Tháng 5 vừa qua tôi có chuyến đi du lịch Trung Quốc. Chuyến đi này đã làm thay đổi nhiều ý nghĩ chủ quan trong của tôi. Và trăn trở về vấn đề ô nhiễm rác thải và môi trường sống của chúng ta. Trong chuyến đi tôi được tham quan Thượng Hải, Vô Tích, Tô Châu và Hàng Châu.
Tôi rất ấn tượng và thấy điểm chung của các thành phố này là rất sạch sẽ và không khí rất trong lành. Một phần có lẽ do chúng tôi đi vào cuối mùa xuân nên không khí và hoa lá còn xanh tươi. Nhưng không thể phủ nhận nước họ rất chú trọng đến vấn đề vệ sinh và bảo vệ môi trường sống.
Họ rất có ý thức, điển hình là chúng tôi đến các điểm du lịch rất đông đúc như: Bến Thượng Hải, Thái Hồ, Hàn Sơn Tự, Ô Trấn... những khu chợ đêm rất nhộn nhịp và đông đúc nhưng tuyệt nhiên không có rác thải, mùi hôi của cống thoát nước.
Những con sông nhỏ chảy trong lòng khu phố cổ Ô Trấn. Hai bên bờ kênh có nhiều nhà cổ liền kề, có rất đông người sinh sống và kinh doanh quán ăn và quà lưu niệm cho du khách, nhưng dòng kênh nước rất sạch và không có mùi hôi, từng đàn các bơi tung tăng. Người trong nhà họ mang cần ra ngồi câu cá trông rất thư thái.
Đi đến điểm nào tôi cũng chú ý đến không gian xung quanh. Nơi nào cũng có rất nhiều cây xanh và rất sạch sẽ, không có rác thải ven đường hoặc trước của nhà, những dòng sông thì nước rất trong và sạch sẽ.
Khi về nước, tôi quan sát trên đường từ sân bay về nhà. Trên mọi con đường tôi đi qua đều có rác. Rác là túi nylon, là hộp nhựa đựng thức ăn, là khẩu trang y tế, là những ly nhựa còn nguyên ống hút.
Những thứ tôi quan sát trên đường về nó đã tồn tại hàng ngày trong cuộc sống của tôi như một điều rất bình thường. Nhưng hôm đó và đến hôm nay và cả sau này tôi vẫn đau đáu trong lòng một điều: Đến bao giờ môi trường sống của chúng ta và thế hệ mai sau được cải thiện?
Để trả lời cho câu hỏi này tôi nghĩ, đây không phải việc của riêng ai. Xã hội phải đồng lòng và ý thức hơn. Ý thức ở đây không chỉ ở trường lớp, ở mỗi cá nhân của mỗi người dân mà còn từ các quy định và chế tài nếu người dân vi phạm quy định đó.
Đâu đó trên đường đi làm chúng ta thấy những đứa trẻ ngồi sau xe máy của bố mẹ với hộp thức ăn, ly nước trên tay tận dụng thời gian trên đường đến trường cho buổi ăn sáng. Những gì sau đó là một vài bé vô tư thải rác qua thành cầu hoặc lề đường, trên đường đến trường của các bé.
Trong tầng chung cư tôi ở có phòng để rác. Chủ đầu tư thiết kế có hai cánh cửa vừa để giữ vệ sinh vừa để ngăn mùi rác thoát ra ngoài. Muốn bỏ rác, cư dân phải mở hai cánh cửa này. Phía sau cánh cửa ban quản lý tòa nhà có dán lưu ý nhắc nhở cư dân phải bỏ rác đúng nơi quy định.
Tuy nhiên mỗi lần đi bỏ rác, tôi đều thấy ít nhất vài ba túi không cột miệng được vứt ngay phía sau cánh cửa đầu tiên, có hôm nước bẩn chảy lênh láng, bốc mùi khó chịu.
Có hôm tôi tận mắt chứng kiến một anh còn trẻ nhà đối diện nhà tôi co chân đạp vào cánh cửa phòng rác để tạo khe hở và vứt túi rác vào ngay sau cánh cửa đầu tiên mà không cho vào thùng rác.
Vài điều tôi nêu trên đây không chỉ nơi tôi ở mà nó tồn tại hàng ngày xung quanh chúng ta. Nếu không tự ý thức không tự giác thì môi trường sống của chính chúng ta ngày càng ô nhiễm trầm trọng hơn
Tôi không nghĩ tự mỗi người dân Trung Quốc tự ý thức giữ gìn vệ sinh chung mà không có quy định và sự chế tài của pháp luật. Vì vậy đã đến lúc có những chế tài mạnh mẽ để người dân tự giác nâng cao ý thức của mình.