"Tôi chưa từng nghĩ sẽ rơi vào tình thế F1 bị nhốt, còn F0 lại nhởn nhơ đi lại trong nhà rồi cùng nhau ăn uống", anh Hoàng Tuấn Long, 46 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) tếu táo nói về tình cảnh hiện tại của gia đình.
Hôm 15/2, con trai học lớp 12 của anh có biểu hiện sụt sịt, ho nhẹ sau khi tiếp xúc với bạn cùng lớp là F0. Test nhanh, vợ và hai con đều dương tính, còn anh âm tính. Anh Long được yêu cầu cách ly trong phòng, sử dụng nhà vệ sinh riêng và nhường toàn bộ không gian sinh hoạt bên ngoài cho các thành viên nhiễm bệnh.
Ngày đầu cách ly, vợ anh vẫn nấu cơm vì chưa có triệu chứng của bệnh. Đồ nấu xong chia làm hai, một suất đặt trước cửa phòng F1, ba mẹ con vẫn dùng cơm tại bàn ăn. Những ngày sau anh Long thay vợ nấu. "Lúc tôi vào bếp, ba mẹ con sẽ trốn vào phòng. Nấu xong, tôi bê cơm về phòng, vợ con hồ hởi kéo nhau ra bàn ăn. Nhưng bữa nào tôi cũng mở cửa phòng, kéo mâm cơm ra sát cửa như đang ăn cùng, cho đỡ buồn", anh cười.
Cùng sinh hoạt trong không gian kín, anh Long thừa nhận "đã chuẩn bị sẵn một tâm hồn đẹp để thành F0", nhưng sau nhiều ngày anh vẫn có kết quả âm tính.
Chưa có thống kê nào về số lượng F0, F1 tại mỗi gia đình ở Hà Nội nhưng hoàn cảnh của nhà anh Long được nhiều người cho là "điều đương nhiên" khi số ca theo ngày liên tục tăng. Trước và trong Tết Nguyên đán, mỗi ngày thành phố ghi nhận xấp xỉ 3.000 ca nhiễm Covid-19, nhưng sau Tết, số ca mắc tăng cao. Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, cho biết từ 11/2 đến 16/2, trung bình mỗi ngày ghi nhận 3.366 ca bệnh. Ngày 18/2, Hà Nội lập đỉnh mới với 4.549 ca, nâng tổng số ca nhiễm lên 191.547.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội nhận định phải phân tải được bệnh nhân điều trị tại nhà, giúp giảm tải hệ thống y tế. Thống kê của Bộ Y tế đến ngày 17/2, Hà Nội có gần 149.000 bệnh nhân đang điều trị tại nhà, chiếm 96,58% tổng số ca Covid-19 đang điều trị.
"F0 điều trị tại nhà, F0 sống chung với F1 là tình thế bắt buộc ở thời điểm hiện tại, khi số ca nhiễm quá lớn. Nếu như trước đây, F0 được quan tâm, cách ly đầu tiên thì nay lại là F1", bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, nói.
Tình cảnh F0 đông hơn F1, thay vì được quan tâm, người bệnh chăm sóc người khỏe xảy ra ở nhiều gia đình. Ngày 14/2, vợ chồng chị Hồng Minh, 51 tuổi, ở quận Ngô Quyền, Hải Phòng, có kết quả dương tính với Covid-19. Minh Ánh, 16 tuổi, con gái chị, có kết quả âm tính, được yêu cầu tự khóa cửa phòng, cấm bước chân xuống tầng một.
Là F1 duy nhất trong nhà, Ánh khoe với bạn bè "cứ ngỡ đang là F0", vì ngày ba bữa đều được chuẩn bị đồ ăn đặt sẵn ngoài cửa, bát đũa ăn xong mẹ lên thu dọn. Nếu cô cần gì chỉ cần gọi điện thoại sẽ được bố đáp ứng.
