Ngày 8/12, vợ anh Phạm Viết Đông, ở chung cư HH3A Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV bằng xét nghiệm RT-PCR tại một phòng khám trên địa bàn quận Thanh Xuân. Nhận tin, anh lập tức báo với trưởng tầng của chung cư để thông báo cho lực lượng y tế.
Một ngày sau, toàn bộ cư dân chung tầng với gia đình anh Đông được lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 11/12, kết quả test nhanh cho thấy anh và hai con dưới 12 tuổi cũng dương tính. "Từ đó đến nay, gia đình tôi vẫn tự cách ly tại nhà. Trung tâm y tế phường không liên lạc hay hướng dẫn gì, nhất là khi hai con tôi chưa được tiêm vaccine", anh kể.
Ngoài nỗi khổ vì Covid, gia đình anh còn phải chung sống với số rác thải sinh hoạt một tuần qua chất đống trong nhà. Không ai được phép ra ngoài đi đổ rác, cũng không dám để chung với rác của cả tòa nhà do e ngại có thể lây nhiễm cho cộng đồng.
"Không có nhân viên y tế đến thu dọn riêng hoặc ai hướng dẫn tôi cách xử lý, lượng rác mỗi ngày một lớn", anh Đông nói.
Anh nói, rất thông cảm với lực lượng y tế phường bởi nhân lực ít, trong khi số ca nhiễm và ca liên quan ngày càng nhiều. "Cơ quan chức năng nên có những hướng dẫn để người dân biết cách phòng tránh hoặc hướng điều trị F0 tại nhà thay vì ngó lơ", anh Đông nói.
"Các cư dân sống cùng tầng cũng rất hoang mang, nhất là khi F0 ban đầu đã lây cho ba người khác’, anh Vũ Đình Phong, 40 tuổi, trưởng tầng nơi gia đình anh Đông đang ở, nói. Anh đã đại diện cư dân gửi đơn cầu cứu tới UBND phường Hoàng Liệt về 4 F0 không được quan tâm.
Theo anh Phong, dù cách ly tại nhà hay đi tập trung, phường cần có hướng dẫn cụ thể để người dân biết nên làm gì, rác thải y tế xử lý ra sao, cấp phát thuốc như thế nào.
"Chúng tôi là người lớn, đã tiêm hai mũi. Nhưng còn các cháu nhỏ cần được thăm nom, điều trị kịp thời. Rác thải cần được xử lý", anh nói.
Sáng 15/12, trao đổi với phóng viên VnExpress, một lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin vợ anh Đông là F0, phường đã phong toả tạm thời, cử người xuống lấy mẫu gửi Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hà Nội, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Hiện, phường đã trao đổi trực tiếp với Trung tâm y tế quận Hoàng Mai để đơn vị đôn đốc, đề nghị CDC Hà Nội trả kết quả PCR sớm đối với bốn trường hợp trên, từ đó sẽ có các biện pháp phù hợp.
Không chỉ riêng gia đình anh Đông, nhiều F0 tại Hà Nội phản ánh mất vài ngày mới nhận được kết quả xét nghiệm từ CDC. Gia đình anh Ngọc ở quận Hai Bà Trưng, có con gái 7 tuổi từng tiếp xúc với F0, test nhanh dương tính. Ngay trong ngày, cháu bé được trạm y tế phường lấy mẫu xét nghiệm PCR, nhưng ba ngày sau mới có kết quả.
"Nếu có kết quả sớm, cả gia đình tôi và những người từng tiếp xúc không phải sống trong sự thấp thỏm, lo lắng có trở thành F1, F2 hay không", anh Ngọc nói.
Được nhận kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính hôm 7/12, chỉ sau một ngày lấy mẫu, nhưng Nguyễn Quỳnh Trang, 25 tuổi, trú tại quận Đống Đa, lại mất một tuần để được đưa đi cách ly tập trung.
"Nhân viên y tế báo Bệnh viện dã chiến đang quá tải, ưu tiên bệnh nhân nặng nên tôi tạm thời cách ly tại nhà, nếu cần hỗ trợ sẽ có người đến giúp", cô nói và cho biết bản thân may mắn khi các triệu chứng của bệnh không nặng.
Trong thời gian ở nhà Trang tự tìm hiểu các kiến thức, kỹ năng khi thành F0, thi thoảng có trao đổi với nhân viên y tế phụ trách qua điện thoại. Trang tự đặt mua, đồ ăn, nhờ người sống cùng nhà đặt ngoài cửa. Riêng rác thải sinh hoạt cô buộc chặt, để tạm ngoài ban công vì không biết xử lý thế nào. "Hiện chỉ có xe thu rác thải chung cho khu dân cư, nhưng tôi là F0, không để chung đồ với mọi người, nên cứ chất đống để đó", Trang kể.
Tròn một tuần tự cách ly, ngày 14/12, cô được nhân viên y tế thông báo có 30 phút chuẩn bị và chuyển đến bệnh viện dã chiến tại Ký túc xá Đại học Thuỷ Lợi, nhưng đống rác thải ở nhà vẫn chưa có hướng xử lý.
Liên quan đến các trường hợp F0 phải ở nhà chờ để đi cách ly tập trung, một chuyên gia dịch tễ của Hà Nội khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, tự cách ly tại nhà trong bối cảnh F0 đang gia tăng. Theo chuyên gia này, Hà Nội cũng chuyển đổi tư duy từ quản lý "không Covid" (Zero Covid) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong.
"Theo thống kê, 80-85% bệnh nhân nhẹ hoặc không triệu chứng. Trong thời gian đợi kết quả xét nghiệm PCR, bệnh nhân cần bình tĩnh và tự cách ly", vị này nói và cho biết, ở nhà tự điều trị có thể còn tốt và thoải mái hơn vào khu thu dung, điều trị. Điều quan trọng là nhân viên y tế cơ sở phải biết cách điều phối, nếu F0 chuyển nặng, cần chuyển ngay tuyến trên, giảm thiểu nguy cơ tử vong.
Riêng gia đình anh Đông, đến tối 14/12, trạm y tế phường đã gọi điện hỏi thăm, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước khử khuẩn cho gia đình cũng như được hướng dẫn cách xử lý rác thải bằng cách "để riêng, có nhân viên y tế đến thu gom hàng ngày". Phường cũng cử người đến test lại để kiểm tra tải lượng virus và có hướng dẫn biện pháp phòng chống dịch. Anh cho biết, sức khoẻ bốn thành viên đã ổn định, không nhất thiết phải đến cơ sở y tế để điều trị.
Theo Sở Y tế Hà Nội, đến hết ngày 13/12, thành phố có 9.463 F0 đang được điều trị. Cụ thể, tầng 1 gồm bốn cơ sở thu dung điều trị 3.882 ca, y tế cơ sở và tại nhà hơn 3.300 ca; tầng 2 và tầng 3 là các bệnh viện đa khoa cấp huyện, bệnh viện tuyến thành phố, trung ương điều trị hơn 2.200 ca.
*Tên một số nhân vật đã thay đổi.
Quỳnh Nguyễn