, "đây là vaccine an toàn hơn vì sử dụng phương pháp bất hoạt virus đã được kiểm nghiệm", nhưng cộng đồng Hồi giáo chiếm đa số tại Malaysia lo ngại vaccine này không đáp ứng tiêu chuẩn tín ngưỡng của họ.
Vinod RMT Subramaniam, giảng viên y khoa cấp cao tại Đại học Monash của Malaysia, đánh giá "mạng xã hội đã thúc đẩy đáng kể cuộc tranh luận loại vaccine nào tốt hơn, dẫn đến việc chia sẻ rộng rãi các quan điểm trái chiều và thông tin sai lệch". "Vì vậy, công chúng rất khó phân biệt đâu là sự thật", Subramaniam cho hay.
Ngoài ra, giới quan sát đặc biệt lo ngại về chính sách tiêm chủng cho người lao động nước ngoài của chính phủ Malaysia. Giới chức cho biết tính đến ngày 16/6, khoảng 400.000 người, tương đương 16% người nước ngoài tại Malaysia, đã đăng ký tiêm chủng.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động chỉ ra việc chính phủ cởi mở với người nước ngoài đi tiêm chủng không phù hợp với cuộc truy quét người lao động nhập cư trái phép đang được đẩy mạnh, giữa lúc đất nước bị phong tỏa một phần.
Bộ trưởng Nội vụ Hamzah Zainudin tuyên bố người nhập cư trái phép sẽ phải "nộp mình" cho giới chức trước khi được phép tiêm chủng. Adrian Pereira, giám đốc nhóm vận động Sáng kiến Bắc - Nam, đánh giá cuộc truy quét cũng là một rào cản với nỗ lực tiêm chủng quốc gia.
"Giới chức đang gây hiểu lầm khi tiến hành các vụ bắt lao động nhập cư trái phép và phát sóng trên truyền thông. Hình sự hóa hành vi của họ không phải giải pháp. Nó làm dấy lên hoài nghi rằng liệu chính quyền có thực sự muốn đạt mục tiêu tiêm chủng hay không", Pereira nói.
Ánh Ngọc (Theo SCMP)