Hai loại được cấp phép sử dụng là bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 Salixium, do công ty Reszon Diagnostics của Malaysia sản xuất, và bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên Gmate từ công ty Philosys của Hàn Quốc. Cả hai đều có giá 39,9 ringgit (khoảng 9,4 USD), được bán tại các nhà thuốc và cơ sở y tế đã đăng ký. 15 loại kit khác đang được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Kit Salixium kết hợp giữa lấy dịch từ mũi và nước bọt, cho kết quả trong khoảng 15 phút. Mỗi bộ kit có một mã QR duy nhất, được ứng dụng MySejahtera hỗ trợ để báo cáo kết quả và theo dõi xét nghiệm.
Theo yêu cầu của Bộ Y tế Malaysia, kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên bằng hình thức này phải được báo cáo trên MySejahtera. Hạn sử dụng kit Salixium là 18 tháng, với tỷ lệ chính xác nếu ra kết quả dương tính là 91% và âm tính là 100%.
Trong khi đó, người dùng kit Gmate chỉ cần thử mẫu nước bọt, cũng có kết quả trong khoảng 15 phút. Nếu thiết bị cho ra kết quả là không phù hợp, thay vì âm tính hay dương tính, người dùng phải sử dụng kit mới để xét nghiệm lại. Theo khuyến cáo, bộ xét nghiệm này nên được sử dụng trong vòng 5 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng.
Chính sách sử dụng kit xét nghiệm nhanh hàng tuần được nhấn mạnh trong Kế hoạch Hành động Y tế Khẩn cấp (HEAP), bản lộ trình phục hồi từ đại dịch của Malaysia, bao gồm những đề xuất được 20 hiệp hội và 18 chuyên gia ủng hộ.
Giới chuyên gia y tế Malaysia đánh giá kit tự xét nghiệm nCoV có thể giúp thay đổi cục diện đại dịch ở nước này, mở đường để người dân sống chung với virus. Chúng có khả năng giúp người dân dễ dàng phát hiện ca dương tính ngay tại mỗi hộ gia đình.
Các chuyên gia còn cho rằng những bộ xét nghiệm nhanh giá rẻ và đáng tin cậy phải được cung cấp để sử dụng tại nơi làm việc, đi kèm với hướng dẫn rõ ràng, cách xử lý khi phát hiện trường hợp dương tính và cơ chế báo cáo, đồng thời nhắc nhở người dân xét nghiệm thường xuyên.
Tiến sĩ Amar Singh HSS, một trong những người vạch ra kế hoạch HEAP, cho biết việc xét nghiệm nhân viên một lần mỗi tuần, hoặc thậm chí hai lần, sẽ giúp các công ty, công sở giảm nguy cơ lây lan nCoV tại nơi làm việc, vốn là nơi bắt nguồn nhiều đợt bùng phát.
"Tuy nhiên, cần xác định liệu họ có nên tự xét nghiệm tại nhà trước khi đi làm, hay đến nơi làm việc mới xét nghiệm. Nếu xét nghiệm ở chỗ làm, các doanh nghiệp trước hết phải đảm bảo quá trình này có thể được tiến hành an toàn", ông nói.
Amar cũng đề xuất chính phủ nên tìm cách hạ giá thành kit xét nghiệm để khuyến khích chủ lao động triển khai xét nghiệm thường xuyên cho nhân viên. "Giới chức nên xem xét một số hình thức trợ cấp. Tại Anh, các kit tự xét nghiệm được chính phủ cung cấp miễn phí", ông gợi ý.
Tuy nhiên, tiến sĩ này không đồng tình với quan điểm kit tự xét nghiệm là cánh cửa để Malaysia có thể tổ chức những sự kiện quy mô lớn trong tương lai gần. "Chúng không nên được dùng để phục vụ các sự kiện không thiết yếu. Một số người nói hãy dùng nó cho ngành du lịch, nhưng tôi nghĩ chưa phải lúc. Hãy ưu tiên các hoạt động thiết yếu trước, vì nền kinh tế và các doanh nghiệp", Amar nhận định.
Đối với cơ chế báo cáo kết quả sau khi tự xét nghiệm, giáo sư tiến sĩ Lokman Hakim Sulaiman, cựu phó giám đốc y tế Malaysia, cho biết công chúng phải được hướng dẫn và tạo điều kiện để thông báo cho cơ quan y tế gần nhất bằng bất cứ hình thức nào.
Giáo sư tiến sĩ Sazaly Abu Bakar, nhà virus học tại Đại học Malaya ở thủ đô Kuala Lumpur, còn gợi ý các công ty sản xuất kit xét nghiệm có thể cung cấp mã vạch kết nối người sử dụng với một nền tảng để báo cáo kết quả xét nghiệm. "Nhà cung cấp kit xét nghiệm cũng nên liệt kê hướng dẫn rõ ràng những việc cần làm tiếp theo cả khi âm tính hay dương tính", ông đề xuất.
Cơ quan Quản lý Thiết bị Y tế Malaysia nhấn mạnh kit tự xét nghiệm không có chức năng thay thế xét nghiệm PCR, nhưng ưu điểm là giúp sàng lọc ca nhiễm nhanh chóng. Chủ tịch Hiệp hội Dược sĩ Malaysia Amrahi Buang cũng lưu ý loại kit này không phải công cụ chẩn đoán, mà chỉ nhằm bổ sung cho xét nghiệm PCR và tăng tốc xét nghiệm.
Ngoài việc triển khai chiến lược tự xét nghiệm nCoV, Malaysia còn đặt hy vọng vào chương trình tiêm chủng Covid-19 toàn quốc, chiến dịch mà Thủ tướng Muhyiddin Yassin gọi là "ánh sáng cuối đường hầm". Tính đến ngày 14/7, Malaysia đã tiêm đầy đủ cho 12,3% dân số, tương đương 4 triệu người, trong khi 26,5% đã tiêm ít nhất một liều.
"Chúng tôi hy vọng nguồn cung vaccine sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, để có thể hoàn thành kế hoạch phục hồi vào cuối năm như dự kiến", Thủ tướng Muhyiddin tuần trước cho biết, thêm rằng Malaysia đang tiêm được cho hơn 421.000 người mỗi ngày và hy vọng duy trì được đà này.
"Hãy kiên nhẫn và tin tưởng rằng chúng ta có thể chiến thắng cuộc chiến này", ông kêu gọi.
Ánh Ngọc (Theo The Star, Tatler, Straits Times)