"Ai ơi về ăn cơm" là câu nổi tiếng trong một câu chuyện dân gian, khi người vợ trẻ, mới cưới gọi chồng về nhà ăn cơm nhưng còn ngượng không dám gọi chồng bằng "anh" hoặc "mình" mà chỉ gọi... khơi khơi bằng "ai" vậy thôi. "Về ăn cơm" cũng là câu nói hàng ngày, thân thiết với mỗi người Việt chúng ta. Đó không chỉ là câu của người vợ gọi chồng, mẹ gọi con khi đến bữa ăn, mà còn là câu mệnh lệnh của mỗi người tự "ra" cho mình khi sắp đến giờ ăn của nhà mình. Có nghĩa là họ phải trở về với gia đình, có "ai" người thân đang đợi chờ, đó là một cuộc sum họp nho nhỏ mỗi ngày mà họ không thể vắng, như một bổn phận thiêng liêng...
Thế nhưng hiện nay, đặc biệt là ở những thành phố lớn, chuyện về nhà ăn cơm với một số gia đình, nhất là ở những gia đình trẻ đã dần dần thưa thớt, nếu không nói nó đã bị xem nhẹ và liệu có nguy cơ biến mất chăng? Như gia đình một người bạn tôi, họ có cậu con trai học lớp sáu, người chồng có việc làm trong ngành công nghệ thông tin, còn vợ là giáo viên Tiếng Anh với thu nhập khá cao.
Căn hộ cao cấp của họ có gian bếp được trang bị hiện đại từ tủ lạnh lớn hai cánh, bếp gas xịn với máy hút mùi, lò vi sóng, máy xay sinh tố đa năng, nồi hầm, nồi cơm thông minh, nồi lẩu điện... Tất cả được sắp xếp như một gian bếp mẫu nhưng lại rất ít được dùng đến, hiếm hoi một tuần chỉ vài lần.
Như nhiều gia đình sống ở thành phố, buổi sáng họ ăn bên ngoài cho tiện do cha mẹ vội đi làm và để con cái đến trường kịp giờ. Người chồng ăn cơm trưa văn phòng, buổi chiều thường ở lại làm thêm ở công ty hay đi chơi tennis với bạn bè và lai rai vài chai bia hoặc dự tiệc khao, tiệc cưới, thôi nôi, sinh nhật... Ở một công ty có đến hàng trăm nhân viên, lại là trưởng phòng nên anh được mời ăn uống liên tục.
Cậu con trai ăn trưa ở trường. Buổi chiều mẹ vừa đón về đến nhà, cậu bé liền lục tủ lạnh bê ra nào kem, bánh ngọt, chocolate và mì gói, vừa ăn vừa chơi game hay xem tivi, đọc truyện tranh. Cứ thế cho đến tối, cậu bé chẳng màng đến chuyện ngồi vào bàn ăn cơm.
Những hôm đi dạy buổi tối hay đi chơi, dự tiệc, người mẹ chở con qua gửi cho bà ngoại và để nó ăn ở đấy. Cũng vì thế mà chị rất lười nấu nướng, bởi có nấu cũng chẳng mấy ai ăn. Cái chính là một phụ nữ bận rộn, kiếm được nhiều tiền nên chị thấy rằng việc nấu ăn quá tốn kém thời gian mà không đem lại hiệu quả kinh tế. Lo một bữa ăn, từ lúc bắt đầu chế biến, nấu nướng đến ăn xong, dọn dẹp đâu vào đấy mất ít nhất vài giờ và rất mệt. Trong khi với ngần ấy thời gian chị có thể kiếm vài trăm ngàn đồng một cách nhẹ nhàng. Không ít phụ nữ hiện đại nghĩ như cô, nấu ăn rất mệt, mất thời gian mà chưa chắc được chồng khen.
>> Tự hào 'kiếm tiền giỏi là không cần biết nấu ăn'
Trong cuộc sống, nhiều người cứ buổi chiều tan sở là ghé cửa hàng mua mấy hộp cơm sẵn mang về ăn, không chỉ đỡ tốn công nấu mà còn khỏi phải rửa chén. Để họ còn có thì giờ nghỉ ngơi, thư giãn, làm đẹp như tập thể dục thẩm mỹ, đi massage, đi spa, tập Yoga hoặc vui chơi với bạn bè... Không chỉ những bà vợ cảm thấy nhẹ nhõm khi được "giải thoát" khỏi chuyện bếp núc mà những ông chồng cũng thoải mái khi được "giải phóng" khỏi bữa cơm nhà, được sống cảnh "cơm hàng cháo chợ" như thời độc thân.
Và không hiếm những đứa trẻ thành phố mơ hồ về khái niệm "bữa cơm gia đình". Với nhiều đứa trẻ trong những gia đình khá giả, đó có khi là bữa cơm với người giúp việc, trong khi cha đang bay đi ký hợp đồng, còn mẹ bay đi học hành hoặc du lịch. Theo những nghiên cứu khoa học mới đây của Mỹ, thì những đứa trẻ được ăn cùng với cha mẹ hàng ngày có tâm lý cân bằng hơn, phát triển ngôn ngữ tốt hơn và tất nhiên cũng thông minh, khéo léo hơn, nhất là khi chúng được tham gia vào việc chuẩn bị bữa ăn cùng cha mẹ. Tiếc rằng ngày càng có nhiều đứa trẻ không có được bữa cơm gia đình như vậy.
