Bài viết Oán trách người mời cưới xã giao nhận được nhiều bình luận. Độc giả có nickname trantronghien.94 kể về việc nhóm bạn bị người cưới trước "phủi tay", không dự tiệc cưới nào của bạn bè cưới sau:
"Nói về đi ăn cưới, tôi có một cô bạn thân, đám chúng tôi mười mấy đứa học chung với nhau từ mẫu giáo lên cấp ba. Học xong thì cô này lấy chồng là một giảng viên đại học. Cô ấy theo chồng về Biên Hòa sống cách nhà mẹ đẻ tầm 20-30 km.
Thế nhưng mà 12 năm nay chúng tôi ai đám cưới cũng mời cô bạn này. Vậy mà cô ấy luôn không có mặt, không nhắn tin xin lỗi, chỉ gửi phong bì 300 nghìn coi như là mừng cưới. Ấy thế mà ngày cưới cô này những năm 2010, chúng tôi còn là sinh viên cũng ráng bỏ thiệp 500 nghìn đồng, ngay cả tôi cũng có chân bê tráp hộ nhà trai vì thiếu người.
Về tiền nong thì nhà cô bạn kia không túng thiếu, chúng tôi cũng khá giả hết cả. Chỉ là trách bạn thân chơi với nhau nhưng khi đám cưới mình xong thì phủi tay mà thôi.
Có những người bạn tôi mời cưới họ ngại không dám đi và nhắn cho tôi họ quá túng thiếu nên không có tiền mừng xin thông cảm nhưng tôi vẫn vui vẻ mời và gửi tiền xe để đến chung vui cùng mình.
Với tôi thì đám tiệc là nơi mà tôi muốn chia sẻ với bạn bè chứ vì tiền thì chúng tôi đã cào bằng mời đại trà đối tác, nhân viên... không thiếu".
Cùng chung nỗi niềm, độc giả Minh Anh kể:
"Tôi là người cưới muộn, cưới sau bạn bè nên cũng có nhiều tâm sự chạnh lòng. Nhóm bạn cấp ba, đại học ai tổ chức cưới tôi đều dự rất nhiệt tình. Ai làm đám cưới ở quê, tôi cũng bắt xe, đi máy bay về quê họ dự hai, ba ngày. Về bưng tráp tiệc cưới, tôi cũng từng làm ít nhất bốn lần.
Thế nhưng đến lượt tôi cưới thì thực sự rất buồn, ai cũng viện lý do công việc, chăm con... để từ chối tham dự. Có người nói trước và gửi tiền mừng, nhưng cũng có người im lặng rồi mất hút".
Độc giả Marie Minh chia sẻ quan điểm rằng được mời cưới là một vinh dự và luôn cố gắng tham dự:
"Mỗi người lựa chọn cho mình cách sống, không có đúng sai. Nhưng với tôi, tôi luôn nỗ lực hết sức khi đi dự cưới, vì tôi trân trọng mối quan hệ. Thân rất thân có thể tặng chỉ vàng, hoặc gửi phong bì 1-2 triệu đồng, bạn bè xã giao tôi gửi phong bì 500 nghìn đồng.
Tôi thường cố gắng sắp xếp thời gian để hiện diện, bất đắc dĩ tôi mới gửi phong bì. Thực tế, đám cưới là sự kiện trọng đại của mỗi người, sự hiện diện của bạn rất có ý nghĩa với cô dâu chú rể. Tôi đi dự đám cưới vì để được chúc phúc cho cô dâu chú rể, để được gặp gỡ những mối quan hệ chung mà phải có dịp như vậy mới gặp nhau được, chưa bao giờ quan tâm đến đồ ăn.
Cưới tôi bạn bè đến đông đủ cùng gia đình, sau cưới bạn bè tôi còn rủ nhau đi cà phê hàn huyên, ở đám cưới tôi nhiều nhóm bạn được kết nối, sau này có người còn là đối tác kinh doanh.
Tôi xuất thân nghèo khổ, nhưng tôi luôn trân trọng mối quan hệ, luôn đối đãi bằng chân thành và sự nhiệt tình. Có lẽ nhờ sự trân trọng đó, ông trời mới mang đến cho tôi nhiều mối quan hệ tuyệt vời, cuộc sống hiện tại hạnh phúc và thịnh vượng. Biết cách cho đi đủ nhiều và bạn sẽ nhận được điều xứng đáng".
Độc giả tamduc: "Tôi mà được bạn bè mời cưới mà đi được thì nhận lời, còn không đi được thì nói báo bận luôn (nếu bạn thân thiết thì gửi quà). Đúng là sau một đám cưới thường hay có những người bàn chuyện như tác giả kể, tôi một lần nghe ngay tại đám cưới họ nói đi đám cưới xem như đi ăn cơm bụi giá cao. Khi nghe vậy thực là buồn, buồn vì họ đi xã giao, mà chẳng có ý nghĩa gì tới chia vui cùng bạn bè.
Tôi mà có ai hỏi đi đám cưới thế nào thì thường trả lời vui là đủ không bao giờ bàn luận chê gì hay khen gì. Vì mỗi người nhìn nhận khác nhau nên khó đánh giá chính xác (nếu chê cỗ thì sao đúng được vì mỗi nơi có đầu bếp khác nhau, mỗi vùng miền có khẩu vị khác nhau mà bản thân mỗi người tới dự cũng có khẩu vị đâu giống nhau), nên thường không bao giờ bàn luận".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.