Xã hội ngày nay đang gặp nhiều vấn đề về đạo đức, nhân cách sống. Liệu đây chỉ là do bản chất của một số cá nhân? Có thể, nhưng lý do này chắc chắn không nhiều. Nguyên nhân còn do sự bỏ bê và sai lầm trong giáo dục. Xin đừng phản biện là cái gì cũng đổ cho nhà trường. Tôi nói chung về giáo dục, chứ không nói riêng nhà trường. Giáo dục nói chung là sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội. Cũng đừng nói là: "Có ai dạy chúng làm việc phạm pháp đâu?". Vấn đề chúng ta đang dạy trẻ cái gì và như thế nào?
Có hai việc lớn chúng ta phải thay đổi để xây dựng một xã hội phát triển bền vững về mặt con người:
Thứ nhất, quan điểm giáo dục, quan điểm đánh giá con người của chúng ta đã sai lầm qua nhiều thế hệ. Giáo dục chúng ta có lạc hậu không, điều đó không quan trọng lắm. Cái quan trọng là chúng ta lạc đường. Chúng ta hay đánh đồng hai khái niệm "tốt" và "giỏi". Quan điểm này đã ăn sâu trong từng gia đình, nhà trường, cũng như trong xã hội. "Tốt" là điều mọi công dân phải hướng đến, trong khi "giỏi" là năng lực. Ai cũng phải phấn đấu để thành học sinh ngoan, công dân tốt. Nhưng giỏi là giỏi, kém là kém. Kém không phải là xấu vì mỗi người đều có vai trò trong xã hội. Giáo dục thành công không phải là biến kém thành giỏi.
Giáo dục trong trường phổ thông, thông qua truyền tải kiến thức, có mục tiêu phát hiện năng lực để phân loại học sinh với vai trò, vị trí trong xã hội tương lai, đồng thời hỗ trợ gia đình phát triển nhân cách các em. Một bộ phận lớn vẫn mặc nhiên xem "tốt" là phải "giỏi", chỉ có "giỏi" mới được ưu tiên, quan tâm, còn năng lực kém thì sẽ bị hiểu là đạo đức kém. Nhiều cha mẹ, ông bà vẫn hỏi han thứ hạng của con cái và coi đó như chuẩn "tốt".
Hè vừa rồi, tôi đi Suối Tiên và thấy bảng thông báo giảm giá cho các em được học sinh giỏi. Tại sao lại ưu tiên kiểu này? Có thông tin một em học sinh nghèo nhưng đoạt giải cao, có phụ huynh còn so sánh với con mình rồi buồn. Khen em học sinh nghèo vượt khó là tốt, nhưng con mình không được như thế cũng đâu phải là sai.
>> Thưởng tiền cho học sinh giỏi là 'giết chết thế hệ trẻ bằng vật chất'
Trong giáo dục, xếp hạng tổng thể, theo tôi biết vẫn còn tồn tại, là sự phản ánh quan điểm giáo dục sai lầm trên. Lấy điểm các môn cộng lại (một vài môn "quan trọng" nhân hệ số 2) rồi chia trung bình. Ai cao điểm nhất được xếp hạng nhất toàn diện. Nhưng dựa vào đâu một học sinh giỏi toán lại được xét giỏi toàn diện trên học sinh giỏi mỹ thuật? Giỏi cái nào thì chỉ có điểm số môn đó ghi nhận.
Bỏ xếp hạng tổng thể, không có nghĩa chúng ta bỏ đánh giá năng lực, mà là bỏ đi sự phân biệt giá trị con người. Người học kém, ra đời phải làm ngành nghề chân tay, nhưng họ cũng phải được nhìn nhận vai trò quan trọng trong xã hội. Vậy mà những tư tưởng xem họ không chỉ "dở" mà còn "xấu", "không chịu học hành nên mới phải đi lao động" vẫn còn phố biến. Quy tắc xếp hạng này đã đẩy một bộ phận học sinh thấy mình lạc lõng trong lớp học, cảm thấy mình thua thiệt, vô dụng, chán trường lớp. Một số em gồng mình học để rồi stress. Nó là mầm mống của sa ngã trong xã hội sau này. Trong khi đó, một số em xếp hạng cao cũng ảo tưởng về năng lực, nghĩ điểm số thời đi học là quan trọng bậc nhất vì "mình đứng trên người khác". Việc xếp hạng này là sự phân biệt giá trị con người, trong khi trẻ em dù được sinh ra với hình hài và trí tuệ thế nào cũng phải được nhìn nhận bình đẳng.
