Đầu tháng 3, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn kiểm tra về phát triển điện mặt trời. Cơ quan này đồng thời đề nghị các địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát dự án điện mặt trời, đề xuất giải pháp vận hành nhằm hạn chế cắt giảm nguồn điện đã vận hành.
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 16/6, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, đoàn đã kiểm tra về phát triển điện mặt trời tại 10 tỉnh, thành phố có công suất lắp đặt loại hình năng lượng này lớn, được coi là nơi phát triển nóng điện mặt trời (điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời áp mái, điện mặt trời trang trại áp mái...).
Kết quả kiểm tra hồ sơ và thực địa tại các dự án cho thấy có nhiều tồn tại và Bộ đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, đề nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trên cơ sở này Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, báo cáo và trình cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý. Tuy nhiên, ông Dũng từ chối cung cấp chi tiết các tồn tại.
Cách đây một tháng, công an tỉnh Bình Phước cũng yêu cầu rà soát toàn bộ các dự án điện mặt trời mái nhà dưới hình thức trang trại trước thực tế nhiều dự án điện mặt trời áp mái hình thức trang trại biến tướng, lách luật trục lợi. Phần lớn các dự án "núp bóng" dưới vỏ bọc làm thủ tục xin chuyển đổi từ đất trồng cây lâu năm sang trồng cây hàng năm, rồi làm dự án trang trại chăn nuôi, trồng rau... Song, theo Công an Bình Phước, họ không nuôi con gì, không trồng cây gì, mà lại làm các trụ bê tông, trụ sắt, giá đỡ để lắp đặt pin năng lượng mặt trời, sau đó ký hợp đồng với công ty điện lực để bán điện với giá ưu đãi.
Số liệu của EVN đến hết 21/5, công suất lắp đặt điện mặt trời trang trại là hơn 10.310 MW; điện mặt trời mái nhà có 104.282 dự án với tổng công suất 9.580 MW, tăng gần 1.600 MW so với cuối 2020. Công suất điện gió hơn 610 MW.
Các dự án năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời (trang trại, mái nhà...) phát triển ồ ạt, không được kiểm soát phù hợp với nhu cầu sử dụng, đã gây khó khăn trong vận hành hệ thống điện.
Liên quan tới việc trình Chính phủ quy hoạch điện VIII, ông Hoàng Tiến Dũng cho biết, Bộ Công Thương chưa thể trình Chính phủ vào ngày 15/6, như yêu cầu của Thủ tướng, do quá trình rà soát các "đầu việc" lãnh đạo Chính phủ giao kéo dài hơn dự kiến.
Cục Điện lực và năng lượng tái tạo đã phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát lại chương trình phát triển nguồn điện; rà soát lại việc đầu tư lưới điện; kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa nguồn truyền thống và năng lượng tái tạo, hạn chế tối đa khó khăn trong vận hành hệ thống điện.
Cập nhật chương trình phát triển lưới điện đồng bộ với nguồn điện, tránh tối đa việc cắt giảm các nguồn năng lượng tái tạo đồng thời rà soát nguồn vốn đầu tư hợp lý cho chương trình phát triển điện lực trong tương lai.
"Đây là nhiệm vụ khó, khối lượng công việc lớn nên cần thêm thời gian. Bộ sẽ cố gắng hoàn thiện, lấy ý kiến các bên liên quan vào cuối tháng 6", ông Dũng nói.