Năm ngày gần đây, hàng chục nghìn người dân từ phía Nam chạy xe máy về quê ở miền Trung và ra Bắc. Theo thống kê của lực lượng chức năng Đà Nẵng, riêng ngày 6/10, khoảng 7.000 người hồi hương đi qua địa bàn trong bối cảnh thời tiết mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ.
Trước dự báo cơn áp thấp nhiệt đới ở Biển Đông có thể mạnh lên thành bão, tiếp tục gây mưa lớn ở miền Trung từ nay đến cuối tuần, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường kiến nghị Chính phủ và chính quyền các tỉnh có kế hoạch hành động ngay lúc này để hỗ trợ người dân. Dòng người hồi hương đã vượt qua mọi kịch bản và tính toán của chính quyền. Khi người dân buộc phải về quê bằng xe máy, chở theo con nhỏ, thậm chí đi bộ "đều là những quyết định bất đắc dĩ".
Để hỗ trợ người dân, ông Cường nói nên sử dụng hệ thống đường sắt chạy dọc đất nước, đi qua hầu hết tỉnh, thành. Khi tàu về ga nào thì tỉnh đó điều ôtô đón người dân đi cách ly. Miền Tây không có hệ thống tàu hỏa thì các tỉnh chuyên chở bằng ôtô. Xe khách chở người, xe tải chở xe máy. "Tàu hỏa, xe khách đang nằm im một chỗ mà dân phải chạy xe máy, thậm chí đi bộ về là một nghịch lý", ông Cường nói và đánh giá cao việc một số tỉnh đã chủ động phương án đón người dân về bằng tàu hỏa, đơn cử như Quảng Bình.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, hiện không nên dùng biện pháp hành chính ngăn cản người dân về quê vì chỉ phù hợp trong lúc tình hình dịch chưa được kiểm soát và chưa chuyển sang trạng thái "thích ứng an toàn". "Nếu hành động kịp thời, thậm chí sớm hơn thì dòng người hồi hương đã có trật tự và dễ kiểm soát dịch hơn", ông nhận định và kiến nghị chính quyền các tỉnh sớm ký hợp đồng với đơn vị vận tải ở địa phương để đón dân.
"Người dân đánh cược tính mạng vượt hàng nghìn km về quê rất khổ ải và rất dễ tủi lòng, chúng ta cần sớm hỗ trợ bằng phương án tốt nhất có thể", ông nói thêm.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cũng kiến nghị chính quyền các tỉnh, thành tổ chức đón người dân về quê, có thể công bố đường dây nóng tiếp nhận nguyện vọng của người dân hoặc đăng ký trực tuyến. Sau đó, chính quyền trích ngân sách, kêu gọi xã hội hóa thuê chuyến bay, tàu hỏa đưa người dân hồi hương.
Theo ông, khi người dân về quê, cần tổ chức khám sàng lọc. Trường hợp nào an toàn cho cách ly tại nhà, bởi nhiều tỉnh địa bàn rộng, nhà dân ở xa nhau không cần thiết phải cách ly tập trung tất cả.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng hỗ trợ người dân về quê trước khi bão tới là "việc cấp bách nhất lúc này". Phản ứng chính sách cần có ngay và nhất quán từ trung ương đến địa phương, bởi đây đã trở thành vấn đề lớn của quốc gia chứ không còn riêng tỉnh nào.
Với người dân đang trên đường về, trung ương nên chỉ đạo các tỉnh lập trạm dừng nghỉ, hỗ trợ, bố trí nơi ăn ở, đợi mưa bão qua rồi bố trí cho di chuyển tiếp. "Nếu cứ để dân đi về giữa lũ bão, có bất trắc xảy ra thì không có gì biện minh và chuộc lỗi được hết", ông nói.
Trong bối cảnh TP HCM và nhiều tỉnh phía Nam đang dần phục hồi kinh tế, TS Nguyễn Sĩ Dũng nói "lý tưởng nhất vẫn là vận động người dân ở lại". Người dân ở lại ngày nào thì TP HCM và các tỉnh trợ giúp ngày đó. Nếu nguồn lực địa phương cạn kiệt có thể bố trí ngân sách Trung ương. Nguồn dự trữ quốc gia cần dùng trong lúc cấp bách này và đó là chi tiêu hữu ích nhất.
Theo ông, nếu chương trình an sinh, tạo việc làm hấp dẫn mà người dân vẫn không ở lại, có nguyện vọng về quê thì nên tổ chức đưa đón có kế hoạch. "Cần có một cơ quan đứng ra làm đầu mối đưa bà con về. TP HCM giao cho Bộ tư lệnh thành phố lên kế hoạch là cách làm hay, thể hiện sự trân trọng tối đa con người và được lòng dân", TS Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Ông Huỳnh Đức Thơ, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhận định những ngày tới số lượng người rời các tỉnh phía Nam về nương nhờ quê nhà sẽ còn rất nhiều. Dù muốn hay không thì chính quyền cũng phải hỗ trợ. Các tỉnh có thể phối hợp tạo thành luồng di chuyển riêng cho người dân và dùng xe khách trung chuyển, giúp người dân có thời gian nghỉ ngơi sau đoạn đường dài chạy xe máy.
Hiện nay một số địa phương đã chủ động tạo điều kiện cho người dân về nhà. Như Đà Nẵng đêm qua (6/10) đã mở hầm Hải Vân để người dân chạy xe máy qua, thay vì phải đi đường đèo nhiều khúc cua tay áo, đêm tối, đường trơn, sương mù che khuất tầm nhìn... "Việc này rất được dư luận rất ủng hộ", ông Thơ nói.
Ở góc độ doanh nghiệp vận tải, các đơn vị đường sắt, hiệp hội du lịch cho biết sẵn sàng tham gia vào việc hỗ trợ người dân. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, nói hiện nay các đơn vị lữ hành có rất nhiều đầu xe khách và sẵn sàng hỗ trợ người dân di chuyển thay vì phải chạy xe máy, việc còn lại là chủ trương của địa phương. Hiện tại, Đà Nẵng đã huy động phương tiện của hai doanh nghiệp để hỗ trợ trung chuyển người dân qua hầm Hải Vân.
"Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng sẵn sàng huy động nguồn lực giúp bà con đi qua địa phận của thành phố. Tôi sẽ trao đổi với Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế để thống nhất", ông Dũng nói.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), khẳng định "đường sắt sẵn sàng chuyên chở người dân về quê". Mỗi ngày, ngành có thể chạy 20 đoàn tàu trên tuyến, vận chuyển khoảng 10.000 khách.
Theo ông, vận chuyển bằng đường sắt an toàn cho người dân, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh, tàu có thể chở cả người và xe máy. Song tàu chở khách đến đâu phải được địa phương đó đồng ý cho dừng đỗ và tỉnh đó có biện pháp đón khách, cách ly. Ngành đường sắt không thể tự đưa khách về các tỉnh mà không có sự đồng ý của địa phương.
Thời gian qua, ngành đường sắt đã tổ chức chuyến tàu đưa người dân từ phía Nam về các tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Ninh Bình theo đề nghị của địa phương.
Hồng Chiêu - Nguyễn Đông - Đoàn Loan - Viết Tuân