"Giá nhà liên tục tăng chóng mặt, cộng với lãi suất ngân hàng cao chót vót, khiến cơ hội sở hữu nhà cho những người thu nhập bình dân ngày càng thấp. Tôi từng ở hoàn cảnh chơi vơi sau khi vay hơn 700 triệu mua căn hộ ở TP HCM. Hàng tháng, tôi phải trả gần 15 triệu tiền cả gốc lẫn lãi (lãi suất vay trung bình 12%). Tiền lãi thậm chí còn cao hơn tiền gốc phải trả hàng tháng.
Nghĩ lại những ngày tháng đó, đến giờ tôi vẫn thấy hãi hùng. Hai vợ chồng tôi phải cày cuốc để trả nợ, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, toàn bộ tiền kiếm được phải để dành trả nợ. Rồi khi con cái ra đời, bố mẹ về hưu, gánh càng thêm nặng. Vợ chồng tôi cũng vì thế mà hục hặc về chuyện tiền bạc suốt.
Bản thân tôi phải 'cày' ba công việc khác nhau một lúc. Vợ tôi cũng phải nhận thêm áo về kết cườm vào buổi tối, bên cạnh việc công sở ban ngày. Nhưng rồi, những tháng ngày kinh khủng đó cũng qua đi. Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình thật may mắn vì suốt thời gian đó không thất nghiệp hay đổ bệnh. Nếu không, tôi thật sự không biết phải gánh vác làm sao?".
Đó là chia sẻ của KA1211 xung quanh câu chuyện 'hụt hơi' vì mua nhà thành phố. Người Việt xưa nay đều quan niệm "an cư rồi mới lạc nghiệp". Mua nhà để xây dựng một tổ ấm riêng vì thế cũng là mong muốn của rất nhiều người, đặc biệt là những cặp vợ chồng trẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên, xét trên mặt bằng chung thu nhập và giá nhà hiện nay, việc mua nhà hoàn toàn bằng thu nhập là bài toán khó với nhiều gia đình trẻ. Trước giới hạn tiềm lực về tài chính, người mua nhà thường chọn giải pháp vay ngân hàng với gánh nặng phía sau khoản lãi nợ.
Đồng cảm với những áp lực của người vay mua nhà thành phố, bạn đọc Hlnvdnhtn chia sẻ: "Đồng nghiệp phòng tôi cũng vậy, ước mơ mua được một căn chung cư tại Hà Nội. Và sau đó, như ý nguyện, chị đã làm được điều đó. Thế nhưng, căn hộ 1,4 tỷ đồng khiến chị và gia đình phải oằn mình trả nợ mỗi tháng. Sau đó, do vỡ kế hoạch và có thêm bé thứ hai, rồi dịch bệnh Covid-19 ập đến khiến chồng chị phải ở nhà nhiều hơn.
Để cáng đáng kinh tế cả gia đình, chị buộc phải tìm mọi cách để lấy lòng các sếp, để được tăng lương và thăng tiến. Thậm chí, dẫu có phải lợi dụng hay đạp lên những đồng nghiệp khác, chị cũng phải chấp nhận. Dù nhiều lần bị bóc mẽ dối trá, lươn lẹo nhưng chị vẫn chứng nào tật nấy. Tôi chỉ dám chúc chị nhanh trả được nợ mua nhà ấy mà thôi".
>> Không mua nhà trước tuổi 30 để tăng gấp ba lần tài sản
Khẳng định sai lầm của nhiều người khi cố mua nhà mà không nghĩ tới khả năng trả nợ, độc giả Chu việt phương cho rằng: "Lựa chọn căn nhà quá khả năng của bản thân là một sai lầm. Ở Hà Nội, có khá nhiều dự án nhà ở xã hội quận ven đô, giá vừa phải, lãi suất thấp và cả nhà thương mại giá không quá cao. Tôi ở chung cư ở quận Hà Đông, giá mua ban đầu chỉ có 10 triệu/ m2 hoặc khu vực Kiến Hưng lân cận có khá nhiều dự án giá chỉ từ 10-14 triệu/ m2.
Với 300 triệu tiền vốn và gia đinh hỗ trợ thêm, bạn hoàn toàn có thể mua trả góp mà hàng tháng chỉ phải trả ngân hàng 6-7 triệu/ tháng mà không cần vay thêm người ngoài. Ở đây, không quá xa trung tâm mà đường sá rộng rãi, thuận tiện, hạ tầng, cảnh quan đẹp. Tôi thấy rất hài lòng với lựa chọn của mình".
"Có rất nhiều người cũng cố mua cho được căn nhà để ngẩng mặt lên với người ta. Nhưng không biết liệu cơm gắp mắm nên cả cuộc đời này, họ chỉ là 'nô lệ' cho đồng tiền và chỗ ở. Nếu không đủ khả năng, bạn hãy tích góp khoảng 50% mua một mảnh đất ở ngoại thành thôi. Khi nào đủ tiền thì làm nhà hoặc bán lô đất đó mua dần về trung tâm. Còn vay 70% giá trị của căn nhà thì chắc chắn không ổn", bạn đọc Xuan cuong nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, hiện nay đang có rất nhiều ngân hàng tung ra các gói ưu đãi cho vay vốn trả góp với mức lãi suất vô cùng hấp dẫn như 5% hay 7-8% một năm. Tuy nhiên, con số này chỉ tồn tại trong vòng 6-12 tháng đầu tiên, đến tháng thứ 13 ngân hàng sẽ tăng số lãi suất theo thị trường, con số bạn phải trả dựa theo tiền nợ gốc, cộng với phần trăm lãi suất quy đổi. Với cách tính này, số tiền bạn phải trả có thể lên tới gần 15 triệu đồng/tháng.
>> Có nhà, có xe trước 30 tuổi
Đi ngược lại đám đông, độc giả Sơn Khánh Nhân lại lựa chọn chưa vội mua nhà để tận hưởng cuộc sống: "Nhóm bạn tôi có sáu người, cùng nhau lên thành phố học tập và lập nghiệp. Mọi người nỗ lực và đặt ra mục tiêu sẽ mua nhà thành phố, chỉ riêng tôi là không. Không phải do tôi không cố gắng mà là bản thân có cách nhận định khác số đông.
Theo tôi, vấn đề lớn là tài chính yếu, thế nên tôi không muốn cảnh cố đấm ăn xôi. Kết quả, sau 10 năm, tất cả bạn tôi đều có nhà, riêng tôi đến tận 18 năm mới mua được nhà. Nhưng bù lại, vợ chồng tôi có cuộc sống thoải mái, không nặng về khoản vay nào và đến giờ vẫn tươi trẻ. Tôi khuyên mọi người đừng chạy theo số đông, phải có nhà có xe khi tài chính của bản thân vẫn kém".
Nói thêm về thực trạng giá nhà đất hiện nay, bạn đọc Chú bé tý hon cảnh báo những người trẻ muốn mua nhà sớm: "Giá nhà hiện nay đã bị đẩy lên quá cao, cùng với các chính sách ưu đãi thời điểm mua khiến cho nhiều người quên đi áp lực trả nợ và bài toán dòng tiền về sau. Suy cho cùng, đây là hệ quả của sự buông lỏng quản lý từ các cơ quan chức năng trong việc để giá nhà đất tăng quá nhanh trong thời gian qua.
Giờ đây, ở Hà Nội, rất khó kiếm được các dự án chung cư mới dưới 30 triệu/m2 chứ không nói đến quanh mức 20 triệu/ m2. Kèm thêm với chi phí sinh hoạt chiếm tỷ lệ quá lớn trong tổng thu nhập khiến cho giấc mơ sở hữu nhà tại thành phố trở nên rất khó thực hiện với đại đa số người lao động".
Do vậy, trước khi muốn mua nhà, bạn cần đánh giá khả năng tài chính của mình hiện có và có thể có, cách này để tránh trường hợp bạn không có khả năng trả nợ trong tương lai, khiến bạn vừa mất nhà lại vừa mất tiền khi ngân hàng tiến hành siết nợ. Để dễ dàng cân đối các khoản tài chính mua nhà, bạn có thể lựa chọn quy tắc 28/36 tức là tổng chi phí dành cho nhà ở nên thấp hơn 28% thu nhập mỗi tháng và các khoản nợ nên thấp hơn 36% tổng số nợ. Đây cũng là công thức mà các ngân hàng dùng để tính toán khoản vay của bạn.
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.