"Không còn gì có thể ngăn cách hai đứa mình nữa", Alan Nguyễn thủ thỉ bên tai vợ, trưa 7/2.
Đôi uyên ương quen nhau từ năm 2016, khi đó Tú làm cho một công ty quảng cáo ở Sài Gòn còn Alan là một chuyên gia an ninh mạng ở bang Pennsylvania, Mỹ. Họ kết hôn tháng 11/2019. Hai ngày sau cưới, chú rể phải về nước.
Do trục trặc giấy tờ nên Tú chưa thể theo chồng sang Mỹ. Covid-19 khiến quá trình làm thủ tục bị trì hoãn. Trong năm 2020, đôi vợ chồng chấp nhận xa nhau như một lẽ tự nhiên bởi hầu hết các quốc gia đều đóng cửa.
Sang năm 2021, họ sống trong niềm hy vọng chắc sắp được đoàn tụ. Rất nhiều lần với các thông tin mở lại đường bay, khiến họ mừng hụt. "Tinh thần chúng tôi liên tục lên rồi rớt xuống", Alan, 34 tuổi giãi bày. Cuối năm, khi Thái Lan, Campuchia mở cửa đón khách du lịch quốc tế, cặp vợ chồng dự định sẽ qua một trong hai nước để gặp nhau. Ngay sau đó có tin Việt Nam mở đường bay thương mại với Mỹ, cả hai lại dấy lên hy vọng. Hóa ra thời điểm này chỉ có các chuyến bay charter đắt đỏ hoặc dành cho các công dân Việt Nam mắc kẹt, các chuyên gia. "Tìm kiếm thông tin chính thức ở đâu, làm thủ tục hồ sơ thế nào thực sự là thử thách tinh thần. Chúng mình phân vân không biết nên ra nước ngoài gặp nhau hay đợi tiếp", Thanh Tú, 30 tuổi, chia sẻ.
Gần cuối tháng 1, cô hay tin chính phủ có quyết định mở các chuyến bay cho Việt kiều về thăm thân, ăn Tết. Cùng lúc, cô được thêm vào một nhóm về Việt Nam bằng con đường miễn thị thực. Tú báo cho chồng, dù lúc đầu cả hai còn bán tín bán nghi. Ban ngày cô canh thông tin mới và hỏi han chị em trong các hội nhóm. Ban đêm cô bàn bạc với chồng đường đi, thủ tục, những khó khăn cần lường trước, cũng như sắp xếp công việc và cuộc sống ở Mỹ ra sao trong thời gian về Việt Nam.
Con đường săn vé cũng quá gian nan. Họ hí hửng book vé 1.500 USD, nhưng lỗi web, sau đó giá vé vọt lên đến 8.000 USD. Cả hai đảo khắp các trang của Mỹ, Nhật, Singapore... giá vé đều dao động từ 3.000 USD đến 4.000 USD mà vẫn không có chuyến cho tới tháng 3.
"Tôi đã muốn bỏ cuộc, may sao chồng tìm được chuyến bay có 1.800 USD trong trang giá rẻ, bù lại phải bay tận 44 giờ, xuất phát từ Mỹ hôm 4/2. Xác định sẽ được về nghỉ dài nên hai vợ chồng chộp vé lẹ luôn", Tú kể.
Trung bình mỗi năm có khoảng 18.000 người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, theo thống kê của Bộ Công an. Để phòng chống dịch Covid-19, từ cuối tháng 3/2020, Việt Nam dừng toàn bộ các chuyến bay thương mại. Kể từ thời điểm đó, hàng trăm nghìn cô gái, chàng trai Việt bị chia cắt với người yêu, vợ chồng ngoại quốc.
Để có thể đoàn tụ, một số người chấp nhận bỏ ra số tiền lớn để bay các chuyến charter, đồng thời làm giấy tờ dưới dạng chuyên gia để có thể nhập cảnh. Như chàng trai Evan Farfan, ở New York đã "vượt bão Covid-19" đến Việt Nam cầu hôn Thủy Tiên, cô gái anh chưa từng gặp.
Một số khác tìm cách bay sang quốc gia của người yêu hoặc gặp nhau ở đất nước thứ ba, hoặc ra nước ngoài để kết hôn, sau đó nhập cảnh Việt Nam. Huyền Dịu, 31 tuổi, chủ một cửa hàng đồ uống ở TP HCM đã quyết định đi theo tiếng gọi trái tim bằng cách bắt chuyến bay tới Copenhagen, Đan Mạch, đầu hè năm 2021. "Thời điểm đó ai cũng bảo tôi bị khùng. Riêng gia đình hiểu tình yêu của tôi và anh nên ủng hộ", Dịu nói.
Cô gái Việt yêu doanh nhân Đan Mạch được hơn ba năm. Trong thời gian yêu, anh sang Việt Nam ba lần, còn Dịu cũng một lần tới Đan Mạch. "Đầu năm 2020 anh qua thăm tôi, dự kiến ở ba tháng nhưng bắt buộc phải trở về trên chuyến bay giải cứu vì dịch bùng phát khắp thế giới", cô chia sẻ về thời điểm chia xa.
