Marathon (42,195km) luôn là thử thách khó nhằn với các runner, đặc biệt là những người lần đầu chinh phục cự ly này. Lần chạy marathon đầu tiên thường không như kế hoạch và runner sẽ phải tự rút ra kinh nghiệm.
Vượt qua cảm giác muốn bỏ cuộc. "Chưa có lần chạy marathon nào mà tôi không muốn bỏ cuộc", Teal Burrell, runner nhà nghề từng dự thi hai đợt tuyển chọn VĐV Mỹ dự Thế vận hội 2016 và 2020, nói. Burrell chạy marathon từ khi còn học cao đẳng và đạt thành tích sub4 ngay lần đầu. Đến giờ, cô đã 18 lần đua cự ly này, với kỷ lục cá nhân là 2 giờ 39 phút 11 giây.
"Ai rồi cũng chật vật xoay xở với cuộc chiến tinh thần, rằng 'việc này thực sự khó, mình sẽ không thể vượt qua'", nữ runner 37 tuổi, đang sống tại Richmond, Virginia, chia sẻ. "Tôi ước mình đã biết điều đó. Nó giống như chân lý chung của giới chạy marathon".
Julie Sapper là HLV chạy bộ được chứng nhận bởi Road Runners Club of America (RRCA) - hiệp hội chạy bộ lâu đời nhất của Mỹ. Giống Burrell, cô cũng ước bản thân biết trước cuộc chiến tin thần khi dự Marine Corps Marathon năm 2000. "Trong cuộc đua, tôi bị bất ngờ bởi cơn đau. Tôi chưa từng trải nghiệm cảm giác khó chịu như vậy trong cuộc đời, khiến tôi có chút sợ hãi", Sapper nói. "Giờ đây, tôi hiểu rằng đó là một phần trải nghiệm khi chạy marathon".
Tránh hưng phấn thái quá vì sức nóng từ đám đông. Annie Frisbie, 25 tuổi, về thứ bảy nội dung nữ tại giải New York City Marathon 2021 với thành tích 2 giờ 26 phút 18 giây. Nhìn lại quá khứ, dù hài lòng với lần chạy marathon đầu đời, runner 25 tuổi nhận ra rằng cô đã không chuẩn bị tinh thần cho sự cổ vũ từ khán giả. Khi đó, âm thanh từ đám đông đã kích thích Frisbie tăng tốc, đẩy cô ra khỏi vùng phù hợp.
"Tôi ước mình biết trước đám đông sẽ truyền năng lượng cho mình thế nào", Frisbie nói. "Tôi đã có chút phấn khích tại một số đoạn nhất định trên đường chạy. Điều tôi học được là đừng quá phấn khích, cố gắng giữ năng lượng bởi bạn sẽ cần sức lực đó cho 10 km cuối".
Sau khi không đạt thành tích như mong đợi trong một giải chạy marathon năm 2016, Meb Keflezighi, từng đoạt HC bạc Olympic Athens 2004, quyết định giải nghệ. Runner 47 tuổi nói anh hiểu mình đã thiếu kiên nhẫn, không giữ sức đúng cách. Thay vì bình tĩnh chạy cho đến km thứ 32 như HLV đề xuất, Keflezighi đã tăng tốc nhằm vượt lên dẫn trước.
"Hãy kiên nhẫn. Đến mốc 16 dặm (gần 26 km), bạn vẫn còn 10 dặm (hơn 16 km) nữa. Khi đến mốc 32 km, bạn sẽ đối mặt nhiều nguy cơ hơn. Hãy bùng cháy trong 10 km cuối", Keflezighi đưa ra lời khuyên.
Chuẩn bị sẵn 'thần chú'. Amby Burfoot, vô địch Boston Marathon 1968 và là cựu biên tập viên Runner’s World, không tin vào sức mạnh tinh thần khi chạy marathon trong những năm ông còn trẻ. Giờ đây, ở tuổi 76 và đã nghỉ hưu, ông đã hoàn thành gần 80 giải chạy marathon và khuyến khích các runner sử dụng "thần chú". Nghiên cứu chỉ ra rằng những lời tự động viên, khích lệ trong lúc tập luyện có thể cải thiện thành tích.
"Cuộc đua là thử thách cả về thể chất lẫn tinh thần", Burfoot nói. "Do đó, tôi khuyên mọi người hãy tìm ra câu thần chú của riêng mình, thử trước để sẵn sàng áp dụng khi cần".
Với Burfoot, câu thần chú của ông là "nỗi đau chỉ tạm thời, danh dự là vĩnh viễn".
"Tôi chắc rằng có nhiều runner khác cũng có suy nghĩ tương tự để giúp đôi chân của họ tiến về phía trước", runner kỳ cựu nói thêm.
Quy tắc 20 độ. Tony Reed từng mặc quần áo nỉ thể thao, đeo găng tay và đội mũ khi đứng trước vạch xuất phát Cowtown Marathon 1982 ở Fort Worth, Texas. Sáng hôm đó, nhiệt độ ngoài trời hơn 4 độ C, Reed nhớ lại. Nhưng sau khi chạy được hơn 3 km, ông bắt đầu cởi bớt đồ trên người.
"Hãy nhìn vào nhiệt độ ngoài trời vào thời gian ước tính sẽ về đích, sau đó cộng thêm 20 độ, từ đó bạn sẽ biết mình cần mặc đồ như thế nào", Reed giờ đây là HLV chuyên nghiệp của RRCA, nói. Tuy nhiên, quy tắc này có thể thay đổi tùy theo tốc độ của runner.
Tiếp nước phù hợp. Betsy Balgooyen Keller học được một điều từ giải Chicago Marathon 2000 là các trạm tiếp nước trên đường chạy rất bận rộn và đông người. Runner đứng dồn lại để lấy nước lọc hoặc điện giải. Họ đổ nước thừa và thả cốc lăn lóc trên đường chạy.
Giờ đây, Keller thường mang theo một chai nước dùng một lần để uống trong những kilomet đầu tiên trước khi vứt bỏ.
"Bạn có thể tránh được sự hỗn loạn tại những trạm tiếp nước và sử dụng nước của riêng mình", cô nói. Nữ runner cảnh báo khu vực quanh trạm tiếp nước có thể rất trơn trượt và các vận động viên cũng cần cẩn thận khi di chuyển qua đây.
Với Gene Demby, sự phấn khích khi tham gia marathon lần đầu tiên tại New York City Marathon 2010 đã khiến anh bỏ qua một số trạm tiếp nước. Điều này đã vi phạm kế hoạch của anh là phải tiếp nước thường xuyên. "Tôi không nên hành động tùy tiện trong ngày đua. Tôi lẽ ra phải tuân thủ theo kế hoạch".
Ăn mừng thành quả. Lần đầu tiên về đích khi chạy marathon là khoảnh khắc rất đặc biệt, đáng để mọi runner tận hưởng và ăn mừng thành quả sau quá trình tập luyện."Lần về đích đầu tiên rất đặc biệt bởi bạn không có kỳ vọng gì", Sapper nói. "Với những người đang tập luyện để chạy marathon, đó là trải nghiệm chỉ có một lần trong đời, bởi vì đó là lần đầu tiên và vì đây là điều bạn chưa từng làm trước đó, không mang kỳ vọng gì ngoài làm hết sức mình".
Thùy Linh (theo Washington Post)