Sáng cuối tuần, chị Lê Thị Tuyết Vân, 36 tuổi, tỉnh giấc khi đồng hồ đã điểm 10 giờ. Trong ngôi nhà nằm cách thành phố Frankfurt 50 km, người phụ nữ Việt vào bếp làm bún bò cho bữa sáng của hai vợ chồng. Xong bữa, anh Tomas Dinh Chi ra vườn nhổ cỏ, xới đất, chị thu hoạch thùng rau cải, nhặt sạch để sẵn cho bữa chiều. Cuối ngày, họ nghe nhạc, xem phim.
Trong câu chuyện của cặp vợ chồng Việt không hề có từ Covid-19 - dịch bệnh đang khiến cả thế giới ngoài kia điên đảo.
Hạn chế nhắc đến Covid -19 là cách anh Dinh Chi giúp vợ vượt qua căng thẳng vì phải ở nhà phòng dịch hơn một năm qua. "Hơn 40 năm sống ở đất nước này, tôi chưa bao giờ thấy cuộc sống xáo trộn như vậy", anh chồng nói.
Tháng 2/2020, vợ chồng chị Vân đang đi du lịch Italy. Nhìn thấy khách Trung Quốc đeo khẩu trang khi đến đây, anh Chi vừa thấy rất lạ lẫm. "Liệu con virus có sang được đây không nhỉ?", vợ anh đặt câu hỏi. "Làm sao ở tận Trung Quốc mà sang được đây hả em?", anh chồng lạc quan.
Nhưng chỉ vài tuần sau khi rời Italy, tin hàng nghìn người nước này nhiễm virus nCoV dồn dập xuất hiện trên truyền thông. Đức cũng bắt đầu xuất hiện ca nhiễm khiến hai vợ chồng hoảng hồn. Như mọi người, chị Vân đeo găng tay, lao ra siêu thị mua đồ ăn để tích trữ. "Tôi đi từ 8h sáng đến tận 2h chiều, mất hai ngày liền, mới mua đủ đồ ăn cho ba tuần. Thực phẩm và giấy vệ sinh kệ nào cũng trống rỗng. Người Đức vốn văn minh mà lúc ấy cũng xuất hiện tình trạng chen lấn, giành giật", chị kể.
Khẩu trang, nước rửa tay trở thành mặt hàng khan hiếm bậc nhất đất nước này. Chị Vân vội vàng lôi cái máy may cũ của chồng ra tính chuyện tự may khẩu trang vải. Nhưng vừa đạp chân, cái máy đã hỏng. Chị lên mạng đặt máy mới, hai tuần sau mới có. Đến khi có máy may, vải cũng khó mua. Chị Vân kết nối với một số người bạn Việt Nam ở Đức để nhờ họ cung cấp vải. Ngoài may khẩu trang cho mình và bạn bè người Việt, chị còn làm thêm hàng trăm cái cho viện dưỡng lão gần nhà. "Cái khẩu trang tôi may sơ sài, xấu xí thế mà nhận ai cũng vui mừng và cảm động", chị kể.
Cơn ác mộng đến khi hai vợ chồng bắt đầu ốm, sốt. Cứ khoảng 30 phút chị Vân lại đo thân nhiệt một lần, bụng dạ bồn chồn, nóng như lửa đốt. May anh Dinh Chi quen biết nhiều bạn bè là bác sĩ nên nhờ tư vấn. Biết mình không mất khứu giác, vị giác, không đau mỏi như biểu hiện của người nhiễm nCoV, anh trấn an để vợ yên tâm.
Nhưng khoảng tháng 4, toàn nước Đức phong tỏa khi người nhiễm bệnh ngày một tăng. Dạo đó, chị Tuyết Vân gần như không ngủ. Cứ cầm điện thoại lên là xem tin tức về dịch bệnh. Các clip người chết ở Italy, cảnh quá tải trong bệnh viện... bạn bè liên tục gửi về điện thoại. Càng xem chị càng sợ. Thậm chí, một người bạn làm nhà hàng mà chị quen biết, đã trầm cảm vì ở trong nhà nhiều nên uống thuốc ngủ tự vẫn. Người này không chết nhưng luôn miệng nói: Sao bắt tôi sống, tôi không muốn sống.
Thông tin tiêu cực ập đến khiến Vân ám ảnh. Đêm nào chị cũng giật mình thức giấc, mở điện thoại chỉ để biết bao nhiêu người chết. Người phụ nữ Việt hay nghĩ tới cảnh mình hoặc chồng nhiễm bệnh.