"Nhiều người nói F0 nấu ăn, chăm sóc cho F1 tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ lây nhiễm, nhưng tôi không nghĩ vậy. Bởi khi nấu tôi đều đeo găng tay, khẩu trang, tuân thủ 5K và không tiếp xúc với con. Còn nếu cho con ra khỏi phòng, nguy cơ lây nhiễm còn lớn hơn, trong khi sức khỏe của vợ chồng tôi vẫn ổn, chỉ hơi đau rát họng", chị Minh bày tỏ.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng việc lây nhiễm khi sử dụng chung phòng bếp không lớn, bởi chủ yếu phải có tiếp xúc trực tiếp. "Thậm chí, dùng chung nhà vệ sinh nhưng phòng thông thoáng gió, người bệnh đeo khẩu trang, tuân thủ 5K, nguy cơ lây qua đường không khí hay chất thải cũng rất ít", ông Nga nói.
Theo ông, điều quan trọng của các gia đình F0 đông hơn F1 là người dân phải nâng cao ý thức bảo vệ và tuyệt đối tránh suy nghĩ "ai rồi cũng thành F0".
Nhưng vẫn còn những F1 buộc phải ăn, ngủ cùng F0 như chị Hoàng Minh Hiền, 36 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm. Gia đình chị có năm người, vợ chồng cùng ba con. Ngày 4/2, con gái thứ hai 6 tuổi bị sốt, test nhanh cho kết quả dương tính, bốn thành viên còn lại vẫn âm tính. Chồng chị phải cách ly cùng F0 để tiện chăm sóc. Còn con gái lớn 8 tuổi ở phòng riêng, chị Hiền và con út hai tháng tuổi cũng tự cách ly.
Một ngày sau, chị và con út cũng có kết quả dương tính, nhưng chồng và con gái lớn vẫn "một vạch". "Ban đầu vợ chồng tôi dự định đưa con lên tầng bốn cách ly riêng để "bảo vệ F1". Nhưng sợ để con một mình trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng tâm lý. Cuối cùng giải pháp đưa ra là ở chung để tiện chăm sóc", chị kể và cho biết ngoài chồng, cả ba mẹ con đều chưa tiêm vaccine.
Trong thời gian tự điều trị tại nhà theo hướng dẫn của nhân viên y tế phường, người phụ nữ 36 tuổi luôn quán triệt với bốn thành viên còn lại: luôn giữ ấm cơ thể; ăn nhiều hoa quả tươi, uống bổ sung vitamin C; mỗi ngày xông đường hô hấp 1-2 lần; ngậm chanh đào mật ong khi thấy đau, rát họng; thường xuyên theo dõi chỉ số SpO2 vì e ngại bệnh ngấm ngầm trở nặng và giữ tinh thần lạc quan, thoải mái nhất.
"Bởi chỉ có nhanh về "một vạch" mới có thể giảm áp lực và chăm sóc tốt các thành viên còn lại. Nhưng rất may dù sống cùng F0 nhưng hai bố con vẫn âm tính", chị nói và cho biết bản thân luôn giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, nhưng không chủ quan.
Tròn một tuần tự cách ly và điều trị, chị Hiền là thành viên cuối cùng có kết quả âm tính. Hiện, sức khoẻ của chị và hai con đã ổn định, cả gia đình quay trở lại cuộc sống thường ngày.
Còn với anh Long, từ khi cách ly tại nhà, anh thường xuyên chia sẻ những bức ảnh hài hước về F1 duy nhất trong nhà lên trang cá nhân, mong truyền tải những thông điệp tích cực trong những ngày dịch bệnh. "Nhưng thú thực điều tôi mong mỏi nhất là cả gia đình được đoàn tụ, có được bữa cơm đầm ấm, thay vì cảnh mỗi người một nơi", anh cười.
Tư vấn cho các gia đình có "F1 lẻ loi", bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên: "Khi sống chung, mọi người cần tuân thủ quy tắc: F1 được ưu tiên dùng đồ trước, F0 dùng sau; luôn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách là cách để hạn chế lây nhiễm.
Quỳnh Nguyễn