Ngày 4/5 thông qua Twitter, vị tỷ phú tuyên bố chia tay người vợ từng "đầu ấp tay gối" 27 năm. Sau đó nhiều thông tin trái chiều nổ ra. Truyền thông tiết lộ Gates và Melinda chia tay không hề thân thiện, 3 đứa con đều đổ lỗi cho bố. Tiếp đến là việc phân chia tài sản 134,1 tỷ USD. Có thông tin cả hai bên còn thuê luật sư trong vụ ly hôn của tỷ phú Jeff Bezos cũng ầm ĩ thời gian trước đó.
Sau cuộc chia tay này, nhiều người nghi ngại đặt câu hỏi: "Có thể tin vào tình yêu và hôn nhân nữa hay không?".
Bà Melinda từng kể chuyện, một lần bước vào phòng Bill Gates và nhìn thấy tấm bảng trắng, trên đó ông liệt kê một loạt những ưu và khuyết điểm của hôn nhân, để quyết định bản thân có nên kết hôn hay không.
Hãy xem xét chi tiết này. Dường như Bill Gates đang sử dụng Phân tích SWOT trong kinh tế học để "số hóa" hôn nhân của mình. (SWOT là tập hợp viết tắt những chữ cái đầu tiên của các từ tiếng Anh: Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức) - là một mô hình nổi tiếng trong phân tích kinh doanh của doanh nghiệp)
Vậy hôn nhân và tình yêu thực sự có thể "số hóa" như cách Bill Gates đã làm. Trên thế giới vẫn có người hâm mộ việc áp dụng kinh tế học vào hôn nhân như vậy.
Năm 2010, một giáo sư kinh tế học ở London tên là Peter Backus đã xuất bản một bài báo có tên: "Tại sao tôi không có bạn gái?" Để có luận chứng khoa học, ông trích dẫn và điều chỉnh "Phương trình Drake". Đây là phương trình mô tả xác suất toán học do nhà thiên văn học Frank Drake đề xuất, dùng để ước tính số lượng nền văn minh ngoài Trái đất.
Phương trình là: G=R x fW x fL x fA x fU x fB x L
Trong đó G là số bạn gái tiềm năng, R là tỷ lệ tốc độ gia tăng dân số ở Anh trong 60 năm, fW là tỷ lệ phụ nữ trong tổng dân số tại Anh, fL là tỷ lệ phụ nữ London, fA là tỷ lệ phụ nữ London đã kết hôn từ 24 đến 34 tuổi, và fU là tỷ lệ phụ nữ có trình độ từ cao đẳng trở lên. Cuối cùng, cần thêm hai yếu tố: Độ hấp dẫn lẫn nhau fB và độ tuổi của tác giả L.
Sau khi hoàn thành công thức, vị giáo sư kết luận chỉ có 26 phụ nữ ở London đáp ứng được tiêu chuẩn chọn bạn đời của ông, đồng nghĩa với xác suất 1/285.000. May mắn thay, hai năm sau ngày bài báo xuất bản, Peter Backus đã tìm thấy một người bạn gái đủ tiêu chuẩn.
"Labyrinth: The Art of Decision Making" (Công chúa Ba Tư chọn chồng) là câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng nói về rủi ro của việc có nhiều lựa chọn: Nhà vua yêu cầu con gái chọn 1 trong 100 kị sĩ để kết hôn. Các ứng viên lần lượt được 'phỏng vấn'. Nếu công chúa không thích 99 người đầu tiên, cho dù người cuối cùng xấu xí thế nào, cô buộc phải chọn anh ta.
Trên thực tế, nhiều người mắc sai lầm như công chúa. Họ thường có nhu cầu chọn đối phương hơn mình về mọi mặt. Kết quả cuối cùng những nam thanh nữ tú này phải phá vỡ những tiêu chuẩn từng đặt ra để chống "ế". Họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm một mục tiêu có điều kiện thấp hơn so với tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, kinh tế học lại đưa ra một giải pháp khác có tên gọi là "Nguyên tắc 37%", tức là để có xác suất chọn đúng người cao nhất, bạn chỉ cần "phỏng vấn" 37% ứng viên đầu tiên. Nếu bạn bỏ qua tất cả số ứng viên đó, hãy chọn ứng viên đầu tiên sau 37% có phẩm chất cao hơn những ứng viên trước.
Giả dụ như bạn có "cỡ mẫu" là 50 người, bạn nên làm quen với 18 người trước để thu thập thông tin, sau đó chọn người thứ 19 trở đi có phẩm hạnh tốt hơn 18 người kia. Do đó, "người tình trăm năm" của bạn có thể là người 19, hay 20, hay thậm chí 25. Dĩ nhiên, sau khi đã chọn được người thích hợp sau người thứ 18 thì phải ngưng, không cần tìm thêm nữa.
Quy luật 37% cho kết quả với xác suất tối ưu chỉ 37%, tức vẫn có thể sai 63%. Nhưng với nhiều "ứng viên" mà chúng ta không biết gì về họ, thì quy luật này vẫn là giải pháp tốt nhất để tìm đúng người.
Nếu tìm được bạn đời lý tưởng thông qua "Nguyên tắc 37%", cũng đừng vui mừng sớm. Khi cả hai bước vào hôn nhân, sẽ có nhiều vấn đề phát sinh. Lúc này, nhà kinh tế học Gary Becker đã đưa ra tác phẩm đầy tự hào của mình có tên "Luận văn về gia đình". Người này cho rằng, nền tảng của hôn nhân không phải tình yêu mà là... lợi ích. Nhà kinh tế học từng đạt giải Nobel này có cùng suy nghĩ với Bill Gates, hôn nhân là một phân tích SWOT hợp lý, nhằm tối đa hóa lợi ích.
Thời xa xưa, nhiệm vụ của đàn ông là "săn bắn hái lượm" và là người bảo vệ gia đình, cung cấp thực phẩm, sửa chữa... với mục tiêu tối đa hóa năng suất. Còn phụ nữ là người "đảm việc nhà", nhiệm vụ lớn nhất là sinh đẻ đảm bảo dòng dõi, đồng thời kiêm luôn nhiệm vụ nấu nướng, chăm lo con cái...
Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, khối liên minh lợi ích này bắt đầu xuất hiện khủng hoảng. Tỷ lệ ly hôn cao, sinh con ngoài giá thú, gia đình không con... Kinh tế càng phát triển, tốc độ đô thị hóa càng cao thì các hiện tượng này càng rõ ràng.
"Đột biến" lớn nhất là sự thay đổi trong phân công lao động gia đình. Đàn ông có thể đi ăn ngoài và thuê người trông trẻ, trong khi phụ nữ có thể tìm được thợ sửa chữa... Nói cách khác, vai trò của người chồng/vợ trở nên ít cần thiết hơn và nền tảng gia đình bị suy yếu.
Mặt khác, trong xã hội hiện đại, phụ nữ có khả năng cạnh tranh cao hơn và thu nhập của họ có thể tốt hơn nam giới. Khi đàn ông không còn năng suất cao nhất và phụ nữ nắm chắc quyền sinh sản, thì hợp đồng hôn nhân mất đi tính ràng buộc.
Hôn nhân có thể biến mất, nhưng thứ duy nhất tồn tại mãi mãi và không thể giải thích hay đo lường bằng kinh tế học là tình yêu.
Người lý trí cho rằng, tình yêu chỉ là những rung động nhất thời của cảm xúc, thì có một nhà kinh tế học khác có tên Daniel Kahneman khẳng định rằng, vẫn có cách để duy trì "cảm xúc nhất thời" đó.
Kahneman nói, trí nhớ của con người chủ yếu được quyết định bởi hai yếu tố, một là cảm giác ở đỉnh cao, hai là cảm giác khi kết thúc. Ngay cả khi một ký ức chiếm đến 99% sự buồn tẻ và vô vị, nhưng 1% còn lại tạo ra hạnh phúc thì mọi người có xu hướng nghĩ rằng đó là ký ức dễ chịu.
Có thể gọi khám phá của Daniel Kahneman là "Luật 1%". Nó không chỉ áp dụng trong thương mại mà cả hôn nhân. Ví dụ, một người có thói quen làm thơ vào mỗi lần kỷ niệm ngày cưới và cài trong khung ảnh. Sau này khi cãi nhau với bạn đời, nhìn những bài thơ được đóng khung, họ sẽ cảm thấy nhẹ nhõm. Để duy trì tình yêu lâu dài, rất cần 1% đó.
Không ai có thể mô tả tình yêu bằng những thuật ngữ trừu tượng. Trong mắt người đời, tình yêu có địa vị cao hơn hôn nhân và không thể đổi lấy quyền lợi. Dù tình yêu là đáng quý, nhưng hôn nhân không vì thế mà kém đẹp.
Rồi có lẽ ở một thời điểm nào đó, vì "phát triển sai hướng" mà hôn nhân kết thúc. Trong đời người, nếu may mắn, có thể gặp một người yêu đến suốt đời, còn không may mắn hãy cứ gặp nhiều người và chọn người cuối cùng tốt nhất ở lại với mình.
Hải Hiền (Theo sina)