Tôi ở nước ngoài khá lâu, xếp hạng tổng thể không có nhưng thỉnh thoảng phụ huynh nói chuyện với nhau, vẫn hỏi về điểm số các môn (giáo viên không công khai). Các phụ huynh có con điểm thấp đều khẳng định quan trọng là con vui vẻ, hạnh phúc tới trường, hòa đồng với lớp. Tất nhiên ai cũng mong con mình học giỏi, chỉ có điều quan điểm giáo dục đúng đắn đã không tạo sức ép lên học sinh. Cũng khó trách phụ huynh ở Việt Nam, chỉ những người đủ kiến thức và can đảm mới dám đối đầu với quan điểm sai lầm này bởi không ai muốn con mình bị phân biệt ở trường lớp. Chính nhà trường phải truyền tải mục tiêu giáo dục đúng đắn cho phụ huynh để họ chỉ khuyến khích con phát triển hết khả năng mà không tạo sức ép. Tôi biết, với thực trạng xã hội Việt Nam hiện này, mong con học giỏi không chỉ là tự hào về thành tích mà còn là khát vọng để thoát nghèo, trong khi ở các nước phương Tây, làm nghề gì cũng tương đối đủ sống. Nhưng các bạn phải biết nếu tuổi thơ không trọn vẹn thì tuổi trưởng thành cũng bị ảnh hưởng tiêu cực.
Không có giải pháp nào hoàn toàn, tối ưu. Có lẽ các con tôi sẽ hứng thú hơn nếu được xếp hạng như ở Việt Nam, nhưng xét về tổng thể, sự xếp hạng này gây tác hại nhiều hơn có lợi. Dù sao thì các cháu vẫn có bảng điểm, vẫn có giờ học riêng cho học sinh với năng lực vượt trội, nhận các bài tập khó hơn, đó cũng là sự kích thích các cháu. Ngoài việc thay đổi quan điểm giáo dục thông qua bỏ xếp hạng, tôi nghĩ cần có vài thay đổi nữa như: bỏ lớp trưởng, lớp phó bởi nó chỉ tạo khoảng cách giữa các học sinh; nhiều giờ học hơn về cách ứng xử, làm việc nhóm, hòa đồng với bạn bè...
>> Khi người trẻ Việt không biết cúi đầu trước đạo lý
Thứ hai, Nhà nước và các tổ chức phải liên tục hỗ trợ việc nâng cao trình độ dân trí. Trình độ dân trí của nước ta không theo kịp với sự phát triển kinh tế, chính vì vậy xã hội bị rối giữa các giá trị. Mỗi cá nhân đều phải tự mình học hỏi, điều đó đúng. Nhưng để xã hội phát triển đồng bộ, chúng ta phải chấp nhận một thực tế rằng một bộ phận người dân hoàn toàn không nghĩ tới việc đi tìm kiến thức, chỉ có kiến thức đi tìm họ, không thì thôi. Chúng ta có la mắng họ ngu dốt thế nào thì cũng chắng thay đổi được. Muốn xã hội tốt lên chỉ có cách cùng nhau "đẩy" kiến thức về họ.
Tôi thấy có quá nhiều người lớn có lỗ hổng kiến thức: về việc giáo dục con cái, về sinh sản, về tình yêu hôn nhân, sức khỏe, họ có quan điểm lệch lạc, mê tín dị đoan... Nhiều khi việc thiếu kiến thức cũng làm cho người ta độc ác. Không chỉ trẻ em cần được giáo dục mà nhiều người lớn cũng cần. Có thể chính họ cũng không được giáo dục tốt, để rồi tới lượt họ cũng bỏ bê con cái. Trẻ em bị bỏ mặc, không được định hướng đọc những cuốn sách hay, chơi những môn thể thao lành mạnh mà lại lớn lên trong môi trường toàn game bạo lực, nhạc phim ngôn tình, giải trí nhảm nhí thì làm sao có quan điểm sống đúng đắn và đầy đủ bản lĩnh được? Trẻ em không được giáo dục tốt, trong khi lại có cơ hội tiếp xúc với thông tin tràn làn, không chọn lọc.
Giáo dục dân trí không phải là xây thêm đại học để tạo thêm bằng cấp chuyên môn mà là giúp mọi người, ngay cả những người "kém" nói ở trên cũng đủ kiến thức và trách nhiệm của một công dân tốt trong xã hội. Ngoài việc để sẵn thông tin, kiến thức miễn phí tại các nơi công cộng như bệnh viện, cơ quan nhà nước, trung tâm xã hội..., có thể phải phổ biến định kỳ những thông tin này đến một bộ phận người dân. Cứ làm như thế trong một thời gian dài, hôm nay không đọc, mai không đọc nhưng sẽ tới lúc nào đó họ sẽ đọc, một ngày chưa thấm, rồi từ từ họ sẽ thấm. Ở châu Âu, việc giáo dục dân trí đã hình thành từ lâu nhưng chưa bao giờ bị xem nhẹ. Mong rằng xã hội Việt Nam cũng sẽ phát triển bền vững và đúng định hướng.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.