Sau khi tôi đặt vấn đề, một trong hai nhà xuất bản (NXB) mất gần 14 tháng để làm xong thủ tục kí hợp đồng sử dụng tác phẩm và hoàn tất thanh toán, với số tiền dùng để ăn được trên dưới 10 tô phở, trả một lần duy nhất. NXB thứ hai cho biết họ chỉ có chế độ tặng sách biếu chứ không có phí bản quyền.
Trong quá trình này, tôi có dịp phối hợp chặt chẽ với cả hai nhóm soạn sách, thuộc hai bộ sách khác nhau, nhằm đáp ứng các yêu cầu rất chi li của Hội đồng thẩm định. Những câu hỏi cần giải đáp qua nhiều vòng thẩm định, từng câu từng chữ, từng dấu chấm dấu phẩy đều được "soi" cặn kẽ giữa bản gốc và trích đoạn. Hình ảnh minh họa cũng phải bảo đảm có chứng cứ rõ ràng về bản quyền, nếu không sẽ phải tự thuê họa sĩ vẽ để đưa vào sách.
Một trong hai cuốn giáo khoa trích bản dịch của tôi có giá 25.000 đồng và in 100.000 bản, tức tổng giá thành một loạt in là 2,5 tỷ đồng. Chế độ nhuận bút dành cho các tác giả SGK hiện nay được áp dụng theo Nghị định 18/2014/NĐ-CP, với tỉ lệ từ 30% đến 140% mức lương cơ sở tính trên tổng thời lượng thiết kế trong chương trình (140 tiết Ngữ văn ở bậc THCS), bất kể số lượng in nhiều hay ít. Nghĩa là, trước ngày 1/7/2023, tổng số tiền dành để trả nhuận bút cho nhóm tác giả cuốn SGK nói trên (5 người) ở mức thấp (tỉ lệ 30%) sẽ vào khoảng 62 triệu đồng, hay ở mức cao (tỉ lệ 140%) là 292 triệu đồng. Số người cùng soạn một quyển sách càng tăng thì số tiền thực lãnh của mỗi người càng giảm.
Trong thực tế, hiếm NXB nào tính mức tối đa 140% cho các tác giả, mà thường ở mức tối thiểu, như bản hợp đồng "10 tô phở" của tôi. Một giáo viên tham gia soạn SGK cho tôi biết, nhuận bút cô nhận được "hết sức rẻ mạt. Nghĩ đến nhuận bút thì không còn ai muốn soạn sách". Nếu áp dụng mức tỉ lệ tối thiểu cho nhuận bút của các loại sách khoa học, giáo dục, phổ biến kiến thức hay thậm chí văn chương, 8% trên giá bìa và số lượng in, thì số tiền nhuận bút được trả tương đương sẽ là 200 triệu đồng, cao hơn ba lần so với nhuận bút SGK. Đây là một thực tế tương phản, và bất công cho các tác giả soạn SGK cũng như các tác giả có tác phẩm được chọn sử dụng, trong khi các NXB tính tỉ lệ chiết khấu cho các bộ SGK của mình lên đến hơn 20%.
Vấn đề là, tỉ lệ chiết khấu cao này thể hiện điều gì? Và việc đòi hỏi phải có một bộ sách do Bộ GD&ĐT đứng ra chủ trì, xuất phát từ những bất cập hiện tại về SGK liệu có nóng vội quá không?
Thực ra, lỗ hổng không nằm ở các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước biên soạn SGK, mà ở quy trình lựa chọn SGK theo Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT. Với quy trình này, trước tiên tổ chuyên môn bỏ phiếu kín chọn ít nhất một SGK mỗi môn. Tiếp theo, nhà trường họp các tổ trưởng chuyên môn và đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) để thống nhất chọn một SGK cho mỗi môn. Kết quả này được Phòng/Sở GD&ĐT tổng hợp, xếp theo tỉ lệ lựa chọn từ cao xuống thấp, rồi chuyển cho Hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh. Các thành viên Hội đồng nghiên cứu trước, rồi họp lại thảo luận, bỏ phiếu kín lựa chọn một hay một số SGK cho mỗi môn. Bước cuối cùng là UBND cấp tỉnh ra quyết định phê duyệt danh mục do Hội đồng đề xuất.
Về hình thức, các bước có vẻ chặt chẽ, khách quan, thống nhất. Nhưng thực tế, tổ chuyên môn, nhà trường và CMHS chọn quyển SGK này, nhưng Hội đồng cấp tỉnh có thể quyết định chọn quyển SGK khác (có tỉ lệ chọn cao hơn). Kết quả là, ở cơ sở các thầy cô giáo vẫn có thể bị bắt buộc dùng SGK mà mình không lựa chọn, nhân danh sự thống nhất trong phạm vi toàn tỉnh.
Như vậy, thay vì trả nhuận bút xứng đáng cho các tác giả soạn sách theo cơ chế thị trường nhằm nâng cao chất lượng SGK và tăng cơ hội được chọn, các NXB chỉ cần tăng tỉ lệ chiết khấu cho số đầu SGK được sử dụng tại từng địa phương để bảo đảm cơ hội cho mình. Khi khắc phục lỗ hổng này, giá SGK hoàn toàn có thể giữ nguyên với chất lượng tăng cao, hoặc giữ nguyên chất lượng với giá thành giảm hẳn.
Bản chất CTGD 2018 và quy trình biên soạn SGK hiện nay là thực thi Nghị quyết 88/2019/QH14. Một mặt, Nghị quyết 88 có nhiều quy định thông thoáng, cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích hợp các cách tiếp cận giáo dục hiện đại; cho phép có nhiều SGK cho mỗi môn học, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách, và giao cho Bộ GD&ĐT nhiệm vụ ban hành tiêu chí đánh giá và phê duyệt SGK (dựa trên kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định). Nhưng mặt khác, Nghị quyết 88 cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK, được thẩm định và phê duyệt công bằng với các bộ khác. Với một yêu cầu phi logic như vậy, "vừa đá bóng vừa thổi còi" mà vẫn bảo đảm công bằng khách quan, Bộ GD&ĐT khó lòng thực hiện được.
Do đó, thay vì bấu víu vào một nội dung quy định phi logic, và là điểm trừ ít ỏi, của Nghị quyết 88 để đi ngược dòng thời đại, điều quan trọng hơn là đánh giá đúng bản chất vấn đề để có giải pháp thích hợp, thực sự gỡ bỏ các rào cản còn lại, giải phóng nguồn lực xã hội để thực sự phát huy các ưu điểm và tinh thần hiện đại của CTGD 2018.
Nguyễn Tấn Đại