Quy hoạch điện lực quốc gia 2021-2030, tầm nhìn 2045 (quy hoạch điện VIII) từng được trình Chính phủ nhiệm kỳ cũ hồi cuối tháng 3 sau khi Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua nội dung quy hoạch. Tuy nhiên, do tính chất quan trọng của bản quy hoạch này, lãnh đạo Chính phủ khi đó chưa xem xét, phê duyệt.
Thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp mới đây cho biết, Bộ Công Thương được yêu cầu nghiên cứu, bổ sung nhiều nội dung nữa và lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện, trình lại Thủ tướng trước ngày 15/6.
"Quy hoạch điện VIII phải đảm bảo phát triển ngành điện bền vững, nâng cao khả năng tự chủ về năng lượng đất nước. Trong đó, xác định quy mô phát triển hợp lý hệ thống điện quốc gia qua từng thời kỳ để có giá bán điện hợp lý nhất", văn bản kết luận nêu.
Theo đó, Bộ Công Thương phải rà soát, đánh giá kỹ thêm về hiện trạng năng lực hệ thống điện quốc gia; khả năng cung ứng điện tối đa trong trường hợp có và không có ràng buộc về truyền tải công suất các nguồn điện.
Quy mô phát triển nguồn, cơ cấu nguồn điện hợp lý so với dự báo nhu cầu điện, nhất là giai đoạn đến năm 2030; phân bổ hợp lý không gian phát triển các nguồn điện, nhất là nguồn điện LNG trong quy hoạch... cũng cần được rà soát kỹ, nhằm tránh xảy ra tình trạng dự phòng điện không hợp lý. Chẳng hạn, phương án phát triển tổng công suất đạt 167.000 MW nguồn điện đến năm 2030 trong khi đó dự báo nhu cầu công suất cực đại theo phương án cơ sở là 86.500 MW.
Bộ Công Thương cũng phả rà soát quy định về cơ quan chủ trì xây dựng cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án, và làm rõ mối liên hệ phát triển nguồn và lưới giữa quy hoạch điện VIII và các quy hoạch tỉnh đang được địa phương tổ chức lập.
Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý nên tiếp thu ý kiến của EVN, trong đó tách danh mục các nguồn điện đã có quy hoạch và tiếp tục triển khai để đảm bảo công khai, minh bạch; rà soát danh mục, kết cấu lưới điện truyền tải phù hợp.
Theo dự thảo quy hoạch điện VIII, Việt Nam sẽ cần số vốn khổng lồ, khoảng 12,8 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2021-2045 (320 tỷ USD cho cả giai đoạn) cho kịch bản nâng công suất hệ thống điện lên 102.193 MW vào năm 2025; sau đó tăng lên 137.662 MW vào 2030 và đạt 276.601 MW vào năm 2045.
Tính mở và linh hoạt, theo cơ quan soạn thảo, là điểm mới trong cách thức tiếp cận xây dựng quy hoạch điện lần này so với quy hoạch điện VII hay VII điều chỉnh.
Quá trình lấy ý kiến, hoàn thiện quy hoạch điện VIII vừa qua, nhiều ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp bày tỏ tính bất khả thi của quy hoạch này. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), bản quy hoạch chưa đưa ra đánh giá về tỷ trọng nguồn năng lượng này giữa trong nước và nhập khẩu cho sản xuất điện, cũng như các vấn đề liên quan đến nhập khẩu nhiên liệu (LNG, than nhập khẩu...). Điều này đồng nghĩa việc "xây nhà mà không biết trong túi mình có bao nhiêu tiền, phần thiếu sẽ vay ở đâu", nên có thể dự án nguồn điện sẽ dở dang.
Về phần lưới điện, việc đưa vào nguồn năng lượng tái tạo quá lớn cũng là trở ngại, có thể gây lãng phí lớn nếu các dự án nguồn tiềm năng không được triển khai nhưng các công trình lưới điện liên quan đã được đầu tư và ngược lại. Ngoài ra, do xây dựng theo tiêu chí mở, linh hoạt nên nhiều công trình nguồn, lưới điện có tên nhưng lại chưa xác định vị trí... có thể gây ảnh hưởng đến công tác thỏa thuận, thu hồi đất.
Tương tự, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho rằng cần quy hoạch tổng thể các Trung tâm điện lực sử dụng LNG, có vị trí xung quanh các cảng tiếp nhận LNG lớn (LNG Hub) để tối ưu chi phí phát triển hạ tầng và giảm giá thành điện. Tập đoàn này cũng đề nghị cần có nghiên cứu bổ sung liên quan đến việc phân bổ nguồn năng lượng sơ cấp cho phát điện để phù hợp với quy hoạch của các nguồn năng lượng này, để làm rõ sẽ phân bổ phát triển bao nhiêu điện từ khí sản xuất (khí từ các mỏ nội địa, LNG nhập khẩu...).
Anh Minh