"Mỗi ngày chúng tôi bê 20 vỏ bình oxy cũ ra ngoài, chuyển 20 bình mới vào thay thế. Mấy hôm trước có 3-4 F0 cùng làm, nhưng nay còn mỗi tôi và Trường", Trung, 29 tuổi, người đang điều trị Covid-19 tại khu cách ly trong doanh trại quân đội ở xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, nói. Anh cho biết thêm, tổng khối lượng bình oxy một ngày khoảng hơn hai tấn, lần nào bê xong cũng ngồi thụp xuống thở dốc.
Hôm 19/2, Trung cùng bố 66 tuổi có kết quả dương tính với Covid-19. Bố anh có bệnh cao huyết áp, phải vào phòng cấp cứu trong khu cách ly y tế, anh xin theo cùng. Phòng điều trị anh ở có 20 bệnh nhân nặng, đa phần phải thở máy.
Phòng đông người nhưng chỉ có hai nhân viên y tế và một điều dưỡng. Trung xin được hỗ trợ tình nguyện, vì các triệu chứng nhẹ. Ban đầu anh nhận nhiệm vụ theo dõi chỉ số SpO2 của người bệnh. Sau anh rủ thêm một vài F0 còn trẻ, có sức khoẻ ra vận chuyển bình oxy, đến nay đã được 7 ngày.
Giống Trung, Nguyễn Văn Trường đưa anh rể có tiền sử bệnh viêm phổi vào khu cách ly tối 20/2. Trước đó hai ngày, anh test nhanh dương tính nhưng xét nghiệm lại trong khu cách ly chỉ "một vạch".
Chứng kiến các nhân viên y tế tranh thủ giờ nghỉ trưa để chuyển từng bình oxy vào phòng bệnh, sau lại có các F0 khác ra hỗ trợ, Trường xin làm cùng. "Thấy mọi người làm, tôi cũng làm, chứ không ai ép. Ở đây là vậy, người khoẻ đỡ người yếu, cùng vượt qua khó khăn", Trường cười và cho biết việc chuyển bình oxy đa phần vào ban ngày, nhưng có lúc phải chuyển vào ban đêm vì số lượng người cần trợ thở lớn, phải thay bình liên tục.
Chàng trai 24 tuổi cho biết, cả khu cách ly có khoảng chục nhân viên y tế hỗ trợ hơn 200 bệnh nhân và người thân đi cùng. Nhân lực mỏng, họ buộc phải chia nhỏ để hỗ trợ F0. "Nhiều bác sĩ cũng là F0 mà không được nghỉ, vẫn ngày đêm gồng mình chăm sóc người bệnh", Trung nói. Nhiều lần anh rơi nước mắt khi thấy cảnh nhân viên y tế gục xuống bàn khám bệnh, dựa tạm vào tường chợp mắt vì kiệt sức.
"Chúng tôi đang bị quá tải, nên khi thấy bệnh nhân nào khoẻ, còn đủ sức là nhờ hỗ trợ. Rất may đã có những F0 như anh Trung, Trường cùng nhiều người khác", một nữ nhân viên y tế trong khu cách ly, nói.
Ông Khương Thành Vinh, Phó giám đốc Sở Y tế Nam Định, cho biết không ít các cán bộ, nhân viên y tế đã kiệt sức. Nhiều y bác sĩ trở thành F0 nhưng vẫn xin ở lại bệnh viện, khu cách ly làm việc. "Nhưng rất may mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát", ông Vinh nói.
Ngày 25/2, Nam Định ghi nhận hơn 2.500 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm trong đợt dịch thứ tư lên 44.000. Trong 14 ngày qua, số ca nhiễm của tỉnh này tăng 182%. Theo Bộ Y tế, Nam Định có 27.498 F0 đang điều trị tại nhà và 1.239 trường hợp điều trị trong bệnh viện.
Tình trạng bác sĩ F0 trị bệnh cho F0 cũng xảy ở nhiều nơi trong bối cảnh số ca nhiễm trên cả nước leo thang. Như trường hợp của bác sĩ chuyên khoa nhi Nguyễn Mạnh Cường, đang công tác tại một bệnh viện tại Hà Nội. Bác sĩ Cường có kết quả dương tính hôm 17/2 sau khoảng thời gian dài điều trị trực tiếp cho các F0 trong bệnh viện.
"Là F0, tôi có thể thoải mái tập trung vào chuyên môn, điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 thay vì nơm nớp lo sợ nhiễm bệnh", bác sĩ Cường bộc bạch.
Anh nói, do đã tiêm đủ vaccine nên các triệu chứng chỉ gồm chảy nước mũi, khó thở, mệt mỏi nhưng vẫn cố gắng duy trì tiến độ công việc. Ngoài trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân trong phòng hồi sức cấp cứu và bệnh nhi ở nơi công tác, bác sĩ Cường vẫn hỗ trợ tư vấn từ xa cho hai hội nhóm F0 tự điều trị tại nhà với hơn 220.000 thành viên.
Sau năm ngày điều trị, Trung và bố được chuyển sang phòng cách ly thường khi các chỉ số sức khoẻ và triệu chứng ổn định.
"Điều tôi lo lắng nhất là khi xuất viện sẽ không thể hỗ trợ các nhân viên y tế tại đây. Tôi chỉ mong sẽ có thêm những F0 có đủ sức khoẻ để hỗ trợ mọi người vượt qua giai đoạn khó khăn", Trung bộc bạch.
Quỳnh Nguyễn