Tôi nhớ mãi năm học lớp 5 nơi mái trường tiểu học ở quê mình - không chỉ vì đó là năm cuối cấp mà còn bởi phần thưởng học sinh giỏi khó quên. Tháng 5 năm đó, mẹ tôi đi họp phụ huynh về và thông báo: "Năm nay trường có ba học sinh giỏi, cả ba em sẽ được miễn thi tốt nghiệp, lên hẳn lớp 6". Tôi nghe xong, nghĩ bụng "bạn nào được học sinh "Đặc biệt, lớp thầy Huỳnh chủ nhiệm được hai bạn là Quỳnh Châu và con". Khỏi phải nói, tôi đã vui như thế nào khi nhận được tin đó.
Lễ bế giảng, ngoài giấy khen bình thường của trường, ba học sinh giỏi miễn thi tốt nghiệp tiểu học năm đó còn được nhận giấy khen của Ủy ban nhân dân xã và một phần học bổng khích lệ, được tuyên dương trước toàn trường. Thầy Hiệu trưởng đã nói: "Đây là 3 học sinh có cố gắng và học giỏi toàn diện, các em phấn đấu, nỗ lực chăm ngoan như các bạn để cũng đạt thành tích như vậy". Cả trường vỗ tay tán thưởng. Cảm giác hạnh phúc đó tôi mang về tặng cho mẹ và ngoại mình, hai người đã tảo tần nuôi nấng, nhắc nhở tôi học hành từng bữa và tự hứa sẽ cố gắng giữ vững danh hiệu đó.
Và tôi đã nỗ lực theo lời nhắc của thầy hiệu trưởng cũng như từ thôi thúc về phần thưởng và những tấm giấy khen đầy khích lệ năm nào, để nhiều năm là học sinh giỏi. Đến năm lớp 9, trong số năm học sinh được huyện Quế Sơn (Quảng Nam) vinh danh vì thành tích vượt khó học giỏi, tôi đã được chọn.
>> Nhiều người Việt đang sai lầm trong đánh giá học sinh 'tốt' và 'giỏi'
Năm lớp 10, tôi học tại trường Trung học Phổ thông Nông Sơn, một trường vùng miền núi, nghèo và thiếu thốn cơ sở vật chất. Nhà vệ sinh không có, tới giờ nghỉ giải lao, nam nữ túa ra các "khu vệ sinh ngoài trời" để giải quyết. Con đường tới trường đầy đá sỏi nơi vùng mỏ Nông Sơn được thầy cô gọi vui là đường 2B (mùa mưa thì "bùn" tới ống chân, mùa nắng "bụi" bay tới nóc nhà, bám đầy trên áo trắng học trò màu đen gớm ghiếc). Đó là năm đầu tiên trường tôi "hội nhập" bằng việc cử các đội học sinh giỏi đi thi cấp tỉnh sau nhiều năm không tham gia vì điều kiện khó khăn. Năm đó, tôi và Minh Hằng - bạn cùng lớp 10/3 của trường vào đội tuyển, được các thầy cô bộ môn thay phiên ôn tập cả kiến thức lẫn kỹ năng.
Mùa thi học sinh giỏi năm 2000-2001 của tỉnh Quảng Nam, tôi và Hằng là hai học sinh mang về hai giải khuyến khích môn Văn cho trường khiến thầy cô ai cũng vui mừng vì "trận đầu đã có giải". Chính vì thế, trường thưởng lớn (ngoài tập vở thông thường còn có sách và một phần tiền 200.000 đồng/giải, quá lớn với học trò thời đó); đồng thời còn đề xuất Ủy ban nhân dân huyện Quế Sơn khen thưởng. Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh cũng có giấy khen và phần thưởng. Những phần thưởng tôi nhận được thực sự giá trị cả vật chất lẫn tinh thần khiến chúng tôi nỗ lực nhiều hơn trong học tập, thôi thúc tôi đầu tư nhiều hơn môn Văn cho đến bây giờ, theo luôn nghiệp viết lách.