"Tôi khóc cả đêm khi tưởng tượng mình chết mà không được đưa xác về Việt Nam. Rồi tôi lại nghĩ mình sang đây là vì có chồng, lỡ anh nhiễm bệnh rồi chết, tôi bơ vơ xứ người biết sống sao", chị hồi tưởng. Lúc đó, rất nhiều người Việt ở Đức tìm đường về nước tránh dịch. Xáo trộn quanh mình khiến dạ dày Vân đau quặn vì lo. "Em là người đứng tên nhà cửa ở quê, nếu lỡ em chết ở đây thì sao?", chị lo lắng nói với chồng. "Nếu sợ thì viết di chúc đi!", anh Dinh Chi nói với vợ, giọng hơi dằn dỗi.
Những ngày này, anh chồng là chuyên gia công nghệ thông tin vẫn phải làm việc tại nhà. Áp lực công việc cộng với một người vợ suốt ngày than thở, lo lắng khiến anh stress theo.
"Hai vợ chồng cãi nhau vì những chuyện rất nhỏ. Khi tôi nhận xét món này, món kia không ngon thôi là cô ấy cáu gắt. Chiến tranh lạnh một tuần là nguyên tuần cô ấy để tôi ăn bánh mỳ, không nấu nướng gì hết", anh Dinh Chi kể. Anh khuyên vợ đi dạo cùng mình quanh con đường vắng dẫn vào rừng để giảm căng thẳng, nhưng chị Vân "sợ chết không ra khỏi nhà".
Chị vợ bắt đầu xuất hiện triệu chứng ngứa khắp mặt rồi lan khắp cơ thể. Đến bác sĩ da liễu, chị được kết luận dị ứng do ở trong nhà quá lâu, dùng lò sưởi nhiều, thiếu ánh nắng mặt trời và căng thẳng dài ngày.
Xác định dịch bệnh còn phức tạp và cuộc sống trong nhà còn dài, anh Dinh Chi quyết định "ra luật lệ" mới: Từ nay, hai vợ chồng không xem tin tức về Covid-19, chỉ xem phim, nghe nhạc, chương trình giải trí. Em thích gì thì nên tập trung vào thứ đó, hãy quên dịch bệnh đi. Anh cũng đề nghị vợ ngừng trò chuyện với bạn bè về dịch bệnh.
Nghe lời chồng, khi thời tiết ấm lên, chị Vân đặt mua thùng xốp trồng các loại rau Việt như hành, ngò, rau thơm, cải, bầu, bí... kín ba ban công. Cô vợ Việt nấu nồi nước phở lớn, chia thành từng bịch, mỗi bịch khoảng hai tô trữ tủ đá, làm chả giò, chả cá, thái thịt tích trữ trong tủ với mục tiêu chế biến đủ các món Việt để anh chồng chỉ quen món Âu tập ăn. Mỗi sáng, chị ra vườn vun xới cây, làm cỏ, hái quả. Chị quay clip làm YouTube, chia sẻ công thức nấu ăn trên mạng xã hội.
Nhờ quãng thời gian nhàn rỗi vì dịch, người phụ nữ Việt giỏi bếp núc có dịp chia sẻ kỷ niệm nấu tiệc cưới cho 30 vị khách Đức hay chuyện tình cổ tích của mình và chồng. Mỗi chiều, hai vợ chồng đi dạo quanh con đường vắng dẫn vào rừng. Bệnh dị ứng của Vân thuyên giảm dần khi chị ăn ngủ điều độ, bớt lo nghĩ.
Từ khi phát hiện những bệnh nhân Covid-19 đầu tiên đến nay, nước Đức đã trải qua ba đợt phong tỏa, lần dài nhất kéo dài đến nửa năm, từ tháng 11/2020 đến tháng 5 năm nay. Sau đợt đầu hoang mang, vợ chồng chị Vân đã biết cách cân bằng cuộc sống, dù có ngày số ca nhiễm lên đến 30.000. Giữa các đợt mở cửa trở lại, anh Dinh Chi vẫn làm việc ở nhà. Chị Vân chỉ đi chợ mua đồ ăn cho gia đình, hạn chế nơi đông người.
Giữa tháng 6, châu Âu như bừng tỉnh sau giấc ngủ dài, khi chính phủ các nước nới lỏng đi lại trong khu vực. Vợ chồng chị Vân tranh thủ đi tắm nắng ở Tây Ban Nha, ngắm hoa anh đào nở cách nhà 100 km cho bõ những ngày "ở nhà phòng dịch".
Khi các ca nhiễm ở Việt Nam tăng mạnh, người phụ nữ Việt ở châu Âu trở thành "chuyên gia tư vấn" cho người thân và bạn bè nơi quê nhà. "Sống trong vùng dịch thì phải luôn cẩn trọng, tuân thủ nguyên tắc phòng chống, nhưng đồng thời tìm cho mình những mối bận tâm có ích để quên nó đi. Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến một người, một quốc gia mà cả thế giới, nên hãy học cách sống chung với nó mà không hoang mang", người phụ nữ Việt chiêm nghiệm.
Phạm Nga