Theo Dự thảo của Bộ Công Thương về cơ chế giá cho điện mặt trời áp mái, giá mua điện sẽ từ 8,38 cent một kWh giảm xuống còn 5,2-5,8 cent một kWh, tuỳ theo công suất lắp đặt từng dự án thay vì cùng một mức giá như trước. Quy mô càng lớn, giá càng thấp nhằm khuyến khích các hộ gia đình lắp đặt hơn các trang trại, khu công nghiệp.
Dự thảo cũng quy định tỷ lệ tự dùng tại chỗ của các dự án nhằm giảm áp lực đầu tư lên lưới điện, truyền tải và phân phối. Dự thảo này sẽ trình Chính phủ trong tháng 3.
Bộ Công Thương gần đây đã lập đoàn kiểm tra các dự án điện mặt trời sau khi Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, chấn chỉnh xử lý các sai phạm, nhất là trục lợi chính sách trong triển khai điện mặt trời áp mái. Các dự án được kiểm tra từ tháng 7/2019 đến cuối năm 2020. Bộ này hiện đã đề nghị các địa phương và EVN rà soát dự án điện mặt trời mái nhà có công suất từ 100 kWp trở lên đã đi vào vận hành, được áp dụng giá FIT tại Quyết định số 13.
Cuối năm ngoái, số liệu của EVN cho biết, tổng công suất nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia chưa tính đến điện mặt trời mái nhà đạt trên 62.000 MW, trong đó điện mặt trời trên mặt đất đạt 8.838 MW; điện mặt trời trên mái nhà tham gia cung ứng khoảng 8.000 MW.
Việc phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà không được kiểm soát phù hợp với nhu cầu sử dụng, gây khó khăn trong việc vận hành hệ thống điện quốc gia. Nhu cầu sử dụng điện trong năm ngoái cũng bị tác động do ảnh hưởng của Covid-19.
Do đó, từ đầu năm 2021, EVN đã phải xây dựng và thực hiện phương án cắt giảm nguồn điện mặt trời, cũng như nguồn điện năng lượng tái tạo khác trong hệ thống điện quốc gia, có thể gây lãng phí nguồn lực xã hội và tâm lý lo lắng, bức xúc của nhiều nhà đầu tư.
Đức Minh