Nhiều độc giả bày tỏ chưa đồng tình quan điểm trong bài viết Dạy con nhường bạn khi bị cướp đồ chơi.
Độc giả Quoc Khanh nêu: Nếu con tôi đang chơi đồ chơi mà bị giật, cháu sẽ tự giành lại trước khi nói với bố mẹ. Nếu có bạn khác đến xin chơi chung, tôi sẽ hỏi con có muốn chia sẻ đồ chơi không, chơi chung sẽ vui hơn. Nếu con không muốn thì có quyền nói không. Con trẻ có quyền đưa quyết định, phải tự mình giành lấy đồ chơi lại, sau này nó sẽ không bị ăn hiếp, không nhu nhược.
Độc giả Hoa kể: Hồi nhỏ tôi cũng bị giáo dục theo kiểu "thôi nhường đi con". Lớn lên tôi nhu nhược hết chỗ nói. Từ nhỏ đến lớn luôn thu mình trong vỏ ốc. Đi chụp hình mà bị các chen lấn cái là tôi chấp nhận đứng sau không thấy mặt luôn. Đi học tôi luôn chọn ngồi bàn trong góc cuối cùng khỏi ai tranh dành. Đi làm hễ nghe đồng nghiệp lên giọng hách dịch kiểu thị uy chèn ép là tôi xanh mặt không dám nói gì mặc dù mình đúng. Về nhà chồng chửi bới miệt thị vẫn cúi cổ làm hết việc này việc khác không dám cãi nửa lời. Giờ bốn mươi tuổi rồi vẫn không sửa cái tính này được vì đã thành thói quen và tính cách.
Nhiều độc giả kể rằng khi lớn lên đã trở thành người yếu đuối, nhu nhược do nhường nhịn bạn:
Tôi nhường nhịn khi còn bé, lớn lên đi làm bị thua thiệt. Tôi hay nghĩ thôi bớt đi cho người khác, mình thiệt tí không sao. Nhưng thay vì biết ơn, nhiều người lại nghĩ đó là bình thường.
Nên bây giờ tôi sẽ dạy con theo kiểu phải đòi cái thuộc về mình, không để bạn bắt nạt.
Tôi đã chứng kiến một đứa trẻ lớn lên với cách dạy kiểu nhường nhịn này. Giờ nó cũng sắp hết cấp hai. Tôi không rõ có phải do cách dạy này không, đứa trẻ ấy từng từ bỏ cả màu sắc nó thích nhất.
Bây giờ nó hầu như không có động lực phấn đấu ở tất cả các lĩnh vực cần sự cạnh tranh, bao gồm cả việc học. Đến giờ nó vẫn chưa bao giờ có một thái độ quyết liệt khi làm một việc, luôn hời hợt làm cho xong việc. Việc duy nhất nó thích thú là xem Youtube, cũng thích chơi game nhưng cũng hời hợt không muốn thắng.
Mỗi khi thấy con tôi bị giành đồ chơi, đứa trẻ nhút nhát bên trong con người tôi lại bật khóc và run rẩy giận dữ. Đó là vì quá khứ nhút nhát và nhường nhịn của chính tôi.
Nhường nhịn là thói quen đưa tôi trở thành con người trung bình, không thể tiến xa được vì không dám đấu tranh, không dám nói lên tiếng nói của mình. Nó là lý do tôi luôn bị bắt nạt và chèn ép mà tôi phải chịu đựng trong vô thức chỉ để được yên thân.
Từ hồi lấy chồng, chồng tôi hiểu tính tôi và cổ vũ tôi thoát được lối suy nghĩ cũ và động viên tôi sống tự tin hơn, dám bộc lộ chính kiến và dũng cảm nắm lấy những gì là của mình, không phải nhường ai cả. Tôi bây giờ mới là chính tôi và cảm thấy thực sự hạnh phúc.
Độc giả Thánh Tuệ đúc kết:
1. Đây là tình huống xảy ra tranh chấp, khi mình không có ý định nhường đồ chơi.
2. Tác giả muốn "người lấy ta nhường, người nhường ta lấy".
3. Về mặt đối tượng giành đồ chơi cảm thấy rằng mình làm như vậy là đúng đắn, có thể dùng vũ lực, hoặc mè nheo để đòi đồ chơi người khác một cách vô cớ. Việc nhường như vậy là nuôi thói xấu của người khác, "đẹp mình lại đẩy xấu cho người"?
4. Nạn nhân bị động, bị ép sẽ thôi thúc tâm lí tự ti, ức chế, phải chấp nhận sự thật rằng nó có thể bị mất đồ chơi chỉ vì vũ lực hoặc bị người khác mè nheo. Động thái này có hai hướng tác động: mặc định mình là kẻ yếu, không thể tranh chấp đồ chơi, quyền lợi... Khi người khác đòi là tự động nhường. Hướng thứ hai là học được thói xấu của đối tượng đòi đồ chơi với kẻ yếu thì mình có thể đòi được đồ chơi của kẻ đó.
5. Nguyên tắc hạt giống. Ruộng ngô nhà bạn không thể tốt tươi, nắng suất cao trong khi ruộng ngô hàng xóm thì ngược lại (vì có quá trình thụ phấn chéo theo gió). Cách tốt nhất là tặng hạt giống ngô nhà bạn cho những nhà hàng xóm. Điều đó có nghĩa là con bạn chỉ thực sự tốt đẹp khi con nhà "hàng xóm" có những đức tính tốt ở mức độ nhất định.
6. Kĩ năng giải quyết mâu thuẫn là một yêu cầu tất yếu. Con bạn nên học cách tự tìm ra giải pháp tốt nhất để bảo vệ đồ chơi. Có thể nhờ sự giúp đỡ của người lớn, hoặc là tìm cách chơi chung (chấp nhận chia sẻ một phần lợi nhuận để bảo vệ lợi ích của mình) và khi không còn giải pháp thì đành nhường đồ chơi như một sự thật...
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Hữu Nghị tổng hợp