Lời tựa đoạn video khiến chàng công nhân cơ khí tò mò. "Tôi muốn tiếp cận nhiều cô gái độc thân hơn", Đường Lan Minh, quê Thượng Hải nhìn thấy cơ hội hẹn hò mới cho mình.
Cuối năm 2021, tại các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, Thành Đô... bắt đầu xuất hiện một phương thức hẹn hò mới, thông qua các cửa hàng tiện lợi (tạp hóa). Khách hàng chỉ mất vài tệ kèm tờ giấy ghi thông tin cá nhân, nhét vào một chiếc chai, được đặt tại góc riêng ở các cửa hàng. Chiếc chai sẽ được một người khác giới nào đó lấy đi nếu họ muốn, tất cả đều ngẫu nhiên.
Phương thức hẹn hò nhằm vào những người độc thân đã gây bão tại Trung Quốc suốt nửa cuối năm 2021. Thậm chí trên kệ để chai của một cửa hàng tiện lợi ở Thượng Hải, hơn 4.000 người tham gia dịch vụ, hầu hết đều sinh sau năm 1995. Những người trẻ cô đơn đều hy vọng có một mối tình ngẫu nhiên thông qua cách thức hẹn hò này.
Đường Lan Minh sinh ra ở nông thôn, mới học hết cấp 2, chưa có nhà và xe hơi. Anh từng yêu hai người nhưng đều bị chê nghèo. Đường tham gia khá nhiều chương trình hẹn hò nhưng chưa thành công. Lần này, sự kết hợp ngẫu nhiên mang đến cho anh hy vọng. Trong những chiếc chai, chỉ cần ghi một vài thông tin cơ bản như tên tuổi, sở thích mà không nói về kinh tế.
Trần Hải Phong, cũng quê Thượng Hải thích kiểu hẹn hò qua cửa hàng tiện lợi bởi sự bình dị của những chiếc chai. Sinh năm 1993, tốt nghiệp một trường cao đẳng và từng làm nhiều công việc khác nhau, anh cũng từng bị bạn gái cũ phàn nàn rằng "thu nhập không cao".
Trần có kinh nghiệm trong việc sử dụng các phần mềm hẹn hò, nhưng anh cũng mong tìm được người phù hợp thông qua hẹn hò ngẫu nhiên. Sau khi sử dụng "chiếc chai hẹn hò", anh kết nối thành công với năm người, trong đó ba người trò chuyện thường xuyên.
Theo ý kiến của Trần, "chiếc chai hẹn hò" có cách chơi đơn giản, ít chức năng nhưng lại thu hút bởi sự ngẫu nhiên, mục đích giao tiếp của mọi người tương đối trong sáng và đặc biệt là mới mẻ, chưa từng xuất hiện trước đó.
Dữ liệu cuộc điều tra dân số năm 2021 cho thấy, người độc thân ở Trung Quốc đã đạt 250-260 triệu người và số người trưởng thành sống một mình vượt quá 92 triệu người. Theo quan điểm của Tiểu Phong, sự nổi lên của "chiếc chai hẹn hò" sẽ giải quyết được phần nào nhu cầu kết bạn của người trẻ Trung Quốc.
Đường Lan Minh là khách hàng thường xuyên của một cửa hàng tiện lợi gần nhà. Trong kỳ nghỉ lễ năm nay, anh đã lấy đi sáu "chiếc chai hẹn hò" từ cửa hàng này và kết nối được với bốn người. Khai trương vào năm 2020, cửa hàng tiện lợi nơi Đường hay lui tới có hẳn một góc tường sơn màu cam. Ở đó chủ cửa hàng ngăn thành 365 ô vuông, mỗi ô trung bình có từ 6-7 chiếc chai nhỏ đựng thông tin của những người muốn hẹn hò.
"Giới trẻ ngày nay có phạm vi hoạt động xã hội tương đối hẹp, gặp được người khác giới rất khó. Tự mình tìm hiểu hay nhờ gia đình mai mối cũng thường mang mục đích kinh tế rõ ràng. Chiếc chai hẹn hò phần nào tránh được vấn đề này", Tiểu Phụng, ông chủ cửa hàng tiện lợi chia sẻ.
