"Tôi không nghĩ các động tác duỗi tay chân đơn giản lại giống như đang nhảy múa. Và bất ngờ hơn khi chúng truyền được năng lượng tích cực đến người xem khi chia sẻ lên mạng xã hội", Minh Trang, cô gái trong video được chia sẻ rầm rộ mấy ngày gần đây, nói với phóng viên VnExpress.
Từ ngày 3/2 (mùng 3 Tết), một loạt các mạng xã hội đăng tải đoạn clip do camera giám sát của thang máy ghi lại được cảnh Trang mặc đồ bảo hộ, thực hiện những động tác giống như một điệu nhảy và làm điệu bộ tay như thể đang thực hiện phép thuật điều khiển cánh cửa tự động mở ra.
Trên một số diễn đàn, đoạn clip thu hút hàng chục triệu lượt yêu thích, hàng triệu bình luận và chia sẻ lại. Nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ, cảm phục nguồn năng lượng tích cực của nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch trong ngày đầu năm mới.
"Đáng yêu quá. Một hình thức thư giãn giải toả tâm lý của những anh hùng áo trắng hiếm khi nào được thấy mặt", người dùng có tên Trần Trí bình luận.
Minh Trang là y tá, công tác tại khoa Hỗ trợ sinh sản và Nam học, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đảm nhiệm việc chăm sóc trẻ sơ sinh là F1, F0 xuyên Tết, từ ngày 16/1 đến 6/2.
Suốt thời gian qua, áp lực công việc của Trang và các đồng nghiệp vô cùng lớn bởi nhân lực mỏng, các bé sơ sinh là F1, F0 đông, đỉnh điểm có những lúc cơ sở tiếp nhận hơn 50 trẻ.
Nhiều ngày liền, Trang làm việc liên tục từ 6 đến 8 tiếng không nghỉ. Về đến phòng là ngồi thụp xuống ghế, "tay chân mỏi rã rời, thở không ra hơi, còn trên mặt luôn có những vết hằn lớn do mặc đồ bảo hộ". Đó là lý do cô cùng nhóm trực luôn tranh thủ lúc rảnh để thực hiện những động tác "giải phóng cơ thể, hướng cảm xúc theo hướng tích cực" thay vì ngồi ủ rũ.
Đây là năm lần đầu tiên cô gái 27 tuổi phải đón Tết xa nhà. Trang thừa nhận đó là một cái tết khó quên khi cô và các đồng nghiệp đang ngày đêm chăm sóc, điều trị cho các thai phụ và em bé F0, thay vì sum vầy bên gia đình. "Có buồn, có tủi, nhưng tôi phải gác cảm xúc cá nhân và nhanh chóng tập trung vào công việc, vì còn nhiều bệnh nhân đang chờ được hỗ trợ", cô tâm sự.
Trong thời khắc đón giao thừa tại khu chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh, Trang nói vẫn có đào, có quất, có mâm cơm để các nhân viên y tế quây quần, chúc nhau một năm mới tốt đẹp. Lãnh đạo Bệnh viện cũng chúc Tết trực tuyến, động viên thăm hỏi, quan tâm đến đời sống của mọi người.
Về phần gia đình, bố mẹ Trang rất ủng hộ con gái xung phong vào khu chống dịch ngay cả khi phải đi làm qua Tết. "Tranh thủ lúc con gái hết ca trực, tôi đều gọi điện hỏi thăm, động viên, dặn dò con phải làm việc thật tốt cũng như cố gắng giữ gìn sức khỏe. Bao giờ con về, khi ấy mới gia đình mới đón Tết", bố Trang, một bác sĩ về hưu, tâm sự.
Ngày 6/2, Minh Trang kết thúc công việc, trở về nhà và tự theo dõi sức khỏe trong vòng bảy ngày, trước khi đón cái Tết muộn với bố mẹ, người thân ở huyện Đông Anh.
"Với tôi và các đồng nghiệp, niềm vui lớn nhất trong năm mới là thấy các bệnh nhân nhí khỏi bệnh, được cùng đoàn tụ với mẹ và về bên gia đình", cô cười và cho biết hiện tình trạng sức khỏe của trẻ sơ sinh trong khu điều trị đều khả quan, nhiều bé có xét nghiệm âm tính lần hai và được ra viện. Đến ngày 4/2, ở bệnh viện chỉ còn khoảng 20 bé đang được chăm sóc.
Quỳnh Nguyễn