Các luật sư chuyên về ly hôn của Trung Quốc cho biết, họ đã nhận được rất nhiều đơn yêu cầu từ các cặp vợ chồng đã nộp đơn lần 1 sau khi hết hạn 30 ngày. Ở một số thành phố như Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, nhu cầu tham vấn với các luật sư ly hôn cao đến mức các cơ quan này sử dụng thêm hình thức trực tuyến tính phí giá cao để giúp đỡ các cặp vợ chồng.
Zhong Wen - một luật sư ly hôn tại tỉnh Tứ Xuyên cho biết, ông đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại từ khách hàng - đa phần bày tỏ sự lo ngại luật mới làm phức tạp thêm các thủ tục ly hôn của họ và ảnh hưởng đến quyền tự do chia tay của vợ chồng. Điều luật mới này quy định, nếu một bên rút khỏi thỏa thuận ly hôn trước 30 ngày, đơn đó sẽ bị hủy bỏ, bên kia phải nộp đơn lại và bắt đầu chờ đợi tiếp 30 ngày, hoặc khởi kiện ly hôn - một quá trình rất tốn kém và kéo dài.
Vị luật sư cho biết, ngay cả trước khi luật "30 ngày hạ nhiệt" được đưa ra, đã có khá nhiều trường hợp "một bên thay đổi ý định". Giờ đây, với luật mới, quá trình ly hôn sẽ càng phức tạp.
Khi luật này được quốc hội Trung Quốc thông qua tháng 5 năm ngoái, nhiều người dân cho rằng chính quyền can thiệp quá sâu vào các vấn đề riêng tư. Hơn 600 triệu bình luận trực tuyến với hashtag "phản đối luật 30 ngày hạ nhiệt" (oppose divorce cooling-off period). Sự việc cũng gây ồn ào lớn trên mạng xã hội, khi nhiều người dùng Internet đặt ra câu hỏi: Liệu có phải người Trung Quốc không còn quyền tự do ly hôn nữa hay không?
Trong khi đó, nhà chức trách Trung Quốc tin rằng luật này sẽ làm giảm tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc, vốn đang tăng nhanh, đồng thời ngăn chặn những cuộc "ly hôn bốc đồng" trong giới trẻ.
Tỷ lệ ly hôn của Trung Quốc tăng đột biến, đặc biệt trong giai đoạn phong tỏa để ngăn chặn Covid-19 lan tràn. Năm 2019, 4,7 triệu cặp vợ chồng đã ly hôn, trong khi con số này vào năm 2003 là 1,3 triệu cặp.
Ran Keping - giáo sư luật tại Đại học Vũ Hán - nhận định: "Mặc dù ly hôn là quyền tự do của mỗi cá nhân, nhưng tỷ lệ ly hôn cao sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của đất nước".
Đặc biệt, luật mới không cho phép đơn phương ly hôn với lý do "là nạn nhân của bạo lực gia đình". Luật sư Zhong cho biết, luật sẽ gây bất lợi cho phụ nữ, đặc biệt là những người không có nguồn thu nhập độc lập. "Nếu một người phụ nữ muốn và người đàn ông không muốn ly hôn, người phụ nữ sẽ phải nộp đơn kiện, thuê một luật sư với chi phí không nhỏ. Nhiều phụ nữ - đặc biệt là những người chỉ làm nội trợ - không có đủ năng lực tài chính để làm việc này", Zhong nói.
Zhong gợi ý, các cặp vợ chồng có thể tránh được sự chậm trễ trong việc giải quyết ly hôn bằng cách nộp đơn xin hòa giải thay vì đệ đơn ly hôn. Trong hòa giải, nếu hai bên đạt được thỏa thuận ly hôn, tòa án sẽ ban hành một văn bản có giá trị tương tự như quyết định ly hôn.
Quyền kết hôn và ly hôn của công dân Trung Quốc từ lâu đã trở thành vấn đề tranh luận của công chúng. Tháng 12/2020 - vài tuần trước khi luật mới chính thức có hiệu lực, một phụ nữ ở tỉnh Thiểm Tây đã đệ đơn ly hôn với ly do "bị chồng đánh đập trong 40 năm". Tuy nhiên, thẩm phán từ chối cho ly hôn và nói rằng cặp đôi đã bên nhau 40 năm, do đó "họ sẽ cần nhau trong những năm cuối đời". Thẩm phán cho rằng người vợ nên trân trọng hạnh phúc khó kiếm được của mình trong những năm tháng sau này.
Thùy Linh (Theo SCMP)