Những phần thưởng đó có thể là nhỏ bé so với nhiều người nhưng với tôi, nó đã phần nào được đánh giá bằng những kết quả đặc biệt mà một học sinh nghèo như tôi đã nỗ lực và được ghi nhận. Tôi tin hơn vào việc học thực chất của mình sẽ mang lại những phần thưởng tương xứng.
>> Thưởng tiền cho học sinh giỏi là 'giết chết thế hệ trẻ bằng vật chất'
Kể về những cột mốc trên không phải để khoe mà vì những ngày qua, nhiều phụ huynh, nhất là phụ huynh tiểu học đã phân vân trong các thành tích đạt được của con em mình. Có anh bạn đồng nghiệp chia sẻ: "Hồi xưa mình học được học sinh giỏi phải 'trầy vi tróc vảy', bây giờ tụi nhỏ cả lớp mưa điểm 10, toàn xuất sắc với giỏi". Có chị còn than: "Con mình đạt loại giỏi mà không dám khoe vì cả lớp con ai cũng thành tích đó, thậm chí con người ta còn giỏi toàn diện, toàn 10 điểm, trong khi con mình còn có một điểm 9". Thậm chí có phụ huynh còn "than thở": "Con bé nhà mình đạt loại giỏi mà nó không vui vì trong lớp chỉ có 5 cháu bị điểm 9 chen vào".
Nghe những lời đó, tự dưng thấy thương học trò thời nay quá. Những thang điểm, tiêu chí đánh giá trẻ con, học trò và cả sinh viên theo hướng "thần đồng" đã biến những đứa trẻ thành nạn nhân của bệnh thành tích. Những báo cáo tròn trịa của việc dạy và học với những ngôi trường học sinh giỏi "đông hơn quân Nguyên", học sinh chưa đạt giỏi chỉ có một vài với tỉ lệ bằng tỉ lệ học sinh giỏi thời tôi đi học có là tín hiệu đáng hoan hỷ?
Câu trả lời có thể tham khảo từ những lời "than nhẹ" của các phụ huynh mà tôi vừa kể. Nhưng có lẽ, câu chuyện đánh giá học sinh, sinh viên cần xem lại với những khung giá trị, những yêu cầu mang tính "chuẩn" của ngành giáo dục đưa ra.
>> Tôi không thấy hãnh diện dù con tôi xếp loại xuất sắc
Một người bạn tôi đang công tác tại một trường phổ thông ở TP HCM chia sẻ: "Yêu cầu học sinh học giỏi toàn diện là một điều bất khả thi bởi mỗi người đều có năng lực vượt trội ở một hoặc vài mảng, đồng thời sẽ có những yếu kém ở một số lĩnh vực khác. Giáo dục là tìm ra điểm mạnh của học sinh đó để phát huy, đưa nó về đỉnh cao". Chính vì muốn con em mình giỏi toàn diện nên nhiều người đã bắt chúng học ngày đêm, làm cho học sinh không có hạnh phúc khi tới trường. Thầy cô giáo cũng bị áp lực bởi vô số các cuộc thi đua trong trường, lớp nên càng không có hạnh phúc khi đứng lớp, khó có thể sáng tạo chuyện dạy cho học trò.
Trở lại chuyện khen thưởng, có phải tất cả những học sinh đều phải khá giỏi mới chứng tỏ năng lực dạy và học của thầy và trò? Tất nhiên là có về mặt báo cáo, nhưng thực chất của giáo dục, ngoài điểm số còn có một giá trị khác là tạo ra những con người có cảm xúc, có niềm hạnh phúc, phân loại những người thực sự có khả năng để khuyến khích họ phát huy năng lực, khích lệ những người khác nỗ lực hoàn thiện mình thêm.
Làm sao để mỗi tấm giấy khen học sinh nhận về mỗi mùa bế giảng là một niềm tự hào và khích lệ thực sự? Theo tôi, nên trở về lại cách đánh giá của thời tôi đi học, chấp nhận những học sinh chưa giỏi để giúp các em phấn đấu thêm thay vì tạo ảo giác mình đã giỏi toàn diện như hiện nay.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây