Những biện pháp bù đắp lượng CO2 thải ra như giảm phát thải, bù đắp Carbon, thu giữ Carbon, cải tiến quy trình nông nghiệp… là những cách để trung hòa Carbon.
Trung hòa Carbon là mục tiêu hàng đầu để giảm tác động của biến đổi khí hậu. Trong đó, việc giảm thải CO2 hoặc hấp thụ ngược loại khí này là trọng tâm.
Trung hòa Carbon bằng cách nào?
Giảm phát thải: Sử dụng năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu suất năng lượng, và cắt giảm lượng CO2 từ các hoạt động sản xuất và giao thông.
Bù đắp Carbon: Là quá trình cân bằng lượng khí CO2 phát thải bằng cách đầu tư vào các dự án hoặc hoạt động giúp giảm hoặc hấp thụ lượng Carbon tương đương ở nơi khác. Đây là cách để "bù đắp" những phát thải không thể tránh khỏi bằng các biện pháp thân thiện với môi trường.
Thu giữ Carbon: Áp dụng công nghệ thu giữ và lưu trữ CO2 từ công nghiệp và năng lượng.
Quá trình này gồm 3 giai đoạn: Thu giữ khí CO2 được tách ra từ khí thải sinh ra trong quá trình đốt nhiên liệu hoặc sản xuất công nghiệp. Khí này sau đó được vận chuyển bằng đường ống hoặc xe chuyên dụng đến nơi lưu trữ. Tại đây, CO2 có thể được lưu trữ an toàn trong hàng ngàn năm. Nơi lưu trữ thường là các bể chứa dưới lòng đất, các mỏ dầu, khí đã cạn kiệt hoặc các tầng ngậm nước sâu.
Thay đổi phương thức sản xuất và tiêu thụ: Thực hành tái chế, tiết kiệm tài nguyên và tiêu thụ bền vững để giảm lượng khí thải trong các chuỗi cung ứng.
Các công ty cần làm gì?
Để trung hòa Carbon, các doanh nghiệp cần:
Chuyển đổi sang năng lượng tái tạo như: sử dụng điện mặt trời, gió, và các nguồn năng lượng sạch khác.
Giảm phát thải trong chuỗi cung ứng: Tối ưu hóa quy trình sản xuất, vận chuyển và nguyên liệu để giảm lượng CO2.
Đầu tư vào công nghệ xanh: Sử dụng công nghệ hiện đại như thu giữ Carbon và năng lượng sạch.
Xây dựng lối sống bền vững trong nhân viên: Khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông xanh (xe điện, xe đạp...); Tạo môi trường làm việc xanh bằng cách giảm thiểu sử dụng giấy, tăng cường tái chế, tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng tại văn phòng như dùng đèn LED hoặc cảm biến tiết kiệm điện...
Đến nay, 145 quốc gia tuyên bố hưởng ứng mục tiêu chung Net Zero. Việt Nam cam kết đạt Net Zero vào năm 2050.
Từng cá nhân cần làm gì?
Tiết kiệm năng lượng sử dụng đèn LED, hạn chế điện tiêu thụ và sử dụng năng lượng tái tạo khi có thể.
Chuyển sang phương tiện giao thông bền vững sử dụng phương tiện công cộng, xe đạp hoặc xe điện để giảm phát thải.
Giảm tiêu dùng và tái chế mua sắm có ý thức, tái sử dụng và tái chế để giảm lượng rác thải Carbon.
Trồng cây và bảo vệ môi trường tham gia hoặc ủng hộ các dự án trồng rừng hoặc bảo tồn thiên nhiên để tăng khả năng hấp thụ CO2.
Tăng cường sử dụng thực phẩm bền vững ăn uống theo chế độ giảm thịt và sử dụng thực phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường.
Quế Anh