Sau hơn một năm mỗi người mỗi ngả, cả hai tìm cách để gặp nhau. Cuối cùng, Dịu tìm được đường sang quê nhà bạn trai ở thời điểm mà theo cô quý hơn vàng, vì khi đó dịch ở Đan Mạch và cả Việt Nam đều tạm lắng.
Cô gái Mai Trang, 29 tuổi cũng chấp nhận "đi tới cùng trời cuối đất" với bạn trai Nash Noann, 33 tuổi, người Mỹ. Nữ kế toán quê Hải Phòng quen biết với anh giáo viên tiếng Anh bốn năm trước. Họ xác định cưới năm 2019 song gia đình Nash có người mất nên đành phải hoãn. Tháng 11/2020, Nash phải trở về quê nhà ở Florida vì hết hạn visa. Lúc này, đường quay trở lại Việt Nam khó như "bắc thang lên trời".
"Chưa từng ra khỏi Việt Nam nhưng không thể chịu đựng yêu xa, mình quyết định lên đường", Trang nói về chuyến bay tới Uzbekistan, vào tháng 3/2021.
Thời điểm đó chỉ có Uzbekistan mở cửa đón khách du lịch nên đôi uyên ương đã nhập cảnh vào đây. Trong thời gian lưu trú, đôi trẻ vừa kiếm việc để lo cuộc sống trước mắt, vừa tìm đường trở lại Việt Nam. "Chúng tôi cũng nhiều lần tìm cách đăng ký kết hôn ở Uzbekistan hay Campuchia, Thái Lan nhưng quá trình khó khăn nên không làm được", Trang cho hay.
Giữa tháng 11/2021, nghe tin Campuchia mở cửa cho khách du lịch quốc tế, họ đã liều tìm đường về gần Việt Nam hơn. Hai đêm vạ vật ở sân bay Thổ Nhĩ Kỳ và Singapore, cặp đôi mới về được Phnom Penh. Trong suốt thời gian đó đến nay, Việt Nam liên tục mở lại các chuyến bay thương mại cho các chuyên gia, người Việt mắc kẹt, Việt kiều, cho đến những người có visa hay còn hạn miễn thị thực... Nhưng vì chưa kết hôn nên Trang không thể bảo lãnh được chồng. "Theo sự hướng dẫn của một người bạn, bố mẹ mình đã gửi giấy tờ lên phường xin được bảo lãnh anh ấy mà cũng không được duyệt, vì mình không có mặt ở nhà", cô kể.
Cuối tháng này Trang sinh con và được chỉ định sinh mổ. Nhiều tháng qua không có công việc ổn định, trong khi chi phí sống ở nước ngoài cao, khiến đôi trẻ đã tiêu đến những đồng tiết kiệm cuối cùng. "Điều chúng tôi lo nhất hiện tại là sinh mổ ở nước ngoài", Trang nói thêm. Cô yên tâm hơn khi sắp tới mẹ khỏi Covid-19 sẽ bay sang Campuchia, cùng con gái vượt cạn.
Với Huyền Dịu, ban đầu khi cô đi, gia đình rất lo lắng con bị nhiễm Covid-19. Trên thực tế, cô vẫn an toàn dù ở Đan Mạch người dân không có thói quen đeo khẩu trang và tuân thủ phòng chống dịch tốt như ở Việt Nam. Điều khiến cô lo lắng nhất là vừa đi xa không lâu thì cả gia đình mắc Covid-19. "Lo nhất cho ba mình vì ông có bệnh nền. May mắn ba được chăm sóc tốt nên khỏe nhanh. Còn mẹ và chị gái xin được cách ly tại nhà cũng nhanh khỏi", Dịu chia sẻ.
Sau hơn nửa năm sống ở Đan Mạch, Dịu vừa đặt được chuyến bay về TP HCM vào tháng 4 tới để sớm hoàn tất thủ tục kết hôn.
Riêng với Thanh Tú và Alan, thời gian xa nhau kéo dài, cộng với một số người thân quen qua đời vì dịch, dẫn đến cả hai đều chấn thương tâm lý. Đỉnh điểm vào tháng 10, họ thường xuyên căng thẳng, bất an và dễ nổi nóng, đến độ chỉ nói chuyện được với nhau một chút là gây gổ.
Để thoát khỏi tình trạng này, Alan cắt đứt tiếp cận thông tin tiêu cực bên ngoài, chỉ tập thể dục và xem những thứ vui vẻ. Còn Tú tìm niềm vui trong việc làm các món đồ thủ công. "Chỉ đến khi đoàn tụ, nút thắt trong lòng mới được gỡ. Mình cảm thấy nhẹ bẫng", Thanh Tú nói.
Gặp lại sau hơn hai năm, cặp vợ chồng son không lên kế hoạch cho chuyến trăng mật chưa thể thực hiện, mà đặt ưu tiên hàng đầu hoàn tất các thủ tục bảo lãnh, để từ nay sẽ không phải xa nhau thêm một lần nào lâu thế nữa. Dù vậy, Alan đang lên kế hoạch cho một lễ kỷ niệm Valentine lần thứ năm của họ.
"Tôi sẽ dành cho cô ấy một bữa tối đặc biệt ngay khi hết hạn tự cách ly", Alan Nguyễn nói.
Phan Dương