Khi bạn có sự nghiệp thì vấn đề mua năm hay bảy căn nhà cũng chỉ là sự lựa chọn về phân bổ danh mục đầu tư. Tôi thấy, đầu tư vào bất động sản chỉ sinh lời trong giai đoạn kinh tế đi lên thôi, và dù mức sinh lời bình quân cao 20-30% cũng không phải là lựa chọn tốt nhất đối với người có sự nghiệp kinh doanh đang phát đạt. Lý thuyết "giá nhà tăng mãi" chỉ nổi lên những năm khi chu kỳ kinh tế thịnh vượng, còn bao khủng hoảng nhà đất từ hàng trăm năm nay ở các nước, bao gồm cả Việt Nam thì sao?
Lý thuyết "người sinh ra được còn đất thì không sinh" không hợp lý. Bất động sản chỉ khan hiếm khi nó có giá trị sinh lời cao hoặc giá trị sử dụng cao, thông qua đó có thể kinh doanh hoặc để ở và làm việc; điều này chỉ có các thành phố lớn, nơi có nhiều việc làm, dễ kinh doanh. Còn về quê, đất bao la, người sinh ra làm sao kịp để ở hết được?
Vấn đề "an cư" hay "lập nghiệp" nên nhìn nhận ở góc nhìn tài chính thay vì góc nhìn tâm lý hay tinh thần. Lúc còn trẻ, khi có sự nghiệp đang phát triển, nhiều khi một năm bạn không ở nhà được hai, ba tháng. Cá nhân tôi nhiều lúc về Sài Gòn vẫn thuê phòng ở gần để ngủ thay vì về nhà xa. Một khi có sự nghiệp thì vấn đề có nhà hay không sẽ rất đơn giản, mua hay không xét cho cùng cũng chỉ là một quyết định tài chính dựa trên định giá kỳ vọng và quản trị rủi ro tài sản.
Vấn đề mua nhà hay thuê nhà, một khi đã bàn thì không nên nhìn "quyết định thuê nhà là vì họ không đủ tiền mua". Người có đủ tài chính để mua nhà hoặc có nhiều bất động sản khắp nơi nhưng lựa chọn thuê nhà để sống mới là trường hợp cần phân tích. Những người này thường định giá giá trị sống cao hơn lợi nhuận tài chính từ mua nhà; hoặc họ dự đoán trong các năm tới phương án mua nhà không có lợi bằng đi thuê; hoặc có thể họ có đủ tiền để không quan tâm đến rủi ro khi chủ nhà không cho thuê tiếp.
Nhiều người có đề cập tới rủi ro bị chủ căn hộ đòi lại nhà. Nhưng là người thích thay đổi chỗ ở liên tục, tôi thấy chỉ có chủ nhà là rủi ro vì bị khách thuê trả nhà để qua căn khác trải nghiệm, thay đổi cuộc sống và môi trường sống. Riêng tôi luôn ưu tiên chọn phương án nào tiện nghi và thuận tiện hơn. Nếu thuê nhà, bản thân làm việc ở đâu, cứ thuê căn hộ ngay bên cạnh, không phải mệt mỏi đi làm sớm, về muộn... Mỗi tháng lại tiết kiệm được 20-30 giờ đi lại, quy ra tiền đã lời hơn chi phí thuê căn hộ rồi.
>> Thế hệ 'lạc nghiệp trước, an cư sau'
Một số bạn nói "cứ thuê nhà thì 20 năm sau cũng chẳng có nhà riêng để ở". Nhưng đối với tôi, dòng tiền và tài sản có thể quy đổi ra nhau được. Bạn lựa chọn cầm tài sản 20 tỷ đồng hay có dòng tiền ổn định 200 triệu/ tháng, cũng giống như chọn bỏ tiền hôm nay để mua nhà hay hy sinh dòng tiền thuê nhà. Tôi thấy cuộc sống tiện nghi, hài lòng khi đi thuê nhà thì về cơ bản dù có tiền tôi cũng không mua nhà chỉ để ở.
Thực ra mức độ sinh lời của bất động không phải quá lớn như mọi người nhầm tưởng khi nhìn về dài hạn và vĩ mô. Đầu tư vào bản thân để tạo ra dòng tiền lớn hơn mỗi năm, khi quy về giá trị hiện tại sẽ lời hơn nhiều đầu tư vào các hình thức bất động sản. Ví dụ, đầu tư bất động sản lời gấp tám lần sau 10 năm khi kinh tế thịnh vượng đã là rất thành công, nhưng thực ra mức độ sinh lời kép chưa tới 25% mỗi năm. Mức sinh lời này đối với tiền lớn trên 100 tỷ đồng là con số ấn tượng, nhưng đối với cá nhân nhỏ lẻ với vốn nhỏ thì đây là mức thấp trong giai đoạn kinh tế đi lên.
Thời tôi cán mốc 30 tuổi, thu nhập không dưới 100 triệu/ tháng, chưa tính sinh lời từ đầu tư. Nhưng tôi vẫn tự cho phép mình được tiếp tục dành thời gian và tài nguyên để học hỏi thêm vài năm nữa trước khi thực sự lao vào kiếm tiền. Tôi cũng xuất thân từ ngành tài chính, chuyên ngành đầu tư. Khi mọi thứ đều có thể quy ra đơn vị như trong ngành này, thì có một điều hiển nhiên rằng, kiến thức và năng lực là tài sản sinh lời tốt nhất.
Khi nói về vấn đề "thuê nhà là không nghĩ tới vợ con" thì cũng giống như thời nay người ta bàn về chuyện "đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão", hay "nên ưu tiên sự nghiệp hay vợ con" mà thôi. Quyết định là ở mỗi người.
>> Theo bạn, có nên mua nhà trước tuổi 30? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net