Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết HPV là nguyên nhân gây mụn cóc sinh dục, tổn thương tiền ung thư diễn tiến đến ung thư ở nhiều vị trí như cổ tử cung, âm hộ, âm đạo ở nữ; ung thư dương vật ở nam giới và ung thư hầu họng, hậu môn ở hai giới. Đường lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục, khiến nhiều người cho rằng không quan hệ tình dục, chỉ hôn môi... sẽ không có nguy cơ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, đây là cách hiểu chưa đúng, được bác sĩ Chính giải thích sau đây.
HPV chỉ lây qua đường tình dục
Theo bác sĩ Chính, quan hệ tình dục là đường lây phổ biến nhất của HPV, không có nghĩa là virus chỉ có một phương thức lây truyền. Người không quan hệ tình dục vẫn có nguy cơ nhiễm virus này khi dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn tắm, đồ lót, sử dụng chung các thiết bị thăm khám phụ khoa, nam khoa... Năm 2017, Bộ Y tế ghi nhận hàng chục bé trai ở Hưng Yên đã bị lây bệnh sùi mào gà do cắt bao quy đầu ở một phòng khám tư.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng chỉ sử dụng tay để thực hiện các hành vi tình dục sẽ giúp ngăn lây nhiễm HPV. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy biện pháp này hiệu quả. Ngược lại, các nghiên cứu chỉ ra mầm bệnh có thể truyền từ bộ phận sinh dục đến bàn tay, xâm nhập vào cơ thể, song ở mức thấp.
Ngoài ra, HPV có thể tồn tại nhiều ngày ở các kẽ ngón tay, móng tay, hay các bề mặt tiếp xúc công cộng khác. Do đó, dù rất hiếm gặp, HPV có thể lây nhiễm qua đường tiếp xúc qua bề mặt bồn cầu, tay nắm cửa ở những khu vực công cộng khi không được vệ sinh kỹ...
Hôn môi sẽ không nhiễm HPV
Một số nghiên cứu phát hiện HPV trong nước bọt với nồng độ thấp hơn. Khi hôn, virus có thể xâm nhập vào vùng niêm mạc của miệng và lây truyền virus cho bạn tình, nguy cơ cao hơn nếu có vết xước ở miệng hay chảy máu chân răng. Vì vậy, việc hôn môi, quan hệ tình dục bằng miệng cũng có tỷ lệ thấp nhiễm HPV.
HPV chỉ lây từ người mắc sùi mào gà
Có gần 200 chủng HPV khác nhau, trong đó khoảng 40 chủng nguy cơ cao gây ra các bệnh ở bộ phận sinh dục. Virus có thể xuất hiện ở những người không có biểu hiện nhiễm, bên cạnh người mắc sùi mào gà. Các triệu chứng nhiễm thường mờ nhạt, một số chủng nguy cơ cao gây ung thư và tồn tại dai dẳng trong cơ thể. Vì vậy, mọi người cần chủ động phòng HPV từ nhiều nguồn khác, thay vì chỉ tập trung phòng lây nhiễm virus từ người mắc sùi mào gà.
HPV không lây từ mẹ sang con
Các nghiên cứu chỉ ra HPV có thể lây truyền theo đường dọc từ mẹ sang con, song tỷ lệ thấp. Nếu mẹ bầu nhiễm HPV, trẻ sơ sinh có nguy cơ lây nhiễm virus từ mẹ trong quá trình mang thai và sinh con, đặc biệt tỷ lệ trẻ tiếp xúc với virus cao hơn nếu sinh thường.
Việc trẻ sơ sinh lây nhiễm HPV từ mẹ không quá nguy hiểm do cơ thể em bé có khả năng thải loại virus này. Tuy nhiên, vẫn có một số ít trường hợp trẻ bị mụn cóc ở cổ họng hoặc đa bướu gai đường hô hấp, ảnh hưởng đến đường thở.
Nếu phụ nữ mang thai nhiễm các chủng HPV nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung, cần theo dõi sức khỏe trong suốt thai kỳ để giám sát thay đổi của biểu mô cổ tử cung. Nếu biểu mô cổ tử cung tăng sinh trong thời kỳ mang thai, mẹ bầu có nguy cơ chuyển dạ sớm. Do đó, để bảo vệ sức khỏe mẹ và thai nhi, phụ nữ cần hoàn thành lịch tiêm vaccine HPV trước khi mang bầu.
HPV không tồn tại trên vải vóc
Ngược lại, HPV có thể sống nhiều ngày trên các bề mặt như quần áo, vật dụng vệ sinh cá nhân, thiết bị phụ khoa. Virus tồn tại trong nước, có thể lây nhiễm sau 7 ngày (kể cả khi ở môi trường khô) với tỷ lệ 30%. Do đó, việc dùng chung khăn tắm, giặt chung đồ lót cũng làm tăng nguy cơ tiếp xúc mầm bệnh.
Thực tế, một số trường hợp nhiễm HPV dù chưa quan hệ tình dục, thường xuyên dùng chung khăn tắm, giặt chung đồ với nhiều người, giặt quần áo bẩn chung với đồ lót...
Tổng kết, bác sĩ Chính nhấn mạnh rằng đường lây nhiễm HPV rất đa dạng nhưng âm thầm và dai dẳng. Đa phần các chủng HPV là lành tính, tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ nhất định người nhiễm HPV có thể gặp vấn đề liên quan đến mụn cóc sinh dục tái đi tái lại gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bên cạnh đó, một số trường hợp nhiễm HPV nguy cơ cao có thể diễn tiến thành các tổn thương tiền ung thư và ung thư. Hơn thế nữa, nguy cơ nhiễm virus không giảm theo độ tuổi hoặc giới tính.
Từ đây, bác sĩ khuyến cáo mọi người nên chủ động phòng bệnh mọi lúc, thay vì chỉ chú ý nhóm có biểu hiện bệnh hoặc các hành vi tình dục cụ thể. Cách hiệu quả nhất để phòng ngừa HPV gồm tiêm vaccine HPV, thực hiện lối sống lành mạnh, quan hệ tình dục an toàn với bao cao su, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục. Mọi người không sử dụng, giặt chung đồ dùng cá nhân. Trong đó, biện pháp vaccine được bác sĩ Chính nhấn mạnh do giúp tạo miễn dịch chủ động đối với các chủng HPV có nguy cơ cao gây bệnh.
Mộc Thảo
Hiện Hệ thống tiêm chủng VNVC với 175 Trung tâm trên toàn quốc có đầy đủ hai loại vaccine phòng các chủng HPV nguy cơ cao gây bệnh gồm Gardasil và Gardasil 9 (Mỹ). Trong đó, Gardasil 9 phòng 9 chủng HPV (6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58) được tiêm cho người từ 9 tuổi đến 26 tuổi với hiệu quả bảo vệ đến 94%. Người từ 9-14 tuổi chỉ cần tiêm 2 mũi và sau tuổi này cần tiêm 3 mũi. Gardasil phòng 4 chủng HPV (6, 11, 16, 18) dành cho nữ giới 9-26 tuổi.
Khách hàng tiêm chủng tại VNVC hoặc người dân có thể tra cứu lịch sử tiêm chủng, tìm hiểu các loại vaccine phù hợp, nhiều thông tin quan trọng về tiêm chủng qua App VNVC để có được các thông tin khoa học, đầy đủ, không bỏ lỡ lịch tiêm và nhận được nhiều ưu đãi hấp dẫn.