BS.CKI Lê Thị Trúc Phương, Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết vaccine Gardasil 9 ngừa HPV đã được mở rộng chỉ định, tiêm chủng cho người đến 45 tuổi, thay vì giới hạn đến 26 tuổi như trước. Tuy nhiên, thông tin về hiệu quả vaccine, cách hiểu đúng về độ tuổi tiêm, phác đồ tiêm chủng... chưa được phổ biến. Bác sĩ Phương đã tổng hợp và giải thích cụ thể hơn 5 điều cần biết về mũi tiêm ngừa dành cho người 27-45 tuổi.
Hiệu quả vaccine
Trong các nghiên cứu lâm sàng, vaccine cho thấy sinh miễn dịch tốt vào tháng thứ 7 sau tiêm ở nhiều nhóm tuổi, trong đó có nhóm 27-45. Về hiệu quả chung, mũi tiêm có khả năng bảo vệ, ngăn ngừa HPV chủng nguy cơ cao lên tới hơn 90%.
Bên cạnh đó, nhóm 27-45 tuổi thường xuyên sinh hoạt tình dục nên có khả năng nhiễm hoặc tái nhiễm các chủng virus. Vì vậy, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt và mở rộng tuổi tiêm ngừa từ năm 2018.
Phác đồ tiêm
Theo thông tin từ nhà sản xuất, người từ 27-45 tuổi cần tuân thủ phác đồ 3 mũi vào tháng 0-2-6 kể từ mũi đầu và không cần tiêm nhắc. Các nghiên cứu cho thấy vaccine giúp sinh miễn dịch tốt, nồng độ kháng thể duy trì ở mức cao. Hiệu quả bảo vệ được nhìn thấy lên đến 30 năm.
Giới hạn tuổi tiêm
Vaccine được tiêm cho người 9-45 tuổi, tức là tối thiểu đủ 9 tuổi và người chưa qua sinh nhật tuổi 46. Nếu đã bước qua sinh nhật 45 tuổi vài ngày, mọi người vẫn nằm trong độ tuổi được tiêm ngừa.
Thời điểm tiêm chủng
HPV lây truyền qua đường tình dục, từ mẹ sang con và thông qua các vật dụng chứa chất tiết của người bệnh như khăn tắm, đồ lót, dụng cụ thăm khám nam, phụ khoa... Do đó, cơ quan chuyên môn không đưa ra khuyến cáo về mùa bệnh cụ thể cần tiêm ngừa. Thay vào đó, "mũi tiêm tốt nhất là mũi tiêm sớm nhất", mọi người nên tiêm vaccine sớm theo chỉ định của bác sĩ để bảo vệ bản thân.
Bên cạnh đó những người đã nhiễm một hoặc vài chủng HPV, vẫn có thể tiêm ngừa để giúp phòng các chủng virus khác trong số 9 chủng nguy cơ cao như 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52, 58. Trường hợp nhiễm HPV cấp tính, đang điều trị, cần tham vấn thêm ý kiến bác sĩ chuyên khoa để theo dõi tình trạng bệnh và tiêm ngừa khi bệnh ổn định.
Chống chỉ định
5 trường hợp không được tiêm ngừa, gồm: người dị ứng với bất kỳ thành phần, hoạt chất, tá dược có trong vaccine; người có phản ứng quá mẫn cảm sau khi tiêm mũi HPV trước đó; người đang bị sốt cao cấp tính, nhiễm trùng ở cấp độ vừa hoặc nặng; người bị giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc làm loãng máu; phụ nữ mang thai.
Trong đó, người bị rối loạn đông máu và các tình trạng cấp tính như sốt cao, tiêu chảy nặng có thể tiếp tục tiêm ngừa nếu bệnh được điều trị ổn định. Phụ nữ cần ngừa thai tối thiểu 1 tháng sau khi hoàn thành phác đồ. Trường hợp phát hiện mang thai khi chưa hoàn thành phác đồ, cần bình tĩnh, theo dõi tại bác sĩ chuyên khoa và có thể tiếp tục tiêm ngừa sau khi sinh con.
Nhật Linh