Tại cuộc họp của Bộ Giao thông Vận tải chiều 8/10, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Đường sắt Việt Nam, cho biết đơn vị đã xây dựng kế hoạch tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải bằng đường sắt gửi 24 tỉnh, thành xin ý kiến từ ngày 3/10.
Kế hoạch nêu hai giai đoạn chạy lại tàu khách, bắt đầu từ 7/10. Tuy nhiên, đến nay, Cục mới nhận được phản hồi bằng văn bản của Đà Nẵng và Quảng Trị nhất trí với dự thảo kế hoạch. Hà Nội tiếp tục đề nghị dừng vận tải hành khách bằng đường sắt đến thủ đô.
Cùng quan điểm với Hà Nội, lãnh đạo Hải Phòng và Hải Dương cho rằng cần lùi thời gian thực hiện kế hoạch để tiêm phủ vaccine. Mặt khác, khi ga Hà Nội chưa mở lại thì người dân khó đi lại trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng.
![Người dân Quảng Bình đi tàu về quê từ TP HCM ngày 8/10. Ảnh: Đình Văn.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/10/09/IMG-4384-JPG-1633668624-1229-1633744989.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=J7NYPZXa3mBBomXTrLwNgA)
Người dân Quảng Bình đi tàu về quê từ TP HCM ngày 8/10. Ảnh: Đình Văn.
Trên tuyến đường sắt Bắc Nam, TP HCM, Đồng Nai, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Bình... chưa gửi văn bản nhưng đã bày tỏ thống nhất mở lại vận tải hành khách đường sắt. Tuy nhiên, nhiều địa phương khác chưa đồng ý hoặc đề nghị lùi thời gian bắt đầu chạy tàu. Do vậy, ngành đường sắt chưa thể mở lại tàu khách trên các tuyến thời điểm này.
Đại diện một số tỉnh, thành đề nghị khách đi tàu phải phòng dịch chặt chẽ như đi máy bay. Theo đó, khách cần tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc là F0 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng và phải có giấy xét nghiệm âm tính; khai báo y tế; tự cách ly tại nhà trong 7 ngày hoặc tại cơ sở lưu trú theo quy định địa phương nơi đến.
Một số ý kiến cho rằng quy định như trên không phù hợp, vì khách đi tàu chủ yếu là người có thu nhập thấp. Đa số người từ TP HCM và các tỉnh phía Nam về quê chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho rằng hiện nay rất cần thiết mở lại tàu khách đưa người dân về quê và đón người dân có nhu cầu quay lại khu vực miền Nam để lao động. Thành phố tạo điều kiện thuận lợi nhất để đưa đón người dân di chuyển đi, đến các nhà ga trên địa bàn.
"Bộ Giao thông Vận tải cần xem xét điều kiện y tế đối với hành khách đi tàu, nếu đưa ra tiêu chí như với hàng không thì rất khó", ông Lâm nói.
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho hay đơn vị xác định lúc này chạy lại tàu để phục vụ an sinh, chứ không tính đến lãi. Ngành đường sắt đã chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, phương tiện và các điều kiện về phòng dịch, song để chạy lại cũng cần phải có thời gian truyền thông, bán vé.
Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông nói việc mở lại tàu khách trên các tuyến cần phải được các địa phương thống nhất thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, tạo điều kiện đưa người dân về quê, không để tự phát.
"Đề nghị các địa phương phản hồi bằng văn bản trước 13/10, trong đó kiến nghị về thời gian bắt đầu thực hiện, ga đón, trả khách", ông Đông đề nghị.
Sau khi có ý kiến của các tỉnh, thành, Bộ Giao thông Vận tải sẽ điều chỉnh kế hoạch, nêu rõ lộ trình triển khai để báo cáo Chính phủ.
Ngày 30/9, Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn khôi phục vận tải hành khách công cộng tại địa phương nới lỏng giãn cách sau Chỉ thị 16. Việc triển khai cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định, riêng lĩnh vực hàng không, đường sắt do Bộ Giao thông Vận tải quyết, có sự đồng thuận của địa phương nơi đi, nơi đến.
Hiện tàu khách vẫn dừng chạy trên tất cả tuyến đường để phòng dịch Covid-19, chỉ có tàu hàng hoạt động.