Tính đến sáng 20/8, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 210.772.522 ca nhiễm nCoV và 4.415.907 ca tử vong. Trong đó, tổng số ca bệnh đang điều trị được xác nhận trên toàn cầu là 17.653.691 người, theo trang worldometers.info.
Trước tình trạng đại dịch kéo dài, nhiều nước bắt đầu triển khai tiêm mũi tăng cường vaccine Covid-19 cho người đã tiêm chủng gần một năm trước. Tuy nhiên, chính sách này đang được cân nhắc lại tại nhiều nơi sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ trích các nước giàu tăng sức ép lên nguồn cung vaccine toàn cầu, giữa lúc thế giới còn đang thiếu hụt nghiêm trọng.
"Một số nước trên thế giới triển khai tiêm mũi tăng cường đã đe dọa tương lai của châu Phi. Các nước giàu thu gom vaccine là đang khinh thường bình đẳng vaccine", Giám đốc khu vực châu Phi của WHO Matshidiso Moeti ngày 19/8 phê phán
Cơ quan Dịch vụ Y tế Anh (NHS) đang xem xét lại các bằng chứng khoa học về tính hiệu quả trong chiến dịch tiêm đại trà mũi vaccine thứ ba cho mọi cư dân trên 50 tuổi từ tháng 9 và có thể tập trung hơn vào nhóm có hệ miễn dịch dễ tổn thương.
Tính đến ngày 17/8, Anh đã triển khai tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19 cho khoảng 47,41 triệu dân. Số người đã tiêm đủ hai mũi là 40,99 triệu. Nước này ghi nhận hơn 36.000 ca nhiễm trong ngày 19/8, với 113 ca tử vong mới.
Các nhà khoa học Mỹ cũng tranh luận kế hoạch tiêm bổ sung cho người dân từng nhận mũi vaccine đầu tiên tối thiểu 8 tháng trước. Dữ liệu về ca nhiễm xâm nhập tính đến ngày 9/8 cho thấy gần 74% trong 8.054 cư dân Mỹ nhập viện vì Covid-19 dù đã tiêm chủng rơi vào nhóm trên 65 tuổi. Rủi ro ca nhiễm xâm nhập với người trẻ không rõ ràng.
Mỹ đang là vùng dịch lớn nhất thế giới với tổng số ca nhiễm đã lên 38.223.657, tăng hơn 146.000 trong 24 giờ qua. Số ca tử vong vì Covid-19 tăng 927 lên 643.073 người.
Trước những lo lắng của cộng đồng quốc tế, Anthony Fauci, cố vấn về Covid-19 cho Tổng thống Joe Biden, tái khẳng định Mỹ vẫn cam kết mở rộng năng lực sản xuất vaccine để hỗ trợ cho các nước thu nhập thấp và vừa trên thế giới. Kế hoạch viện trợ quốc tế lẫn tiêm mũi tăng cường trong nước sẽ được triển khai đồng loạt.
Tại Israel, chính phủ vẫn kiên quyết đẩy nhanh mũi tăng cường vaccine Covid-19 nhằm bảo vệ người dân trước làn sóng dịch thứ tư. Bộ Y tế Israel ngày 19/8 thông báo mở rộng đối tượng tiêm bổ sung gồm người trên 40 tuổi và giáo viên, sử dụng vaccine Pfizer-BioNTech.
Trước đó, quốc gia Trung Đông khởi động tiêm mũi tăng cường cho người trên 60 tuổi vào tháng 7, rồi mở rộng cho người trên 50 tuổi và nhân viên y tế cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Hong Kong đang nghiên cứu khả năng tiêm mũi vaccine thứ ba cho những cư dân đã nhận đủ hai mũi vaccine của Sinovac. Kết quả đầu tiên của nghiên cứu dự kiến được công bố vào tháng 10. Tính đến hết ngày 19/8, đặc khu của Trung Quốc mới ghi nhận hơn 12.047 ca nhiễm nCoV và 212 ca tử vong.
Tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte vừa qua bất ngờ chấp nhận nới lỏng các biện pháp phong tỏa chống dịch trong vòng 10 ngày, từ 21 đến 31/8 dù vừa ghi nhận 14.895 ca nhiễm mới trong hôm qua.
Tổng số ca bệnh đang được điều trị trên cả nước lên đến 111.720 người, gần cột mốc kỷ lục 4 tháng. Với tổng số ca nhiễm hơn 1,79 triệu người và hơn 30.800 ca tử vong vì Covid-19, Philippines tiếp tục là vùng dịch nghiêm trọng nhất khu vực Đông Nam Á sau Indonesia.
Trung Nhân (Theo Reuters/SCMP/Nikkei Asia)