Theo Tiểu Phụng, "chiếc chai hẹn hò" đánh vào sự tò mò cũng như trí tưởng tượng đẹp đẽ của giới trẻ về những mối tình lãng mạn xuất phát từ sự ngẫu nhiên. Ngoài việc thu phí khi muốn đặt thông tin cá nhân vào chai, hàng tuần cửa hàng tiện lợi của Tiểu Phụng sẽ tổ chức các sự kiện offline và thu phí tương ứng. Ví dụ muốn thông tin cá nhân xuất hiện thường xuyên trên những chiếc kệ đặt chai, phí là 99 tệ/tháng. Các thành viên trả phí còn được cung cấp dịch vụ mai mối 1-1 ngay tại cửa hàng, phí 199 tệ mỗi lần vào cửa.
Một cửa hàng tương tự cũng rất nổi tiếng ở Bắc Kinh, doanh thu không chỉ dựa vào những chiếc chai hẹn hò mà từ những dịch vụ mai mối đi kèm sau đó. Ở cửa hàng này còn cung cấp các dịch vụ như vé đôi xem phim, các buổi workshop cùng nhau làm đồ thủ công hay câu lạc bộ sách... Giá vé cho các sự kiện dao động từ 59-399 tệ.
Vậy những chiếc chai hẹn hò có giúp những người độc thân tìm thấy một nửa của mình?
Cô gái đầu tiên Đường Lan Minh liên lạc qua "chiếc chai hẹn hò" nói rằng đã có bạn trai: "Tôi quên không thông báo với cửa hàng để bỏ chiếc chai khỏi kệ". Hai lần khác, khi mở chai ra, anh không thấy có thông tin gì trên tờ giấy. Lần nữa, một cô gái không ghi chiều cao lý tưởng của bạn trai khi điền thông tin, sau khi Đường kết bạn, cô này lại nói: "Muốn tìm người cao trên 1m85". Trong khi Đường chỉ cao 1m70, còn đối phương là một vận động viên bóng rổ, cao 1m88. Gần đây, một cô gái 26 tuổi ở Giang Tô biết Đường không có nhà, không có xe đã thẳng thắn từ chối. Sau nhiều lần thất bại, chàng trai 35 tuổi nghĩ rằng nhiều người sử dụng dịch vụ "chiếc chai hẹn hò" như một trò chơi.
Đường thừa nhận, mục đích của anh khi đến với dịch vụ không phải ngẫu nhiên mà thực sự mong muốn tìm được bạn đời. Người đàn ông này tin rằng hôn nhân có thể giúp anh ổn định. "Người ta sẵn sàng làm việc chăm chỉ vì gia đình, dù có áp lực cũng vui. Không có gia đình thì không ai quản kinh tế, tiền chẳng tiết kiệm được là bao".
Cửa hàng tiện lợi nơi Đường hay lui tới, trong số 4.000 người đã đăng ký mới chỉ có 32 cặp hẹn hò, trong đó 8 cặp đã chia tay. Cách đây không lâu, một khách hàng gửi tin nhắn cho chủ cửa hàng yêu cầu bỏ chiếc chai ghi thông tin của họ xuống vì đã tìm được đối tượng. Nhưng hôm sau cũng người này gọi điện tới, yêu cầu đặt lại chai lên kệ vì mới chia tay.
Trần Hải Phong đã có vài cuộc gặp gỡ trực tiếp với đối tượng của "chiếc chai hẹn hò", nhưng anh đều miêu tả: "Không mặn cũng chẳng ngọt". Sự lãng mạn, hồi hộp ban đầu bị xóa mờ khi hai người gặp nhau. "Tôi mong chuyện tình yêu ngọt ngào như một bộ phim, kiểu như tình chị em như phim truyền hình gần đây đã xem". Sự thực tế, thậm chí thực dụng trong những buổi gặp gỡ khiến chàng trai này cảm thấy thất vọng bởi dịch vụ hẹn hò kiểu mới này.
Giờ đây, Trần không còn đặt hy vọng vào tình yêu ngẫu nhiên ở "chiếc chai hẹn hò" nữa. Thay vào đó anh thường xuyên ra ngoài tập thể dục và gặp gỡ trực tiếp nhiều người hơn.
Vy Trang (Theo qq)