Một người hàng xóm cạnh nhà tôi, là một nhà giáo về hưu, từng đảm nhiệm chức hiệu trưởng một trường THPT, nên khá bận rộn. Bà kể rằng, dù bận rộn đến đâu bà vẫn duy trì được bữa cơm gia đình, trừ những lúc đi công tác xa. Cả ngày, mọi thành viên không thể cùng ăn được ba bữa thì bà cố giữ bữa cơm chung vào buổi tối, dù diễn ra hơi muộn.
Bà nói rằng, chính trong bữa ăn gia đình, mọi người sẽ phát hiện ra những vấn đề của ai đó, chẳng hạn họ có khỏe không, buồn, vui hay gặp rắc rối gì? Vì cách ăn uống biểu lộ trạng thái tinh thần hay sức khỏe của người ta rất rõ. Như chồng bà thường ăn uống ngon miệng và rất khỏe, nếu khác đi tức là ông bị mệt, ăn ít ngay hoặc không ăn được gì. Bà sẽ bù cho ông một cốc sữa vào cuối bữa hay ăn cháo cho nhẹ bụng. Nếu gặp chuyện buồn bực ở cơ quan ông cũng ăn ít, chậm. Bà sẽ tìm một chuyện gì vui để nói khiến ông quên buồn và ăn được bình thường.
Hay con gái của bà có lần cuối học kỳ bị xếp loại trung bình, chưa bao giờ bị như thế nên cô bé rất buồn. Chiều ấy ngồi vào bàn ăn, nó cứ thừ người ra chẳng muốn ăn uống gì. Thấy vậy, bà tìm cách dò hỏi được lý do, không quát mắng mà còn động viên an ủi con. Thế nên cô bé lại ăn được ngay. Một người con của bà đang sống và làm việc ở nước ngoài. Các con bà thường bảo rằng "được thưởng thức những món ngon vật lạ ở xứ người, dự tiệc trong những nhà hàng sang trọng nhưng vẫn nhớ quay quắt cái không khí đầm ấm, quây quần của gia đình mình ngày nào, với những món ăn Việt bình thường nhưng rất ngon nhờ tài nấu nướng khéo léo của mẹ...".
Có một thực tế là rất nhiều đứa con đều thấy mẹ mình là người nấu ăn ngon nhất. Chẳng lẽ những bà mẹ đều khéo đến thế hay sao? Hoặc những đứa con chỉ đang nịnh mẹ? Hay vì quen với cách nấu ăn của mẹ nên đã hình thành cho họ một khẩu vị riêng, khi đi đâu ăn họ cũng thấy không đâu ngon bằng mẹ nấu?
Tôi quen một chàng trai làm việc trong một khu công nghệ cao với thu nhập cao. Buổi trưa ở lại công ty, đi ăn cơm văn phòng, cậu luôn chê dở. Vậy là bà mẹ, là kế toán cho một công ty, dẫu rất bận rộn vẫn phải nấu cơm cho vào cặp lồng để cậu mang theo. Buổi trưa ăn cơm xong, cậu thường nhắn tin về cho mẹ khen: "Cơm mẹ làm ngon quá". Bà mẹ đọc tin nhắn trong điện thoại mà mát cả ruột.
Trong thời buổi hiện nay, giá thực phẩm leo thang đến chóng mặt, vệ sinh an toàn thực phẩm đáng báo động thì bữa cơm gia đình không chỉ có ý nghĩa về tinh thần, là năng lượng thương yêu được bổ sung hàng ngày cho các thành viên, mà còn là sự tiết kiệm thiết thực và bảo vệ sức khỏe cho cả nhà. Nhưng để bữa cơm ấy thực sự có ý nghĩa, được hiện đại hóa, có chất lượng và nhanh gọn, đỡ vất vả cho người phụ nữ thì mọi thành viên cùng tham gia chuẩn bị. Mỗi người góp vào một tay thì chắc chắn bữa cơm ấy không chỉ là buổi sum họp mà còn là "ngày hội" của gia đình và đấy cũng là cách giáo dục con trẻ biết chia sẻ, giúp đỡ nhau.
Người đàn ông hiện đại cũng phải biết làm bếp. Và bữa ăn gia đình cũng có thể diễn ra ngoài gia đình, khi cùng nhau ăn uống ngoài trời trong những buổi cắm trại, đi dã ngọai hay cùng kéo đến một nhà hàng đặc sản mà cả nhà ưa thích... Ngay như văn hào Dostoyevski được công chúng ngưỡng mộ không chỉ vì sự nghiệp văn chương tài ba, mà còn cả vì sự gắn bó, yêu thương của ông với gia đình mình qua những bữa ăn. Dù rất bận rộn để viết những kiệt tác văn chương nhưng "ông luôn có mặt ăn trưa với cả nhà, thường là rất muộn. Bên bàn ăn ông khéo léo dẫn dắt câu chuyện để cả nhà cùng có thể tham gia trò chuyện vui vẻ với nhau". Ông được xem là người đem cả tâm hồn ra để xây đắp cho một gia đình đầy sức sống...
Thạch Bích Ngọc
- Lương gấp ba lần vợ vẫn bị chê lười làm việc nhà
- Phụ nữ làm việc nhà không phải là 'hy sinh cao cả'
- Tư tưởng 'việc nhà là chuyện đàn bà'
- Tư tưởng 'chồng là trụ cột kinh tế, vợ phải lo hết việc nhà'
- 'Phụ nữ thời nào cũng cần biết làm việc nhà'
- 'Phụ nữ cần biết làm việc nhà'